Nghịch cảnh chuỗi cung ứng thịt ở Mỹ: Nhà máy mở cửa trở lại nhưng công nhân không đi làm vì Covid-19
- Công nghệ
- 18:33 - 06/05/2020
Tại một nhà máy của JBS USA ở Greeley, Colorado, số công nhân không đi làm lên tới 30%. Trước khi nhà máy bị đóng cửa vì Covid-19, con số này là khoảng 13%. Công ty hiện đang trả lương cho 10% lao động, những người bị coi là dễ bị tổn thương, khi họ không phải đi làm. Một số người khác không tới vì họ cảm thấy không khỏe.
Kim Cordova, Chủ tịch Hiệp hội liên hiệp công nhân thương mại và thực phẩm khu vực 7, cho biết: "Có những công nhân chọn cách ở nhà vì sợ". Không cung cấp số liệu cụ thể nhưng bà Cordova nói rằng tốc độ sản xuất trở lại ở các nhà máy chế biến thịt đang "thực sự chậm" bởi khủng hoảng lao động.
Các nhà máy chế biến thịt đang làm tâm điểm quan tâm ở các vùng nông thôn nước Mỹ. Dịch bệnh lây lan dẫn tới việc nhiều nhà máy bị buộc phải đóng cửa. Gia xúc, gia cầm của nông dân không thể bán trong khi thịt ở các siêu thị cháy hàng. Nó tác động nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng thịt của Mỹ, một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp cho phép giữ các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động, nguy cơ thiếu thịt với nước Mỹ vẫn là hiện hữu. Giá thịt bò và thịt lợn tiếp tục tăng lên trong khi các nhà máy của JBS vẫn phải tuân thủ quy định liên bang về an toàn và cách ly xã hội. Việc quay trở lại hoạt động nhưng thiếu nhân công khiến tình hình không mấy khả quan hơn.
Tại Colorado, JBS đã phải phát khẩu trang và tấm chắn mặt cũng như thiết lập các rào cản nhựa để ngăn cách các công nhân. Tuy nhiên, các công nhân cần thiết bị bảo hộ chất lượng cao hơn và vẫn có những khu vực mà người lao động không thể đảm bảo khoản cách an toàn với nhau. Đó là lý do khiến nhiều người sợ hãi.
Điều kiện làm việc tại các nhà máy thịt của Mỹ được xem là không an toàn. Có 4.900 công nhân làm việc trong lĩnh vực này đã mắc Covid-19. Có 20 công nhân thiệt mạng khi đại dịch lây lan ở 115 nhà máy thịt trên 19 tiểu bang của nước Mỹ. Nhiều công nhân chọn cách thất nghiệp hoặc nhận một phần lương hoặc trợ cấp thay vì phải đối đầu với nguy cơ này.
Khi các nhà máy thịt chưa thể hoạt động bình thường trở lại, nút thắt với nguồn cung sẽ tiếp tục hiện hữu. Việc các nhà chế biến thịt hàng đầu nước Mỹ hoạt động cầm chừng khiến nông dân không thể bán được gia xúc, gia cầm. Thậm chí, nhiều người phải chọn cách tiêu hủy những động vật không thể bán cho các nhà máy.
"Ngay cả khi chế biến thịt lợn của Mỹ gia tăng vào những tuần tới, các nhà sản xuất có thể buộc phải tiêu hủy tới 7 triệu con lợn trong quý 2. Trong khi đó, nguồn cung thịt ra thị trường tiếp tục giảm 30%, dẫn đến lạm phát giá so với cùng kỳ năm ngoái", Will Sawyer, chuyên gia kinh tế trưởng của CoBank, cho biết trong một báo cáo hôm 5/5.
Kooper Caraway, chủ tịch của Sioux Falls AFL-CIO - đại diện cho 3.700 công nhân tại nhà máy thịt lợn của Smithfield Foods Inc. ở South Dakota, cho biết: "Có lẽ nhiều người sẽ nghỉ việc. Có thể những người khác quyết định không quay trở lại nhà máy". Nhà máy này là một trong những cơ sở chế biến đầu tiên đóng cửa sau khi đại dịch bùng lên. Nó chiếm 5% tổng sản lượng thịt lợn của nước Mỹ.
Với tình hình hiện tại, các công ty và chính phủ Mỹ nên cần phải lo lắng. Họ cần đảm bảo người lao động cảm thấy an toàn khi họ quay trở lại làm việc thay vì cảm giác sợ hãi lúc họ buộc phải nghỉ ở nhà. Điều này có thể giúp phần nào khôi phục tình trạng hiện tại.
Kristi Noem, thống đốc South Dakota, cho biết bang này đã có kế hoạch đưa người lao động trở lại. Khi nhà máy Sioux Falls mở cửa trở lại trong tuần này, 1.500 sẽ tới để xét nghiệm miễn phí. Kết quả dự kiến có trong 48 giờ. Việc xét nghiệm toàn bộ 3.700 nhân viên sẽ được tiến hành trong vài ngày nhằm đảm bảo họ thực sự khỏe mạnh.
Tình hình bi đát không chỉ xảy ra với các công ty chế biến thịt của Mỹ. Tại Canada, nhà máy High River của Cargill Inc. ở Alberta cũng đang gặp khó trong việc thu hút nhân công. Nhà máy này chiếm 40% tổng sản lượng thịt bò chế biến ở Canada. Việc virus gây bệnh cho gần một nửa trong số 2.000 nhân công của nhà máy này khiến tình hình trở nên bi đát.
Sáng sớm ngày đầu tuần, những chiếc xe buýt lăn bánh qua cổng bảo vệ, đưa người lao động tới nhà máy sau 2 tuần gián đoạn. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trong số 300 lao động mà công đoàn nhà máy ước tính sẽ đi làm, có mặt. Số còn lại ở nhà vì lo lắng cho sức khỏe của bản thân.
"Những gì chúng tôi thấy là sự vắng mặt của người lao động trên khắp các nhà máy chế biến thịt ở Bắc Mỹ. Điều đó cho thấy họ đặt sức khỏe và sự an toàn của bản thân mình lên hàng đầu", Michael Hughes, người phát ngôn của Hiệp hội liên hiệp công nhân thương mại và thực phẩm khu vực 401, cho biết.