THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:17

Nghĩ về các vị tướng trưởng thành từ Cách mạng tháng Tám

 

Bìa cuốn “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân”.

Do cách tiếp cận đề tài của nhóm biên soạn, qua góc nhìn của những người thân (vợ, con...), chân dung 15 vị tướng nêu trên với những trang hồi ức, kỷ niệm có tính riêng tư, nên chưa thể đầy đủ, nhưng đã giúp bạn đọc hiểu thêm cuộc đời, nhân cách và cả những góc khuất, những chuyện tình riêng của một lớp người mà tên tuổi đã được ghi vào sử sách của dân tộc Việt Nam. Và một điều thật đặc biệt: 15 vị tướng xuất thân từ những miền đất khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có dịp gần gũi và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin cậy. Có người như thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Trần Tử Bình thì đã là “lính Cụ Hồ” khi Người còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, do cả ba đã tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội; còn thiếu tướng Trần Đại Nghĩa và thượng tướng Hoàng Minh Thảo đều mang tên do Bác Hồ đặt; các tướng Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái thì đã được gần gũi lãnh tụ từ trong rừng Việt Bắc vì đều là những chỉ huy đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân...

Với đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thì bà Nguyễn Thanh Hà (con gái của đại tướng) đã kể lại: “Một điều hạnh phúc và may mắn nhất của gia đình tôi là được Bác Hồ yêu thương... Bác đã đến nhà tôi mấy lần... Trước khi ông lên đường vào Nam lần thứ hai... ba tôi được Bác gọi vào ăn cơm chia tay...”

Những câu chuyện này không chỉ thể hiện sự gần gũi, gắn bó giữa lãnh tụ và những chỉ huy quân sự với tư cách cá nhân, mà còn chứng tỏ ngọn cờ Độc lập dân tộc được thể hiện qua “Thư gửi đồng bào” ngày 6/6/1941 của Nguyễn Ái Quốc có sức tập hợp lớn lao đối với lớp thanh niên ưu tú thời đó.

“... Hỡi đồng bào yêu quý! Mấy trăm năm trong, đúng lúc nước ta gặp nguy lớn vì quân Nguyên xâm lấn cõi bờ, các cha ông đời Trần đã hăng hái kêu gọi con em cả nước nhất tề giết giặc, và cuối cùng đã cứu được dân ta khỏi bước nguy nan, để danh thơm muôn thuở...

...Hỡi tất cả các phú hào, binh sĩ, thợ thuyền, dân cày, nhà buôn, công chức, thanh niên, phụ nữ một lòng yêu nước!

Giờ đây công cuộc giải phóng dân tộc là cao hơn tất cả!

...Thời cơ đã đến! Hãy giương cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đổ Pháp, Nhật! Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang  vang dội bên tai chúng ta! Máu nóng của các bậc tiên liệt đang sôi sục trong tim chúng ta!...”

Hơn 70 năm đã qua, từ ngày “tiếng gọi thiêng liêng” ấy được truyền đi khắp đất nước mà hôm nay đọc lại, lòng vẫn xúc động, vẫn muốn đứng lên, gạt bỏ mọi trở ngại, tiến bước theo gương các vị tiền bối khi đất nước còn nô lệ. Đó chính là động cơ, là nguồn sức mạnh đã khiế#n lớp thanh niên tinh hoa ngày ấy - trong đó nhiều người sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang - tập hợp quanh Mặt trận Việt Minh để làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 và về sau trở thành những tướng lĩnh tài giỏi của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Dõi theo “trích ngang” tiểu sử của 15 vị tướng, chúng ta còn thấy một phẩm chất đặc biệt của lớp tướng lĩnh trưởng thành từ sau Cách mạng tháng Tám: Trước khi trở thành tướng, hầu hết họ là những trí thức, thậm chí là đại trí thức, như giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), nếu ông ở lại Pháp thì với kiến thức uyên bác của mình, kỹ sư Phạm Quang Lễ dư sức tạo dựng một cuộc sống riêng giàu sang. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì như cả thế giới đều biết, ông là giáo sư Trường Thăng Long, trước khi lên chiến khu Cao Bằng thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Một vị tướng xuất thân trí thức-nhà giáo được dành nhiều trang nhất trong cuốn sách là trung tướng Cao Văn Khánh. Với ông, tôi là kẻ hậu sinh, không có hân hạnh được tiếp xúc, nhưng từ lâu, tôi đã nghe tiếng ông, vì ông quê ở Huế, là “lớp trưởng” ở một ngôi trường đặc biệt - Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, ngôi trường chỉ có 43 sinh viên, lại chỉ tồn tại hơn 1 tháng trước thềm Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng về sau, từ đây đã xuất hiện 8 vị tướng của quân đội nhân dân Việt Nam; thậm chí, tôi còn có ý định “tìm hiểu” để viết cuốn sách về cuộc đời vợ chồng ông, nhất là sau nhiều lần gặp bà Ngọc Toản, phu nhân của tướng Cao Văn Khánh.

Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng Hoàng Văn Thái.

 Là tiểu thư “cành vàng lá ngọc”, con một vị thượng thư triều Nguyễn, cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, ngay sau Cách mạng tháng Tám đã bỏ lại tất cả, lên đường kháng chiến, trở thành đại tá quân y. Đặc biệt, lễ thành hôn của bà Ngọc Toản và tướng Cao Văn Khánh được tổ chức ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, ngay sau ngày chiến thắng! Chặng đường đôi “uyên ương” này, mặc dù xuất thân từ tầng lớp quyền quý của xã hội cũ, ngay sau khi vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho Chính phủ Cụ Hồ, đã đem tất cả tâm huyết hòa vào dòng thác lớn của cách mạng, đi tới Điện Biên, tới mùa Xuân 1975 là đề tài một bộ tiểu thuyết trường thiên, đặt ra bao vấn đề rất đáng suy nghĩ về con đường cách mạng Việt Nam, khởi đầu từ# mùa Thu 1945. Thật mừng là ý định về một cuốn sách như thế vừa thoáng qua, thì tôi được chị Ngọc Toản cho biết con gái chị là tiến sĩ Cao Bảo Vân đang bắt đầu ghi lại cuộc đời phong phú, đầy ý nghĩa của song thân mình. Gần 70 trang sách về tướng Cao Văn Khánh được in trong tư liệu, là trích từ bản thảo của Cao Bảo Vân.

Tuy mới chỉ là trích đoạn “Tướng Cao Văn Khánh và những Tết chiến trường”, cuộc đời ông với nhiều chi tiết, nhiều công lao khiến chúng ta vừa cảm động, vừa kính phục. Chàng sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương, do chiến tranh thế giới thứ hai, phải bỏ ý định du học, trở về Huế dạy học rồi tham dự khóa đào tạo quân sự tại Trường Thanh niên tiền tuyến Huế và ngay sau tháng 8/1945 cho đến năm 1948, đã được cử làm Khu trưởng Khu 5, cầm quân cả một vùng chiến sự khốc liệt vào bậc nhất của đất nước bao gồm những tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum... Sau khi trải qua nhiều chức vụ khác như Đại đoàn phó Đại đoàn 380 (1954), Hiệu trưởng Trường Sỹ quan lục quân (1960), Phó Tư lệnh Mặt trận B3 Quân khu Trị Thiên (1966 - 1969), Phó Tư lệnh Mặt trận Đường 9 (1971)... ông được cử làm Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam - thật nhiều chức vụ quan trọng, nhưng thường là cấp “phó”! Lý giải điều này, trong hồi ức của Cao Bảo Vân có đoạn viết: “Thời chiến tranh, ở miền Bắc có tin đồn ba tôi là anh ruột Cao Văn Viên, đại tướng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn...  Những câu chuyện kiểu vậy rất thu hút và được truyền miệng rộng rãi, vì nó tô đậm bi kịch của đất nước mà cuộc chiến kéo dài đã xé toạc biết bao gia đình...”. Mặc dù hai ông tướng không có mối liên quan họ hàng gì, nhưng tin đồn dai dẳng vẫn làm nhiều người nghi hoặc. Vì vậy mà “đại tá thư ký của ông có lần đã mỉm cười buồn, giọng trầm ngâm nói: “Anh Cao Văn Khánh văn võ song toàn, vào sinh ra tử gian khổ không biết bao nhiêu mà kể, nhưng bị cái này... là lúc nào cũng chỉ được làm phó thôi!...”.  Nhưng chính ba tôi lại ít bận tâm đến những tin đồn nhất... Ông âm thầm cống hiến hết mình ở bất kỳ vị trí nào cho lý tưởng, giành độc lập tự do cho Tổ quốc...”.

Chính lớp trí thức không ham danh vị như Cao Văn Khánh mới chọn con đường kháng chiến gian khổ ngay sau Cách mạng tháng Tám. Danh vị với ông, chỉ là một điều kiện để được cống hiến. Và ông chỉ quan tâm làm sao để cống hiến cho sự nghiệp chung được nhiều hơn.  

Những tướng lĩnh xuất thân từ trí thức còn là Phạm Hồng Sơn, Vũ Lăng, Lê Trọng Tấn... Riêng về đại tướng Hoàng Văn Thái, qua lời kể của con trai cả và cháu nội của ông, chúng ta biết thêm một chi tiết khá lý thú: “...ba tôi còn là người rất yêu văn nghệ, ông rất thích nhảy và nhảy khá đẹp... Ông chơi đàn nhị rất hay, ngoài ra còn biết chơi đàn mandolin, biết thổi kèn acmonica và cả piano nữa. Lúc ông làm việc, ông rất thích mở nhạc giao hưởng của Beethoven, Mozart...”

Hình ảnh vị đại tướng bên cây đàn không chỉ giúp bạn đọc hình dung một “vẻ đẹp khác” trong cuộc sống phong phú, đa dạng của những con người tưởng luôn phải “lên gân” để đối đầu với bom đạn và những thử thách khắc nghiệt mà còn gợi chúng ta nghĩ đến một phẩm chất đặc biệt của lớp tướng lĩnh trưởng thành từ sau Cách mạng tháng Tám mà tôi đã nêu ở trên: Trước khi trở thành tướng, hầu hết họ là những trí thức. Và chính là nhờ cốt cách của những trí thức chân chính, các tướng lĩnh “bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống hàng ngày hay trước những chiến dịch lớn - đã trở thành những vị chỉ huy vừa có dũng khí, vừa có trí tuệ, tạo nên một sức lôi cuốn lớn lao đối với những người quanh mình. Những điều đó đã hợp thành thứ vũ – khí - tinh-thần, chiến thắng mọi thử thách và mọi kẻ thù, dù chúng mạnh hơn hẳn chúng ta về sức mạnh vật chất...  

15 vị tướng nay hầu hết đều đã ở “cõi khác”, nhưng cuộc đời vô cùng phong phú của các vị tướng đã để lại những bài học quý giá, không chỉ về quân sự mà cả ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là vấn đề sử dụng CON NGƯỜI - yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên mọi thắng lợi, trong đó có thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tròn 70 năm về trước.

* “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân”, Nhà xuất bản QĐND và Cty Thaihabooks, 2015) 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh