CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:34

Nghị lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của thanh niên khuyết tật

Gợi mở cơ hội giúp người khuyết tật tiếp cận việc làm

Anh Trần Thành Trung, 31 tuổi, hiện là Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital kể về hành trình đi xin việc đầy khó khăn của mình. Sinh ra bị bại não bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, Trung đã vượt lên nghịch cảnh để có được tấm bằng tốt nghiệp một trường cao đẳng loại khá. Dù hành trình xin việc gian nan, phải làm các công việc tự thân để mưu sinh như bán bảo hiểm, làm gia sư tiếng Anh, sửa máy tính thuê… năm 2016, anh Trung về Hà Nội học tập, tiếp cận với nghề SEO Web rồi mở công ty riêng và có được thành công như hôm nay.

Anh Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital, bị bại não bẩm sinh, rất vất vả để kiếm việc làm

Anh Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital, bị bại não bẩm sinh, rất vất vả để kiếm việc làm

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng” trong khuôn khổ chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 vừa diễn ra ngày 29/9, anh Trần Thành Trung gợi mở về cơ hội để giúp người khuyết tật tiếp cận việc làm, cần nâng cao nhận thức hơn nữa cho người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm, tập trung giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng thị trường lao động, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu lao động trình độ cao.

Chị Phạm Thị Hồng Mai cho biết, chị sinh ra không may mắn bị khiếm khuyết đôi bàn tay trái. Nhưng bằng nghị lực, sự quyết tâm, chị Mai đã quên đi nỗi mặc cảm bản thân, sống và làm việc như những người bình thường khác. Hiện chị đang công tác tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Chị Mai cho rằng, đối với người khuyết tật, trong cuộc sống ít người dành cho họ niềm tin, chưa thực sự thấu hiểu và thường nhìn họ với ánh mắt thương cảm. Bên cạnh đó, bản thân nhiều người khuyết tật còn thấy mặc cảm, tự ti và rất ít khi tham gia các hoạt động của xã hội, thường sống khép mình.

Theo chị Phạm Thị Hồng Mai, hòa nhập xã hội là quá trình mà những người trong nhóm xã hội yếu thế, những người đang “tách biệt” có thể sống, giao tiếp, sinh hoạt, học tập và làm việc hòa hợp với những người bình thường mà không có bất kỳ khó khăn hay phân biệt đối xử nào.

Chị Mai đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp sinh viên khuyết tật hòa nhập hơn, trong đó quan trọng là sự giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh, như việc quan tâm hỗ trợ nhiều học bổng khuyến học cho các sinh viên khuyết tật, đặc biệt là các sinh viên khuyết tật có thành tích học tập tốt để có thể giúp các bạn vững tin hơn vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên khiếm khuyết ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác mà không có sự kỳ thị về ngoại hình của họ.

Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng trao hoa và biểu trưng cho các thanh niên khuyết tật được tuyên dương

Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng trao hoa và biểu trưng cho các thanh niên khuyết tật được tuyên dương

Còn anh Nguyễn Hữu Hậu, Chủ nhiệm CLB Khát vọng cuộc sống TP. Hải Phòng chia sẻ những khó khăn của người khuyết tật trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Anh Hậu mong muốn có nhiều cơ chế hỗ trợ hơn để thanh niên khuyết tật có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, mở rộng mặt bằng và được tư vấn hỗ trợ về pháp lý trong kinh doanh.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thực trạng hiện nay nhiều người khuyết tật có cuộc sống khó khăn, chưa nhiều người khuyết tật được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (Hà Nội) chia sẻ: Cần xây dựng các mô hình giáo dục hòa nhập và hòa nhập xã hội của người khuyết tật, cũng như đào tạo việc làm phù hợp với từng dạng khuyết tật: Người khuyết tật bị hạn chế về sức khỏe là khó khăn hàng đầu để họ có được công việc tốt; khó khăn thứ hai  là dạng tật: các bạn tật trí não thì không thể làm công việc tinh xảo, do đó sắp xếp công việc cho các bạn phải là công việc dập khuôn, dễ bắt chước; đối với các bạn khuyết tật vận động tuy nhanh nhạy hơn nhưng sức khỏe kém cần tạo công việc phù hợp, nhẹ nhàng nhưng cũng có thể yêu cầu kỹ thuật cao. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trao hoa và biểu trưng cho các thanh niên khuyết tật được tuyên dương

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trao hoa và biểu trưng cho các thanh niên khuyết tật được tuyên dương

Các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị, giải pháp về những chính sách nhằm hiện thực hóa mong muốn, khát khao của thanh niên khuyết tật. Đa số đại biểu và các chuyên gia thống nhất, cần có một tổ chức tập hợp, đoàn kết thanh niên khuyết tật để họ cùng chia sẻ, phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng” vừa diễn ra tại Hà Nội là hoạt động quan trọng để 50 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu đại diện cho cộng đồng người khuyết tật trẻ cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn mà họ đã, đang gặp phải và cùng nhau đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp cụ thể, hiệu quả góp phần tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng, sự cống hiến cho xã hội.

Việt Cường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh