Nghèo cũng là cái tội!
- Văn hóa - Giải trí
- 23:43 - 26/02/2015
Nụ cười đoàn viên ngày đón người thân từ nước ngoài về quê ăn tết - Ảnh: Độc Lập
Tôi quê gốc Bắc vào Nam sinh sống đã hơn 20 năm, nhưng dù thật cố gắng gia đình thi thoảng cũng chỉ có thể thu xếp cho một người được về thăm quê vào dịp tết. Bởi sau mỗi chuyến đi như thế, khoản tiền chi phí phải bỏ ra, cả hai vợ chồng có làm cật lực, chắt chiu vài năm sau cũng chưa thể trả nợ xong.
Chẳng phải tôi là “người ra đi đầu không ngoảnh lại” chối bỏ quê hương, càng không phải là người không muốn dạy con về đạo lý, về giá trị truyền thống gia đình, về cội nguồn, về nơi chôn rau cắt rốn của mẹ, ở nơi đó còn có ông bà và dòng tộc nhà ngoại… Nhưng “cái khó bó cái khôn” nên dù khao khát đến cháy lòng được đưa con cái về quê ăn tết cùng ông bà, gia đình tôi cũng khó lòng thực hiện được.
Hai vợ chồng tôi vốn là nhà giáo, ngoài mấy triệu tiền lương ra không có một khoản thu nhập nào khác. Chi tiêu hàng tháng cũng phải tính “nát đầu” mới dành dụm được một ít tiền để lo chuyện nhà cửa và phòng khi “trái gió trở trời”. Cả năm dành dụm giỏi lắm cũng chỉ dư hơn chục triệu đồng.
Một chuyến đi Bắc tiết kiệm lắm cũng phải tiêu tốn một khoản tương đối lớn. Chỉ tiền tàu xe hai vòng cũng gần 8 triệu. Người Bắc vốn nặng tình làng nghĩa xóm, vì thế một người đi xa về, cả làng đến hỏi thăm. Cái tục lệ nhiều đời để lại, người đi xa về phải đến từng nhà bà con chào hỏi và có chút quà biếu người thân mà bà con thân thích cũng non nửa làng. Chỉ tiền bánh kẹo cho trẻ nhỏ, tiền quà chút chút cho người già dù tiết kiệm cũng hết dăm triệu. Rồi tiệc làm cơm mời bà con, bạn bè thân thích…Ba mẹ có thể không có quà biếu nhưng bà con thân thích thì nhất định không thể thiếu được. Phong tục biếu quà cáp còn rất nặng ở các vùng quê. Nhiều người không lo nổi tiền quà cáp đã không dám về quê về sợ thiên hạ tiếng ra tiếng vào thì buồn lòng ba mẹ. …
Người chi tiêu tiết kiệm, một chuyến về Bắc cả nhà cũng hết vài ba chục triệu, chi mạnh tay một chút dăm chục triệu cũng chẳng đến đâu. Một chuyến về quê như thế, phải dành dụm vài năm trời cũng chẳng đủ. Có cặp vợ chồng cưới nhau xong là tranh thủ lúc soi rỗi làm một chuyến hành hương coi như tròn nghĩa vụ và khi nào xảy ra biến cố gì lớn mới tính chuyện về tiếp.
Xa quê, ai chẳng nhớ, không có người nào lại không muốn đưa gia đình về quê sum họp bên ba mẹ và người thân, đặc biệt là vào những ngày tết. Còn gì hạnh phúc hơn khi cả gia đình quây quần bên nhau mỗi độ xuân về. Nhìn con cái tíu tít bên ông bà, nhìn ông bà rạng ngời hạnh phúc của ngày đoàn viên…Nhưng biết lấy tiền đâu mà đi? Mỗi dịp tết đến, nhìn thiên hạ dập dìu quây quần bên gia đình, lòng người xa quê như chúng tôi càng se sắt lại. Nếu ai đó nhớ nhà quá, cũng chỉ một mình tranh thủ về quê dăm hôm lại tất tả trở vào.
Các con tôi luôn hồn nhiên hỏi mẹ về quê ngoại bằng những câu hỏi nhiều khi làm người lớn nghẹn lòng: “Sao mẹ không cho chúng con về thăm ngoại? Mẹ không nhớ ông bà ngoại hay sao mà con thấy mẹ ít về thế?”.
Thi thoảng, tôi vẫn thường kể cho con nghe về quê hương ruột thịt của mình, kể về ông bà ngoại, về tình làng nghĩa xóm, về những phong tục tập quán của người dân miền Bắc…Dù chưa một lần về quê nhưng qua những câu chuyện mẹ kể, các bé cũng thấy yêu những cánh đồng lúa xanh tươi, những đàn trâu thung thăng gặm cỏ, những buổi chiều mùa hè thả diều trên cánh đồng, nỗi vất vả của ông bà khi nuôi mẹ lớn khôn… Càng lớn, các con tôi càng thấu hiểu được vì sao những dịp tết ba mẹ không cho cả nhà về quê thăm ngoại. Có lần nghe con ước: “Lớn lên con muốn có nhiều tiền để cả nhà mình sẽ đi du lịch miền Bắc thăm ông bà ngoại luôn”.
Nghe con ước, lòng nhói đau, tôi chợt nghĩ: "Nghèo cũng là cái tội!".
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc