THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:17

Nghèo - có nhiều loại nghèo

Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều là xu hướng chung của cả thế giới. Trong ảnh: Cảnh tát cá đìa gần kênh Vĩnh Tế, An Giang. Ảnh" Hoài Phương

Một gia đình làm nghề chế tác vàng nữ trang, mỗi tháng thu nhập chừng 100 triệu đồng, cả năm kiếm được chừng 1,2 tỉ đồng. Ai dám nói đây là hộ nghèo, cần hỗ trợ?

Thế nhưng theo phương pháp xác định chuẩn nghèo mới, thu nhập chỉ mới là một trong hai tiêu chí. Giả dụ cũng hộ làm nghề kim hoàn này, ngoài hai vợ chồng còn ba người con, không ai tham gia bảo hiểm y tế cả, vì chưa quen việc mua bảo hiểm y tế. Như vậy trong “5 chiều xã hội”, họ bị trừ 10 điểm về y tế.

Hai người con lớn đã tốt nghiệp đại học, nhưng tiếc thay cả hai đều không xin được việc làm dù rải đơn xin việc khắp nơi cả mấy năm nay. Ông bố và bà mẹ làm nghề ở nhà nên không có bảo hiểm xã hội. Vậy gia đình này bị trừ thêm 20 điểm, trong đó có 10 điểm về việc làm và 10 điểm về bảo hiểm xã hội.

Thấy hai anh thất nghiệp như thế nên người con thứ ba học xong lớp 6 thì ở nhà để ông bố truyền nghề, vậy là gia đình bị trừ thêm 10 điểm nữa về giáo dục-đào tạo.

Tổng cộng trong “5 chiều xã hội” họ bị thiếu hụt đến 40 điểm và ngay lập tức họ sẽ được xếp vào diện hộ nghèo (bất kể thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng). Đó là bởi hộ nghèo ở TPHồ Chí Minh được định nghĩa là hộ dân có 1 hoặc cả 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống; Có tổng số điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên.

Ở đây có hai cách để giải quyết tình trạng kỳ quặc giả định ở trên.

Cách dễ nhất là sửa lại một chữ trong định nghĩa: thay vì nói “có 1 hoặc cả 2 tiêu chí” thì nên ghi rõ “có cả 2 tiêu chí” để thu nhập lúc nào cũng là tiêu chí cần có để xác định nghèo hay không. Nên nhớ Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cũng dùng thu nhập như một tiêu chí lúc nào cũng có mặt để xác định hộ nghèo. Ví dụ, hộ nghèo thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Nói cách khác ở bình diện toàn quốc, cũng đo lường mức nghèo không chỉ bằng thu nhập mà còn các chiều xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin. Nhưng việc thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phải đi kèm một mức thu nhập nào đó chứ bản thân việc thiếu hụt đó không thể đứng một mình làm thước đo xác định một hộ là nghèo hay không.

Cái ví dụ nói ở trên cho thấy gia đình đó không nghèo, điểm thiếu hụt của họ là một sự chọn lựa chứ không phải là hoàn cảnh bắt buộc.

Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều là xu hướng chung của cả thế giới. Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu (MPI) hiện được sử dụng tại 110 nước tập trung vào ba lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe và điều kiện sống với 10 tiêu chí cụ thể. Nhưng các tiêu chí của họ không giống tiêu chí chúng ta đang dùng.

Vì thế cách thứ hai là xem lại các tiêu chí dùng để xác định “5 chiều xã hội” vì nhiều cái không nói lên điều gì liên quan đến nghèo hay giàu cả. Lấy chuyện bảo hiểm xã hội làm ví dụ, cứ thẳng thừng “có người trong tuổi lao động, hiện đang làm việc nhưng không có bảo hiểm xã hội” là trừ 10 điểm thì ngay lập tức đến 80% lực lượng lao động bị trừ điểm. Bởi bảo hiểm xã hội hiện nay mới chỉ bao phủ được 20% lực lượng lao động, hầu như không với tới khu vực kinh tế cá thể hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Nói chuyện bảo hiểm xã hội với những người lao động thuộc khu vực phi chính thức như lao động tự do, bán hàng rong, hộ kinh doanh… thật là chuyện xa vời. Đúng là xã hội phải nỗ lực mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội vì đó là đích phải hướng tới nhưng xét ở khía cạnh nghèo thì nó không liên quan gì nhiều, không liên quan gì trực tiếp.

Nếu sau điều tra, chúng ta có con số hộ nghèo vì một số “chiều xã hội” như thế rồi công sức đổ vào để giúp họ có “bảo hiểm xã hội” chẳng hạn thì nỗ lực đó có đóng góp cho những chỉ tiêu khác, của ngành khác. Nói cách khác, không thể lấy các khoản kinh phí được dành cho xóa đói giảm nghèo vào các công tác có lợi cho ngành khác mà chưa chắc đã có lợi ngay cho người thụ hưởng để giúp họ giảm nghèo một cách thực chất.

Nhìn lại các tiêu chí mà chuẩn nghèo đa chiều MPI mà Liên hiệp quốc đưa ra mới thấy chúng rất cụ thể và thiết thực. Ví dụ về y tế, họ không đặt ra chuyện có hay không có bảo hiểm y tế mà xem trong hộ có trẻ em nào bị suy dinh dưỡng. Trong điều kiện sống, họ điều tra xem hộ đó có nhà vệ sinh không, có nước sạch không, có điện không…

Khi tiếp nhận chuẩn nghèo đa chiều, Việt Nam đã có những bổ sung đáng ghi nhận như lĩnh vực thông tin. Đúng là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay mà hộ nào thiếu tài sản giúp tiếp cận thông tin như không có điện thoại, Internet, không có ti vi, radio hay máy tính thì rất nên trừ điểm “tiếp cận thông tin”. Thế nhưng nghĩ kỹ mà coi, nếu có điện thoại hay Internet chỉ để đọc tin “cướp, hiếp, giết” đang tràn ngập báo chí loại phổ biến nhất thì càng có tài sản loại này càng có hại cho việc giảm nghèo. Để giảm nghèo ở lĩnh vực này, rất cần những thông tin hữu ích như giúp dân hiểu thế nào là bán hàng đa cấp để họ được trang bị kiến thức sơ đẳng để khỏi bị lừa; lãnh đạo các ngành đừng tiếp tay cho bọn lừa đảo bằng cách trực tiếp hay gián tiếp bảo kê cho bọn chúng bằng hình ảnh của mình… Chẳng lạ gì dù tỷ lệ sở hữu điện thoại của dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, chúng ta vẫn đang nghèo, cực kỳ nghèo về thông tin là vậy.

 

Nguyễn Vạn Phú/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh