Nghẹn ngào đón Tết xa quê
- Dược liệu
- 07:30 - 04/02/2022
Ngậm ngùi đón Tết xa quê
Trong dãy phòng trọ ở 187 An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), gia đình chị Lê Thị Trà (56 tuổi, quê Vĩnh Long) quyết định năm nay không về quê ăn Tết. Chị Trà cho biết, hai vợ chồng chị lên Sài Gòn mưu sinh nhiều năm nay, chồng làm phụ hồ, còn chị bán hàng rong. Nhà 5 miệng ăn, đợt dịch vừa rồi mất mấy tháng không có thu nhập nên “giật gấu vá vai” lo đủ ăn qua mấy tháng dịch bệnh đã là may lắm.
“Những năm trước, cứ sát Tết cả nhà về quê. Trước là thắp cho ông bà tổ tiên nén hương rồi vui vầy cùng bố mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm sau một năm đi làm ăn xa… Nhưng năm nay, hai vợ chồng nhẩm tính, tiền đâu mà về. Trận dịch vừa qua hậu quả nặng nề quá, mọi thứ kiệt quệ, giờ lo ăn từng bữa, tiền nhà trọ nên chẳng dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết. Thôi đành hẹn sang năm!”, rớm nước mắt nhìn xa xăm, chị Trà nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (công nhân Công ty TNHH Sản xuất Hoàng Gia, Bình Dương) cho biết, 2 năm nay do dịch bệnh phức tạp nên vợ chồng anh đều không về quê. Mỗi địa phương áp dụng cách phòng, chống dịch khác nhau nên khó khăn cho người dân khi trở về. Quê của anh Tuấn ở Hà Tĩnh, nếu về Tết sẽ bị cách ly 7 ngày. Tết được nghỉ 9 ngày, nếu di chuyển bằng máy bay cũng mất 1 ngày đi 1 ngày về với 7 ngày cách ly là hết Tết.
Mặt khác, mấy tháng dịch phức tạp, thu nhập giảm sút, nuôi 2 con nhỏ, lại thêm tiền thuê trọ nên không có tích lũy. Đợt dịch vừa qua, công ty của vợ anh Tuấn phải tạm đóng cửa, mấy tháng chị không có việc làm, cả gia đình trông hoàn toàn vào lương của anh.
“Bố mẹ lúc nào cũng mong ngóng đến Tết để đón con cháu về xum họp gia đình, nhưng điều kiện hiện nay không cho phép. Bố mẹ ngày một già, thêm một năm là cơ hội được ăn Tết cùng bố mẹ giảm dần nên cứ nghĩ đến việc không về quê ăn Tết cả bố mẹ lẫn vợ chồng tôi đều quặn lòng...”, anh Tuấn ngậm ngùi.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Tuyên (quê Nghệ An), làm việc tại Công ty Teakwang Việt Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 quyết định ở lại Đồng Nai ăn Tết. Anh kể, Tết năm ngoái, anh đã mua vé tàu cho cả gia đình về quê nhưng dịch bệnh bùng phát, anh đã trả vé và ở lại với hy vọng Tết năm nay sẽ về, nhưng cuối cùng lại thêm một năm trễ hẹn. “Năm nay, dịch bệnh còn nặng nề hơn, tôi cũng quyết định không về do đi lại không thuận tiện nên tôi tiếp tục đón Tết xa nhà, xa quê để đảm bảo sức khỏe cho mình và mọi người. Hơn nữa, năm nay công ty cũng khuyến khích người lao động ở lại”, anh Tuyên nói.
Chăm lo, động viên công nhân không về quê ăn Tết
Mỗi lần nghe bạn bè xung quanh bàn lịch về quê ăn Tết, Hoài Phương (27 tuổi), đang làm việc tại Hà Nội không tránh khỏi chạnh lòng. Phương làm việc tại một siêu thị lớn. Theo lịch của công ty, từ ngày 29/12 âm lịch mới được nghỉ, vì càng những ngày cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao nên nhân viên làm việc đến ngày cuối cùng.
"Quê mình ở Thanh Hóa, địa phương quy định người về từ vùng cam và đỏ sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Đặc thù công việc nên công ty không thể cho về sớm. Nếu có về, mình cũng không thể đi đâu do phải cách ly dài ngày, nên quyết định ở lại. Mình đăng ký làm vào những ngày Tết để hưởng mức lương cao hơn", Hoài Phương cho biết.
Khi nghe con gái báo tin không về nhà ăn Tết, bố mẹ Phương khá buồn. Tuy nhiên, do đặc thù công việc cộng với dịch bệnh phức tạp, bố mẹ Phương rất thông cảm, dặn con giữ gìn sức khỏe. Đây là lần đầu tiên Phương không thể sum họp cùng gia đình trong dịp năm mới.
Hết giờ làm, Phương lại gọi facetime trò chuyện cùng bố mẹ. Phương bảo: “Tết năm nay nhà em đón Giao thừa online cùng nhau. Không thể bằng quây quần bên nhau nhưng dịch bệnh phức tạp, được thấy các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, nở nụ cười đón Giao thừa đã là niềm may mắn hơn rất nhiều gia đình khác...”.
Cận kề năm mới, Nguyễn Cẩm Liên bàng hoàng nhận tin mình trở thành F1. Theo quy định, cô phải tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà. Lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến gia đình, Liên quyết định xin phép bố mẹ ăn Tết tại Thủ đô. Mẹ mong, Liên cũng rầu lòng. Năm nào về cũng sắm cây đào, mua cho các em bộ quần áo mới, biếu bố mẹ ít tiền, cùng nhau đi tảo mộ... “Tết năm nào mình cũng dậy sớm đi chợ hoa cùng gia đình, nhìn thấy nụ cười tươi của bố khi chọn cành đào ưng ý, mẹ tất bật chuẩn bị mâm cỗ chiều 30. Rồi cả nhà quây quần ngồi xem Táo quân, đi chúc Tết họ hàng. Năm nay, không được về nhà, mình có chút tiếc nuối và tủi thân, nhưng để đảm bảo an toàn thì phải chấp nhận hoàn cảnh", Liên chia sẻ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, để khuyến khích công nhân ở lại ăn Tết, các công ty, doanh nghiệp đều có các chương trình chăm lo, động viên cán bộ, công nhân. Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đã điều chỉnh chính sách chăm lo cho người lao động.
Nếu như mọi năm, công ty tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết thì năm nay sẽ tạm ngưng, thay vào đó, Ban giám đốc sẽ hỗ trợ thêm cho người lao động một khoản ngoài tiền thưởng Tết. Mức hỗ trợ này ngang với mức giá vé tàu xe về quê đón Tết. Ngoài ra, Công ty sẽ tổ chức tiệc tất niên tại khu lưu trú với nhiều hoạt động vui tươi, đầm ấm. Đại diện Công ty cho biết, cũng sẽ tặng hơn 100 phần quà (500 nghìn đồng/phần) cho các trường hợp khó khăn ở lại thành phố ăn Tết.
Dù tình hình dịch bệnh và kinh doanh còn gặp khó khăn nhưng Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) Đặng Tuấn Tú cho biết, công đoàn chuẩn bị gần 40.000 phần quà Tết để tặng người lao động. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, công đoàn sẽ đến phòng trọ để động viên, hỗ trợ. Về lương, thưởng, Công ty thống nhất giữ mức lương như mọi năm để tri ân đội ngũ lao động đã cùng doanh nghiệp vượt khó. Riêng người lao động ở lại đón Tết sẽ được chăm lo chu đáo.