Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Văn hóa - Giải trí
- 11:37 - 16/12/2021
Tại Kỳ họp, các thành viên Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá về Hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đáp ứng đử những tiêu chí để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có ba loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, và Xòe hoa.
Trong đó, múa Xòe là hoạt động nghệ thuật đặc trưng của người Thái thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La). Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người cùng tham gia.
Xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Các đại biểu ghi nhận việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái trong cộng đồng; làm tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Quá trình làm hồ sơ có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết hợp với đại diện của các đội văn nghệ ở các làng bản, huyện, thị trấn trong 4 tỉnh. Bản cam kết đồng thuận của cộng đồng được triển khai rộng rãi, phản ánh sự tham gia đông đảo của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân liên quan…
Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cộng đồng thực hành Nghệ thuật Xòe Thái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, đại diện cộng đồng và chính quyền các cấp đã phát biểu đáp từ và cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái; cám ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ, Ban thư ký đã làm việc tận tình để ghi danh di sản này của Việt Nam; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong thời gian tới.
Tại Lễ mừng chào mừng sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh, thay mặt lãnh đạo 4 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái, đồng chí Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy, Trường Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khẳng định, sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Ở cấp độ quốc gia, sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Ở cấp độ địa phương, nơi có Nghệ thuật Xòe Thái - sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.
Ngay sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái.
Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.