Nghệ thuật kết nối tình bạn
- Văn hóa - Giải trí
- 02:12 - 13/01/2015
Đây là triển lãm hội họa và điêu khắc của học sinh đến từ 3 trường gồm: Học sinh khiếm thị trong “Ngôi nhà nghệ thuật” trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Học sinh khiếm thị Trung tâm VPA Hải Dương. Đặc biệt có sự góp mặt những tác phẩm của học sinh trường nghệ thuật Toumelila ( Thụy Điển.) “Nghệ thuật vượt qua thị giác” là một dự án nhằm đưa hội họa và điêu khắc đến với người khiếm thị. Cách đây 8 năm, dự án được khởi xướng từ ý tưởng của bà Elisabeth Person (nhà xã hội học Thụy Điển). Dự án đã đến với trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Lion Clup (Thụy Điển), DED (CHLB Đức)... “Ngôi nhà nghệ thuật” – Mini art school – của trường Nguyễn Đình Chiểu đã ra đời.
Nghệ thuật kết nối tình bạn
Ý tưởng chung của dự án là đưa nghệ thuật đến với người khiếm thị như một liệu pháp, giúp người khiếm thị giải tỏa tâm lý, vượt qua những tự ti, mặc cảm để lạc quan, tự tin hòa nhập cuộc sống. Năm 2008 như một minh chứng cho hiệu quả của dự án, một cuộc triển lãm mang tên “Ánh sáng từ bàn tay” đã được tổ chức với qui mô lớn tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. “Ngôi nhà nghệ thuật” đã mang đến gần 200 tác phẩm điêu khắc, gốm và gần một trăm bức tranh. Cuộc triển lãm đã gây bất ngờ lớn với công chúng không phải bằng giá trị nghệ thuật mà bằng chính tâm hồn yêu nghệ thuật của các em. Vào tháng 9 năm 2008 “Ngôi nhà nghệ thuật” được mời đi Thụy Điển trong chương trình: “Giao lưu nghệ thuật – con đường nhân văn dẫn tới tình bạn và sự hiểu biết”. Các em lại gây bất ngờ lớn ở 4 thành phố miền nam Thụy Điển bằng biểu diễn nặn gốm và vẽ tranh
Để khẳng định khát vọng hòa nhập, tháng 11.2011 một cuộc triển lãm hoành tráng đã được trưng bày ngay chính trung tâm của nghệ thuật đó là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm mang tên: “Nghệ thuật vượt qua thị giác”, ở triển lãm này chính giới chuyên môn cũng phải thay đổi quan niệm của mình về nghệ thuật với người khiếm thị. Rằng nghệ thuật xuất phát từ tâm hồn, không một khiếm khuyết nào có thể ngăn cản tâm hồn tiếp xúc với nghệ thuật.
Trong khuôn khổ chương trình còn có thêm 2 sự kiện gồm: 8h ngày 13/1/2015, chuyến đi thăm các cơ sở đã tạo điều kiện cho trẻ em học tập tại các làng gốm: Hương Canh, Bát Tràng, Chu Đậu. 14h ngày 14/1/2015: buổi chia sẻ của thầy giáo – họa sỹ kiêm nhà điêu khắc Đào Ngọc Huỳnh về những câu chuyện trong 8 năm làm việc với trẻ khiếm thị. |