CHỦ NHẬT, NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Nghề tay trái mưu sinh nuôi nghiệp chữ

“Nghề” vinh quang nhưng cũng khá gian nan

Với đồng lương ít ỏi khi mới vào nghề, để trang trải cuộc sống và tiếp tục nuôi ước mơ nghiệp chữ, tôi ban ngày đi săn tin, viết báo, buổi tối đi dạy gia sư. Có như vậy, tôi mới theo đuổi  nghề trong hơn 10 năm. Cái nghề người ngoài nhìn vào tưởng rất vinh quang nhưng khá gian nan về mọi thứ.

Ai cũng muốn có nghề nghiệp để duy trì cuộc sống, dù thu nhập cao hay thấp, thực tế cũng có người bỏ nghề này để tìm nghề khác với mong muốn thu nhập cao hơn. Nghề báo cũng vậy, không ít nhà báo, phóng viên phải lo toan gia đình mà phải kiếm thêm việc, có thêm thu nhập, nhưng ít ai bỏ nghề làm báo mà mình đã đam mê, theo đuổi, ngay cả khi cuộc sống khó khăn nhất, vẫn nghĩ cách khắc phục, tìm cách để viết, tìm cơ hội nắm thông tin. Chính từ thử thách của cuộc sống đã làm đội ngũ nhà báo, phóng viên  trưởng thành, vững vàng và bản lĩnh hơn.

Nhà báo Trần Nhật Linh – TP Nội dung phía Nam Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.

Nhà báo Trần Nhật Linh – TP Nội dung phía Nam Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.

Nhà báo Trần Nhật Linh, Trưởng phòng Nội dung phía Nam Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo chia sẻ, giai đoạn này là hết sức khó khăn với báo chí khi có sự cạnh tranh thông tin cũng như quảng cáo rất khốc liệt đối với các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… Hầu hết các bạn trẻ học ngành báo chí truyền thông sẽ không theo nghề báo, điều này dẫn đến khủng hoảng nhân sự trầm trọng, rồi khủng hoảng về tài chính.

Đặc biệt, vấn đề thu nhập là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay. Ông bà ta có câu “có thực mới vực được đạo”, yêu nghề nhưng phải có cơm ăn áo mặc thì mới gắn bó với nghề được. Phải nói thằng thu nhập của những phóng viên được đào tạo bài bản, những nhà báo có thâm niên thấp hơn rất nhiều những “nhà sáng tạo nội dung số”.

“Tôi từng nghe một doanh nghiệp nói rằng trong 100% kinh phí quảng cáo, báo chí chỉ chiếm 12%, còn 88% còn lại dành cho các nền tảng khác. Không có quảng cáo thì không có nguồn thu nuôi sống phóng viên, tòa soạn khó mà vận hành. Vậy thì phóng viên phải làm gì để sống? Họ sẽ phải làm thêm nghề khác để đảm bảo duy trì cuộc sống. Trong những nghề đó, việc nào cho họ thu nhập cao hơn, họ sẽ ưu tiên hơn”, nhà báo Nhật Linh chia sẻ.

Các nhà báo đang tác nghiệp.

Các nhà báo đang tác nghiệp.

Hình như cái vẻ bên ngoài của phóng viên và cái thẻ nhà báo đã tạo nên sự nhìn nhận của xã hội, cho rằng đây là nghề nhàn hạ, lịch lãm và dễ kiếm tiền. Không hẳn vậy, phóng viên Quốc Cường (công tác tại một tạp chí) cho biết, bước chân vào nghề “viết chữ” cũng hơn 4 năm. Tôi đã gặp không ít khó khăn và thử thách. Lúc chập chững vào nghề, với năng lượng tuổi trẻ tôi rất háo hức và luôn nhiệt tình tham gia những chuyến công tác xa để dấn thân lấy tư liệu viết tin, bài. Tuy nhiên, mọi thứ đều không giống như tôi tưởng tượng, vì tôi còn quá trẻ chưa có kinh nghiệm và “bế tắc” trong việc giao tiếp nên nhiều nơi liên hệ công tác họ không tin tưởng, không cung cấp thông tin. Nhiều khi tôi còn có ý định chuyển sang một nghề khác vì gặp phải nhiều khó khăn.

“Có lẽ hiện nay là khó khăn và thách thức lớn nhất với tôi. Đó là khi trong bối cảnh biến động  của nền kinh tế toàn cầu, nhiều ngành nghề cũng đang bị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đó không thể không nói đến nghề viết báo. Tôi thấy hiện nay nhiều bạn phóng viên cũng đang rất “chật vật” và đã kiếm thêm  nghề tay trái cho mình để có thêm thu nhập. Với phóng viên trẻ như tôi, thu nhập từ nghề báo dường như bằng “không”. Do khó khăn thế, với kiến thức và sự tự tin của bản thân, tôi đã xin làm cộng tác tại một trung tâm bồi dưỡng văn hoá dạy luyện thi THCS và THPT cho các bạn trẻ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó mà tôi có thể bám trụ ở TP.HCM”, phóng viên Quốc Cường tâm sự.

Phóng viên Quốc Cường làm thêm nghề tay trái dạy học.

Phóng viên Quốc Cường làm thêm nghề tay trái dạy học.

Nhà báo làm gì trước “biến động” của nghề

Khi cơm áo gạo tiền đang trở thành bước cản người cầm bút, thì sự say mê công việc là yếu tố giúp họ đi tới cuối con đường. Nghề tay trái có thể mang lại thu nhập, giúp tăng "thương hiệu", nhưng các nhà báo vẫn ngày ngày tận tụy với nghề. Được làm công việc yêu thích, cuộc sống mỗi ngày đang mở ra trước họ nhiều niềm vui.

Hiện nay, nghề báo ngày càng khó sống, khi kinh tế báo chí suy giảm, báo giấy không có thị trường, quảng cáo thì các “đại gia” như Facebook, Google, Youtube… hút hết khách hàng của báo chí. Theo đó, lương của nhà báo giảm đi, thưởng  rút xuống hoặc không còn, nhuận bút thì bèo bọt. Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn nợ lương, nợ nhuận bút, nợ nhà in và nợ cả tiền thuê trụ sở…

Khi cơm áo gạo tiền đang trở thành bước cản người cầm bút, thì sự say mê công việc là yếu tố giúp họ đi tới cuối con đường.

Khi cơm áo gạo tiền đang trở thành bước cản người cầm bút, thì sự say mê công việc là yếu tố giúp họ đi tới cuối con đường.

Nhiều người rời bỏ nghề báo vì không đủ sống. Các nhà báo chân chính yêu nghề vẫn bám trụ lại với nghề và kiếm thêm những nghề tay trái mưu sinh nuôi nghiệp chữ. Nhà báo đi dạy, buôn bán nhỏ, vẽ tranh, nhà báo mở cửa hàng, quán ăn và buôn bán online đã là hình ảnh không còn xa lạ. Một số chuyển sang làm PR hay làm nhân viên truyền thông, khá khẩm hơn thì làm giám đốc truyền thông cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Làm báo chân chính chỉ có lương và nhuận bút thì rất “nghèo”.

Anh là một nhà báo “lão làng”, với gần bốn mươi năm gắn bó nghiệp chữ, nếu không biết trước thì không ai nghĩ anh là nhà báo. Anh đi chiếc xe honda từ thập niên 90, bộ quàn áo cũng không được ủi cho thẳng, nó nhèo cũ như con người anh vậy. Nhưng anh là một cây bút có tiếng từ những năm 1980, anh là cây bút chuyên viết các phóng sự dài kỳ. Nhưng dù viết nhiều, viết hay đi nữa anh cũng chỉ đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học. Nhưng vì yêu nghề, yêu chữ anh không muốn từ bỏ mà chấp nhận cuộc sống nghèo xíu mà ta cảm thấy vui và hạnh phúc. Hiện nay, anh đã nghỉ hưu nhưng mỗi ngày đều cà tàng với con xe honda đi khắp các ngõ ngách viết các phóng sự về đời sống của người dân. Qua đó cho thấy, đại đa số các nhà báo nghèo lắm, nghèo về vật chất nhưng về tâm hồn thì không hề nghèo.

Tình hình kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề và nghề báo cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực ấy. Trong khi nguồn thu của các cơ quan báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo, nhưng trong giai đoạn các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn thì số tiền họ dành cho quảng cáo hầu như bị cắt giảm.

Đam mê với nghề báo là lý do mà nhiều người chọn công việc viết lách.

Đam mê với nghề báo là lý do mà nhiều người chọn công việc viết lách.

Với các nhà báo trẻ, thu nhập của họ chủ yếu dựa vào số lương cứng ít ỏi và nhuận bút phát sinh. Tuy nhiên, với việc không kiếm được nguồn thu từ quảng cáo, các tòa soạn bắt buộc phải cắt giảm tối đa các nguồn chi kể cả lương và nhuận bút của các nhà báo. Ngoài ra, một số tòa soạn còn cắt giảm nhân sự để tránh cạn kiệt ngân khố.

“Có cơ quan báo chí đứng hàng đầu về thu nhập trong làng báo nhưng đến nay cũng phải gắng gượng để trả lương cho phóng viên. Một số tòa soạn thông báo nợ lương, nhưng chưa chốt thời điểm thanh toán tiền”, một phóng viên trẻ chia sẻ về khó khăn hiện hữu của nghề báo.

Trước tình cảnh khó khăn ấy, nhiều phóng viên trẻ vẫn “gồng mình” để vượt qua giai đoạn này, nhưng cũng có một số nhà báo chọn “rẻ hướng” sang ngành nghề khác để đảm bảo cuộc sống. Có những người sau khi chuyển hướng, họ vẫn “giữ lửa đam mê” bằng cách dành ít thời gian để cộng tác cho các cơ quan báo chí.

“Đam mê với nghề báo là lý do mà nhiều người chọn công việc viết lách. Nhưng nếu đam mê ấy không thể nuôi sống được bản thân, gia đình, thì nhà báo phải suy nghĩ và chọn lối đi phù hợp với đối với mình”, một cựu phóng viên của một tờ báo chia sẻ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh