THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:41

Nghề "tắm mát" cho những linh hồn dưới mộ

“Duyên” tưới cây cho người chết

Nghĩa trang Long Hương trưa hè những ngày tháng bảy nắng như đổ lửa. Anh Hà Văn Hiên đưa bàn tay chai sạm nặng nhọc kéo vòi nước để bố anh - ông Hà Văn Hạnh vắt vòi nước trên vai, tay cầm đầu vô-doa kéo vòi đến tưới cây trên từng ngôi mộ. Ông Hạnh cười nói: “Năm nào cũng vậy thời tiết tháng bảy ở nghĩa trang rất khô cằn. Nếu một ngày không tưới cây ở các ngôi mộ này, thì ngày mai sẽ héo hết”. Ông Hạnh nhìn tôi cười chỉ thấy hàm răng trắng lộ giữa khuôn mặt sạm đen vì nắng gió

Ông Hạnh kéo dây nước cho tưới cây trên những phần mộ.

Mặt trời “rọi lửa”. 10 giờ trưa nghĩa trang Long Hương ngột ngạt hơn, bởi hàng trăm người từ khắp nơi đổ về thắp hương cho người dưới mộ. Cha con ông Hạnh miệt mài kéo vòi nước tưới những chậu cảnh, luống hoa trồng quanh từng ngôi mộ. Ngồi bệt xuống cạnh ngôi mộ vừa  trồng hoa hôm trước, ông Hạnh đưa tay áo lên lau mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt đen nhẻm, nói: “Nghề này cực lắm anh ơi, trăm người mới có một người làm thôi. Người ta chọn đi làm hồ ngày 300.000 đồng, hoặc bảo vệ, còn bố con tui chọn nghề tưới cây cho mộ người chết. Làm nghề này như một cái “duyên”. Nhiều khi không muốn làm, nhưng không hiểu sao trong lòng cảm thấy như có ai đó mời gọi mình”, ông Hạnh phân trần.

 Nếu không chủ động làm quen, có lẽ chẳng ai biết cha con ông Hạnh có hoàn cảnh khá đặc biệt và hơn 20 năm tự nguyện tưới cây ở nghĩa trang Long Hương này. Sau khi vợ ông mất vì tai nạn giao thông, để lại cho ông đứa con chưa đầy hai tuổi. Dù thương vợ, nhưng gia cảnh nghèo khó nên cha con ông  tạm biệt quê hương Mộ Đức (Quảng Ngãi) bồng trống vào Bà Rịa- Vũng Tàu kiếm kế sinh nhai. Đó là mùa hè năm 1996. Tuy thành phố Bà Rịa hiện đại bây giờ ngày ấy là thị xã vùng ven, nhưng để kiếm miếng cơm ăn no, chỗ ngủ không dễ dàng gì. Cảnh “gà trống nuôi con”, làm gì để có cơm ăn, chỗ ngủ trong khi “thân cô thế cô” giữa đất chật người đông lạ người lạ đất. Sau hai ngày “vất vưởng” ở chợ cá Long Hải, cha con ông dạt về nghĩa trang Long Hương lúc trời chập tối. Con đói khóc, người mệt lả, không chỗ ngủ, ông Hạnh đánh liều bế con vào nghĩa trang “nương nhờ” người chết.

Đêm đầu tiên nằm ở nghĩa trang, dưới tầng đất là xương cốt người, xung quanh là rừng núi. Đêm khuya thanh vắng tiếng chim lợn kêu rợn tóc gáy. Bụng đói cồn cào, ông Hạnh bấm bụng: “Nếu không cho con ăn nó sẽ chết vì đói, đành rằng xin lộc của người quá cố nhai mớm cho con, còn lại mình ăn, sống qua ngày rồi tính sau”. Nghĩ vậy, ông nhặt que nhang cháy dở, thắp lên phần mộ khấn vái xin lộc người âm một đĩa xôi, mấy miếng thịt gà, vài quả xoài mà gia chủ để lại hồi chiều “chiêu đãi cô hồn” lẩn khuất xung quanh. Đĩa xôi có phần khô cứng, ông nhai nhỏ với thịt gà mớm cho con. “Đêm đó, hai cha con tui ôm nhau ngủ ngay cạnh mộ người chết. Kể ra cũng rất sợ, nhưng lúc đó không còn cách nào khác. Trong giấc mơ, có một ông lão hiện về bảo, hãy ở lại nghĩa trang mà làm, đừng sợ”, ông Hạnh kể lại

"Lúc đó ông sợ không? Và nguyên cớ nào khiến cha con ông ở lại tưới cây?" - Tôi hỏi? Ông Hạnh phân trần: "Thực sự cũng hơi ớn lạnh. Nhưng thiệt lúc đó không biết đi đâu nữa. Mà không hiểu sao, tôi luôn cảm thấy có ai đó gọi tha thiết từ lòng đất bảo rằng, hãy ở lại tắm mát cho họ, tưới lên những phần mộ của họ. Tôi nghĩ bụng, âu cũng là cái duyên. Thôi, mỗi người một nghề, mình “tắm mát” cho người chết cũng là cái cái duyên. Đứa con trời phù hộ cũng chẳng đau ốm gì. Ngày đi theo tui múc nước dưới suối, tối ngủ với người chết".

Ăn cơm ma, vác tù và hàng tổng

  Từ đó, cha con ông Hạnh bắt đầu công việc “ăn cơm ma, vác tù và hàng tổng”. Những năm 1996 - 2000, nghĩa trang Long Hương còn thô sơ, chưa có hệ thống ống nước ngầm tưới cây như bây giờ. Để có nước tưới hoa, ngày ngày, cha con ông Hạnh đi vào khe suối dưới chân núi Dinh lấy nước. Bố gánh nước, con lẽo đẽo theo sau. Con trai ông- Hà Văn Hiên “ăn cơm ma” lớn lên theo tỷ lệ thuận với những ngôi mộ ngày càng nhiều thêm ở nghĩa trang này

Anh Hiên tưới “vườn” hoa trên những ngôi mộ giữa trưa nắng ở nghĩa trang Long Hương.

Nhiều gia chủ mỗi lần đi viếng mộ người thân, thấy chậu hoa cây cảnh ở phần mộ người thân của mình nở hoa xanh tốt, bên cạnh đó là hai người đàn ông làm quần quật giữa nắng oi nồng. Có người thương tình cho ông Hạnh trăm ngàn, hoặc con gà mới cúng. Có người nhờ anh Hiên chăm sóc “vườn hoa” cho phần mộ của gia đình họ. Bà Trần Thị Mai, Việt kiều Mỹ, một lần viếng mộ cha tình cờ gặp ông Hạnh đang tưới chậu hoa lên mộ cha bà giữa trưa nắng chang chang. Bà Mai xúc động rơi nước mắt. Bà hỏi thăm công việc của ông Hạnh. Khi biết về hoàn cảnh của bố con ông, bà Mai biếu ông Hạnh 5 triệu đồng, nhờ bố con ông chăm sóc phần mộ cho cha bà, nhưng ông Hạnh chỉ xin nhận 1triệu đồng tiền mua thuốc xịt sâu, còn tiền công xin tặng người đã khuất.

Dịp tháng bảy này, bà Mai lại về nước đến viếng mộ cha. Thắp nén hương khấn người cha quá cố, mà Mai nghẹn lời phần vì thương nhớ cha, phần xúc động tấm lòng cha ông Hạnh đã thay bà “tắm mát” phần mộ, chăm sóc hoa suốt 15 năm qua. Người đàn bà hơn 50 tuổi ăn mặc sang trọng xúc động trong nước mắt: “Ba tui hi sinh thời chiến tranh. Gia đình có mình tui là con gái. Theo chồng sang Mỹ không có điều kiện chăm sóc phần mộ cho ba. 5 năm tôi mới về một lần. Tất cả đều nhờ cha con anh Hạnh này chăm sóc. Nhờ có hai bố con mà mộ ba tui được mát mẻ. Dù xa quê hương, nhưng tôi cảm thấy ấm lòng khi có người hàng ngày chăm sóc phần mộ cho cha mình”. Bà Mai quan niệm, gia đình bà làm ăn phát đạt và yên ổn phần nào cũng nhờ phần mộ của người cha có người chăm sóc chu đáo ở Việt Nam: “Những chậu cảnh trên phần mộ xanh tươi là một tín hiệu gia đạo an lành, cuộc sống bình an, làm ăn phát đạt, yên bình”, bà Mai chia sẻ

Nghĩa cử đối với người đã khuất

 Thu nhập một tháng tưới cây cho hơn 500 ngôi mộ là 3.500.000 đồng. Số tiền ấy chẳng thấm vào đâu, hoặc chỉ là một bữa nhậu bình dân của người giàu có, nhưng đối với cha con ông Hạnh là 30 ngày dãi nắng mưu sinh. 20 năm làm nghề “tắm mát cho linh hồn” người chết, cha con ông hiểu rằng, điều cốt lõi nhất không phải là tiền công, mà là nghĩa cử đối với người đã khuất. Vì thế mà 20 năm qua, trong đó có hơn 10 năm làm không có thu nhập, chỉ “ăn cơm ma vác tù và hàng tổng” nhưng ông vẫn thầm lặng làm việc nghĩa và chưa bao giờ kêu ca phàn nàn, dẫu việc cha con ông đang làm không kém phần nhọc nhằn gian khổ. Ông Hạnh tâm sự: “Có người bảo tui là khùng, việc gì không làm đi tưới cây cho người chết. Tui bảo, mỗi người một việc. Ai cũng chọn việc nhẹ, việc đẹp thì ai là người tưới cây cho mộ. Ngày đầu cũng ngại, nhưng làm riết rồi quen. Bây giờ làm chủ yếu là nghĩa cử với người đã khuất. Mình tắm mát cho họ, sau này mình nằm xuống người khác lại tắm mát cho mình".

Gần đến rằm tháng bảy, dòng người đến nghĩa trang Long Hương nhiều hơn. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa oi nồng của đất núi và mùi hương hoa viếng người quá cố, cha con ông Hạnh vẫn cần mẫn kéo vòi nước đến tắm mát cho từng ngôi mộ. Công việc nhọc nhằn ấy trôi theo thời gian. Cha con ông cảm nhận được nghĩa cử và niềm vui khi dưới tầng đất khô cằn, những linh hồn được hai ông tắm mát giữa những ngày hè nóng nực         

Ông Hạnh cho biết, ở nghĩa trang Long Hương, bao quanh là núi đá, thời tiết rất khắc nghiệt. Trời nắng này nếu không tưới cây một ngày, thì ngày mai sẽ héo. “Vì cây cảnh được trồng trong chậu trên nền đá hoa cương. Trời nắng đá hoa cương tỏa nhiệt rất mạnh. Nhiều khi tưới nước lên, thấy mộ bốc khói. Giữa trưa, sờ tay vào mộ, rát bỏng".

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh