Nghệ sỹ Quang Đạt: Bác Hồ luôn trong tôi
- Văn hóa - Giải trí
- 20:11 - 29/04/2017
Nhưng có lẽ việc mà anh đã làm và được nhiều người nể trọng nhất đó là hành trình “Rước Bác vào Nam”.
Gặp nghệ sỹ Quang Đạt, điều đầu tiên khiến mọi người chú ý đó là hình xăm Bác Hồ trên vầng trán. Hỏi về hình xăm đặc biệt đó, anh trả lời: “Bác Hồ là hình tượng đẹp, là tấm gương sáng nhất cho mọi người noi theo. Vì vậy, tôi xăm hình Bác lên trán, để mỗi khi soi gương thấy Bác là nhắc nhở bất cứ việc gì khi làm cũng phải suy nghĩ chín chắn rồi hãy làm, cũng bởi trong tim luôn có hình tượng của Người”.
Sinh thời, Bác Hồ nói: “Miền Nam ở trong trái tim tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Khát khao lớn nhất của Người là Bắc - Nam sum họp, để Bác được vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam. Nhưng Bác đã “nhẹ cánh bay” khi non sông chưa về một dải, nước nhà còn bị chia cắt. Chính vì vậy “Rước Bác vào Nam” là việc mà Quang Đạt quyết tâm thực hiện.
Thực hiện được điều này không dễ, bởi nó không chỉ cần có tâm, có tình cảm mà còn phải có sự suy nghĩ, tính toán thấu đáo và tất nhiên cũng phải có tiền. Hành trình mà Quang Đạt chọn để “Rước Bác vào Nam” là từ Làng Sen nơi Bác sinh ra, Trường Quốc học Huế nơi Bác đã theo học, Trường Dục Thanh nơi Bác đã dừng lại để dạy học trên hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ. Và tất nhiên không thể thiếu Bến Nhà Rồng - TP Hồ Chí Minh, nơi Người xuống tàu đi tìm đường cứu nước và điểm cuối là Nhà Lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác tại tỉnh Đồng Tháp
Quang Đạt và tượng Bác Hồ.
Năm 2011 rất phù hợp để Quang Đạt thực hiện mong muốn của mình, vì là năm kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam. Cũng là tròn 100 năm Bác dời miền Nam từ Bến Nhà Rồng rồi chưa một lần được quay trở lại.
Và được sự cho phép của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, được sự hỗ trợ của Hội những người yêu xe Vespa, nghệ sĩ Quang Đạt thực hiện hành trình “Rước Bác vào Nam”.
Với lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quang Đạt đã ra tận Đà Nẵng tìm gặp nghệ nhân Hoàng Mẫn nổi tiếng về tạc tượng để đặt tạc tượng Bác bằng đá Non Nước nguyên khối. Bức tượng Bác rất đẹp, sống động, uy nghiêm, tượng bán thân, cao 60cm và nặng 70kg. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 121 của Bác - ngày 19/5/2011, Quang Đạt đã có mặt tại Khu di tích lịch sử Kim Liên - Nghệ An để làm lễ rước Bác tại bàn thờ. Tham dự buổi lễ hôm đó cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Khu di tích còn có hàng ngàn người con xứ Nghệ đến tiễn đưa. Sau lễ dâng hương, dâng hoa tượng Bác được đưa lên xe ô tô để vào Nam còn Quang Đạt và một số bạn bè đi theo bằng xe máy Vespa màu trắng có vẽ hình Làng Sen quê Bác, Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh, Bến Nhà Rồng - những nơi Bác đã từng gắn bó và Nhà Lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng chính là lộ trình mà Quang Đạt sẽ dừng chân ở các nơi để dâng hương, dâng hoa.
Đoàn xe hộ tống đưa tượng Bác về Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc ở
Trên suốt chặng đường “Rước Bác vào Nam” đoàn luôn nhận được sự chào đón, những tình cảm thắm thiết của mỗi người dân. Sau 29 ngày đêm hành trình đã về đến điểm cuối Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Rất đông đồng bào, chiến sĩ tỉnh Đồng Tháp và vùng lân cận đã đến cùng với lãnh đạo tỉnh để dâng hương, dự lễ an vị tượng Bác. Cũng trong chuyến hành trình, Quang Đạt còn tổ chức gặp gỡ thăm hỏi trao quà một số Mẹ Việt Nam Anh hùng, trao học bổng cho các em học sinh nghèo...
Quang Đạt trên chiếc xe Vespa cổ
Giờ đây, tại Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, bức tượng Bác Hồ bằng đá Non Nước đã trở nên thân quen, không chỉ vào dịp lễ, tết mà hàng ngày đều có khá đông người dân, các cháu thiếu nhi, các cặp vợ chồng mới cưới đến dâng hương Bác và cụ Nguyễn Sinh Sắc. Họ đến để tưởng nhớ, để báo cáo với Người những việc mình đã thực hiện được theo di nguyện, theo lời dạy của Người.
Bằng việc làm của mình, nghệ sỹ Quang Đạt dường như đã phần nào thực hiện được mong muốn của Bác về với miền Nam ruột thịt và cũng là để thỏa lòng trông đợi của đồng bào miền Nam đối với Người. Đây cũng là cách thiết thực thể hiện việc hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo cách của riêng anh.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc