Nghệ sỹ Nhật Bản, Việt Nam, Philippines tham gia "Hồi đáp từ Hà Nội – Âm thanh Pop & Điện tử tại Châu Á"
- Văn hóa - Giải trí
- 00:47 - 13/03/2019
Âm nhạc dân gian Nhật Bản (Ảnh minh họa)
Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu. Cùng với sự phổ biến của Internet, cộng đồng âm nhạc đã thay đổi nhanh chóng. Xuất hiện những cách tân ảnh hưởng đến cách sản xuất, thưởng thức âm nhạc. Những cộng đồng ngầm trỗi dậy nhờ các phương tiện truyền thông.
Tất cả đã hình thành nền văn hóa âm nhạc trực tuyến mới, cũng như những ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau vượt qua cả biên giới quốc gia và lãnh thổ. Lấy bối cảnh thời đại internet, chương trình tập trung vào biểu đạt và văn hóa, nỗ lực hình thành quan hệ đối tác với các hãng thu âm địa phương tại các thành phố đi qua, nuôi dưỡng một cộng đồng mới (một môi trường để các biểu đạt nghệ thuật có thể xuất hiện).
Để phát hiện các đặc điểm riêng và chung trong từng cộng đồng, dự án chủ ý vẽ nên các “đường biên giới” rồi lại hợp chúng lại, bóc tách lớp glocal đương đại (sự kết hợp đồng thời giữa toàn cầu “global” và địa phương “local”) vượt qua mọi khái niệm về địa lý.
Bordering Practice (Thực hành xuyên biên giới) là một dự án nằm trong chương trình giao lưu về nghệ thuật truyền thông khởi động vào năm 2016 của Asia Center trực thuộc Japan Foundation. Thông qua việc hợp tác giữa các nghệ sỹ địa phương, dự án muốn khuyến khích sự giao lưu của thế hệ tài năng mới, tập trung vào những sáng tạo có ứng dụng công nghệ và nền âm nhạc điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á. Vào tháng Ba năm 2019, các nghệ sỹ Nhật Bản, Philippines và Indonesia sẽ trải nghiệm sinh sống tại Jakarta và sản xuất âm nhạc cùng nhau, sau đó đi lưu diễn tại Jakarta, TP.HCM và Hà Nội.
Không chỉ đem những gì đã tổ chức ở Manila và Tokyo tới ba thành phố và thúc đẩy giao lưu với các cộng đồng mới, dự án cũng kỳ vọng sẽ xây dựng được một nền tảng để phát triển hơn nữa mạng lưới này. Bordering Practice sẽ tiếp tục mở rộng các yếu tố giao lưu, chia sẻ, hợp tác sẵn có, đồng thời tạo ra và lan tỏa các nội dung âm nhạc và video mới, từng bước tạo ra một hình mẫu hợp tác trong tương lai giữa các nghệ sỹ sắp tới có thể tiếp bước dự án này ở châu Á.
Hà Nội là điểm đến cuối cùng của chuyến lưu diễn Bordering Practice, là nơi sẽ tổ chức một loạt các sự kiện dưới hình thức thảo luận, workshop và showcase, nhằm tạo điều kiện trao đổi giữa thế hệ nghệ sĩ và khán thính giả tiếp theo của Hà Nội với các nghệ sĩ đến từ Tokyo và Manila.
Qua sự tiếp xúc này giữa Hà Nội - nơi các hoạt động văn hóa mới tiếp tục mở rộng và phát triển, với Tokyo và Manila - nơi các nền văn hóa đa dạng pha trộn và cộng hưởng, chương trình sẽ xem xét những tương đồng và khác biệt trong nền âm nhạc của những nơi này, suy nghĩ về tầm nhìn cho các hoạt động âm nhạc ở mỗi thành phố.