Nghệ sĩ Việt tiếc thương ra đi của GS.Trần Văn Khê
- Văn hóa - Giải trí
- 13:34 - 25/06/2015
Trước sự ra đi mãi mãi của Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới; nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, ca sĩ như Phó Đức Phương, Mỹ Linh, Nguyễn Quang Long, Tùng Dương… đã không ngăn được sự ngậm ngùi tiếc thương...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Ông là người có công lớn trong việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới”
Giáo sư Trần Văn Khê là một người hoạt động âm nhạc, người có công lớn trong việc giới thiệu âm nhạc bản sắc Việt Nam ra thế giới. Ông mất đi là sự tổn thất lớn đối với nền âm nhạc nghệ thuật nước nhà, đặc biệt trong khâu quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Sự quan tâm của Giáo sư tới nghệ thuật hát xẩm khiến tôi vô cùng cảm động”
Tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi mãi mãi của Giáo sư Trần Văn Khê. Với tôi, ông giống như cây đại thụ tỏa bóng cho làng âm nhạc nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở cả lĩnh vực nghiên cứu, biểu diễn và lĩnh vực truyền thông quảng bá. Cây đại thụ ấy bao quát toàn bộ các yếu tố để nghệ thuật truyền thống đến với nhiều người trong nước cũng như thế giới.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (ngoài cùng, bên phải) biểu diễn cùng nghệ sĩ Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa trong đêm giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam do Giáo sư Trần Văn Khê dẫn chương trình năm 2006
Giáo sư Trần Văn Khê giống như người thầy lớn đối với tôi. Gần 20 năm trước, từ chàng trai tỉnh lẻ ra thành phố học về âm nhạc, dù biết danh tiếng Giáo sư từ lâu rồi nhưng lần đầu tiên, khi biết có buổi trò chuyện của Giáo sư về âm nhạc truyền thống, tôi đã tìm đến nghe bằng được. Tôi cứ nghĩ, một vị Giáo sư chắc sẽ nói toàn những điều đao to búa lớn nhưng thật bất ngờ, cách trò chuyện của ông rất gần gũi, truyền đạt nhiều thông tin tới người nghe. Không chỉ bàn về âm nhạc truyền thống nước nhà, ông còn đem ra so sánh với âm nhạc một số nước phương Đông khác. Không chỉ nói, Giáo sư còn hát và đàn minh họa luôn.
Từ đấy, tôi luôn nghĩ đến phương pháp giảng dạy và trò chuyện của ông. Và khi học về lĩnh vực nghiên cứu lý luận, tôi chỉ nghĩ đến việc tập trung vào mảng âm nhạc truyền thống và học tập cách truyền đạt gần gũi của Giáo sư Trần Văn Khê mỗi khi được mời đi nói chuyện.
Là người có duyên gặp gỡ, trò chuyện với Giáo sư nhiều lần, tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm của ông tới nghệ thuật hát xẩm. Cách đây gần 20 năm, lo lắng trước sự mai một của nghệ thuật hát xẩm nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi, Giáo sư Trần Văn Khê đã xin học bổng của Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư người Pháp để nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa học hát xẩm đối với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Trong mắt Giáo sư, Mai Tuyết Hoa là người có khả năng bước tiếp con đường hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Giáo sư Trần Văn Khê đã từng đến đầu Hàng Ngang để xem chiếu xẩm của nhóm chúng tôi. Giáo sư cũng không ngần ngại trò chuyện, giao lưu với khán giả về nghệ thuật hát xẩm. Ngày 11/8/2006, là người dẫn chương trình bằng tiếng Pháp trong đêm giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Nhà hát Lớn; Giáo sư Trần Văn Khê đã chọn tiết mục xẩm do tôi, nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan và Mai Tuyết Hoa biểu diễn để giới thiệu với khán giả các nước.
Trong cuộc sống đời thường, tôi và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã từng vào Sài Gòn thăm nhà của Giáo sư Trần Văn Khê. Ấn tượng của tôi về ông là sự gần gũi, luôn yêu thương, chia sẻ với mọi người.
Ca sĩ Mỹ Linh: “Ở Giáo sư Trần Văn Khê toát lên phong thái đáng kính”
Với cá nhân tôi, nghe tin ông mất cảm giác không gì ngoài sự tiếc thương đối với vị giáo sư đáng kính của giới học thuật Việt Nam. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, bạn bè và những học trò của Giáo sư.
Đối với nghệ sĩ tuổi con cháu như chúng tôi luôn kính cẩn ngưỡng mộ trước những công lao, thành tựu mà Giáo sư Trần Văn Khê đạt được. Giáo sư từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Năm, 1995)…
Tôi chơi thân với một số học trò của Giáo sư, dù chỉ có duyên gặp gỡ Giáo sư một lần nhưng những câu chuyện đáng kính trọng về ông luôn được các học trò kể lại. Có một điều bất kỳ ai gặp Giáo sư Trần Văn Khê cũng dễ nhận thấy, ở ông luôn toát ra phong thái vừa đáng kính vừa gần gũi…
Ca sĩ Tùng Dương: “Nhạc sĩ Nguyên Lê cũng tôn Giáo sư Trần Văn Khê như một người thầy”
Đối với tôi, Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. Điều hiếm thấy nữa là ông sinh ra trong một gia đình có bốn đời đều làm nghệ thuật và đờn ca.
Bản thân nhạc sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê cũng tôn Giáo sư Trần Văn Khê như một người thầy về âm nhạc dân gian.
Tôi may mắn gặp Giáo sư Trần Văn Khê tại liveshow chung cùng nhạc sĩ Nguyên Lê, Quê nhà diễn ra năm 2012 tại TPHồ Chí Minh. Khi đó ông yếu lắm, có chụp hình chung với chúng tôi và khen ngợi tôi hát hay. Tôi còn nhớ, ông nói tôi đã kết hợp giữa chất liệu âm nhạc dân gian với lối hát mới mẻ, hiện đại thành công. Điều này, ông ít thấy ca sĩ Việt Nam làm được.
Tôi có duyên với gia đình Giáo sư Trần Văn Khê khi gặp gỡ với con trai trưởng của ông là Giáo sư Trần Quang Hải. Tôi từng gặp anh Hải tại buổi ra mắt sách Ở đất kẻ thù của nhà văn Lê Lan Anh tại Pháp. Anh Hải cũng là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đang sống cùng vợ, danh ca Bạch Yến tại Pháp. Tôi cũng từng đi chơi, ăn uống với danh ca Bạch Yến khi đi lưu diễn tại Mỹ.
Biết tin ông đã trút hơi thở cuối cùng, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới vợ chồng anh Hải- chị Bạch Yến, tới gia đình và những người quan tâm, yêu thương tới ông. Mong hương hồn ông yên nghỉ nơi chín suối!