THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:38

Nghệ sĩ và những kỷ niệm lưu diễn khó quên

Ngôi sao cải lương Minh Vương xúc động kể rằng, khi xuống miền Tây, khán giả ở đây hầu như đã biết và yêu quý anh qua truyền hình nên bày tỏ tình cảm rất nồng nhiệt. Có những người lớn tuổi, xem anh diễn xong tìm đến nói: “Được gặp Minh Vương ngoài đời thế này, tôi chết cũng vui lòng”. Có lần anh xuống An Giang, đang đi bỗng thấy bàn ghế bày la liệt giữa đường nhằm chắn lối, ai cũng ngơ ngác không hiểu do đâu có việc kỳ lạ này. Đám đông quanh đó chạy lại nói: “Chúng tôi biết, tối nay Minh Vương đến diễn, đề nghị anh ra khỏi xe để mọi người chiêm ngưỡng”. Nếu không về miền quê, làm sao Minh Vương có thể biết mọi người yêu mình vậy?

Cảnh trong vở “Cải lão hoàn đồng”.

Diễn viên hài Trung Dân, người có lối diễn hài chân thực, hóm hỉnh rất có duyên với khán giả vùng sông nước Cần Thơ. Có lần, anh xuống biểu diễn tại sân vận động thành phố trong bộ trang phục ký giả có nhiều túi. Lúc đó, anh đến muộn và có một ca sĩ tên tuổi đang hát trên sân khấu, nhưng nhìn thấy Trung Dân bước ra khỏi xe, khán giả nhìn thấy lập tức la hét, vui mừng khiến anh vô cùng bất ngờ. Đi diễn tỉnh xa, các nghệ sĩ hầu như phải diễn ngoài trời vì nơi đó kiếm đâu ra sân khấu có mái che, do đó trước khi xuất hành các đoàn phải thắp hương khấn phật đêm ấy trời quang, mây tạnh, chứ nếu mưa thì... đi đứt. Nhà hát kịch Việt Nam từng du diễn tại hàng loạt tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang đúng vào dịp lũ, vì thế nhiều đêm các nghệ sĩ phải diễn trong mưa. Khó khăn là thế nhưng không thể bỏ nhiệm vụ quan trọng là phục vụ khán giả.

Hôm đó, tại Quảng Ngãi mưa rất to, đường ngập nhưng, theo kế hoạch, các nghệ sĩ vẫn quyết diễn vở kịch nổi tiếng “Nhân danh công lý”. Vốn nghe danh vở diễn từ lâu mà chưa từng xem nên người dân quê sẵn sàng “bơi” đến sân khấu. Giờ mở màn, trời vẫn mưa nên diễn viên phải đội mưa đến sân khấu và diễn xuất trong trang phục, cảnh trí ướt sũng. Khổ là vậy song khán giả vẫn nhiệt tình vỗ tay cổ vũ khiến nghệ sĩ diễn càng hăng. “Trời lạnh, song các diễn viên thấy ấm áp vô cùng, nói có thể khó tin nhưng giây phút đó không phải nghệ sĩ nào cũng có được”, sau này các nghệ sĩ hồ hởi kể lại. Có những nghệ sĩ gần 40 năm theo nghiệp diễn, trong đó có cả những năm tháng chiến tranh phải dùng đèn bão chiếu sáng, họ vẫn chưa thấy lần nào vừa cực vừa vui thế. Cũng trong chuyến lưu diễn này, do bị ngấm nước mưa quá nhiều nên đã có một diễn viên bị đột quỵ. Cả đoàn hốt hoảng, cấp tốc cử người đưa anh về Hà Nội chăm sóc. Một diễn viên khác vốn đảm nhiệm vai phụ trong vở được giao nhiệm vụ “lấp chỗ trống” của đồng nghiệp, còn nhân vật trước đó của anh bị cắt bỏ. Cũng từ đó, các thành viên trong đoàn được chỉ đạo phải luôn uống thuốc, ai cũng cố không để mình bị ốm.

Khán giả xem kịch tại sân khấu ngoài trời.

Tuy nhiên, không phải trận mưa nào cũng nâng cao quyết tâm của các nghệ sĩ. Các diễn viên của Nhà hát tuồng Việt Nam phải dở khóc dở cười trong một chuyến lưu diễn tại Yên Bái cách đây không lâu. Khi cả đoàn đưa quân lên tỉnh miền núi này, người dân tộc thiểu số ở đây thấy rất lạ, nhất là những bộ trang phục tuồng sặc sỡ sắc màu. Dù có người không hiểu hết tiếng Việt song vẫn muốn xem người miền xuôi diễn. Biết thế, các nghệ sĩ bảo nhau, phải trang điểm thật kỹ, thật đẹp trước khi hoá thân vào các nhân vật trong vở “Chiếc bóng oan khiên” diễn vào lúc 20 giờ. Buồn thay, vừa qua cảnh một, bắt đầu bước vào xung đột kịch thì trời lất phất mưa. Các nghệ sĩ vừa diễn vừa mong trời đừng mưa to và quyết tâm không rời sân khấu. Tuy nhiên, 15 phút sau, nước trút xuống như… bão, khán giả bỏ mặc bi kịch của nàng Mai Hương trên sàn diễn, nhanh chân chạy về. Từ chỗ rất đông khán giả, cuối cùng lại chẳng còn một ai, các nghệ sĩ chả lẽ lại diễn cho chính mình? Thế là đành bỏ giữa chừng.

Phản ứng không kịp, người phụ trách trang phục bèn phân phát cho mọi người tất cả quần áo của vở diễn để mặc cho ấm. Diễn viên nữ cầm đèn soi, diễn viên nam thu dọn đồ đạc, tất cả  lếch thếch đi bộ 1 km trong làn mưa to để ra xe ô tô, không tránh khỏi tiếc nuối vì lỡ dở vở diễn và sự háo hức của khán giả trước đó. Tất cả là tại trời mưa.

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh