Nghệ sĩ Hồng Chương: "Tôi đóng vai chết nhiều hơn vai sống"
- Văn hóa - Giải trí
- 22:21 - 08/07/2016
Nhà nghệ sĩ Hồng Chương nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Gốc Đề, quận Hoàng Mai. Dù phải đi qua nhiều ngõ ngách nhưng ngôi nhà cao tầng có giàn hoa lan bên trong cái cổng ngót 100 tuổi không khó tìm đối với những vị khách lần đầu ghé thăm. Người dân xung quanh hồ hởi và nhiệt tình chỉ đường vào nhà “ông cố” vì với họ hình ảnh người đàn ông thôn Đông râu tóc bạc phơ đã trở nên quá đỗi thân thuộc.
Nghệ sĩ Hồng Chương hẹn phóng viên Zing.vn vào lúc 16h, đến nơi đã thấy ông ngồi xem tivi đợi khách và không quên chuẩn bị một sấp báo, ảnh vẽ - nơi lưu giữ nhưng câu chữ mà ông cho rằng,“nhẹ nhàng, chừng mực đúng với con người ông nhất”. Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, nghệ sĩ nhất quyết mời khách một chén rượu ngâm nhắm với lạc rang. Ông cười bảo “rượu mà uống với lạc thì không bao giờ nghèo” nhưng cặn kẽ dặn “cháu viết về bác phải thật khiêm tốn thôi, đừng hoa mỹ quá vì ở tuổi này, bác không còn mong cầu danh vị, tiền tài”.
Nghệ sĩ Hồng Chương được ví là "ông Bụt" của màn ảnh Việt. Ảnh: Quang Đức
“Tôi nhập hồn vào nhân vật khi diễn”
Ở tuổi 83, nghệ sĩ Hồng Chương sở hữu hàng trăm vai diễn, từ sân khấu, điện ảnh đến truyền hình, ở nhiều dạng nhân vật khác nhau, khi thì là một ông lão ăn mày, lúc lại trở thành một ông cố đáng kính trong gia tộc. Ông vừa nhâm nhi chén trà vừa chia sẻ rằng đóng nhiều quá, tuổi già lúc nhớ lúc quên nên nhiều vai diễn chính mình đóng nhưng giờ cũng không còn nhớ rõ.
“Dù không nhớ cụ thể từng vai diễn nhưng tôi biết mình luôn nhập hồn vào nhân vật và thể hiện như chính cuộc đời của bản thân. Câu chuyện buồn thì nước mắt tự chảy, còn vui thì miệng tự cười. Diễn bằng chính tâm hồn mình thì sẽ không có gì quá khó khăn cả” – diễn viên gạo cội chia sẻ.
Vai diễn mà nghệ sĩ Hồng Chương ấn tượng nhất suốt cuộc đời nghệ thuật, chính là vai người chú của 3 quan tham trong phim Đạo nhà, công chiếu cách đây nhiều năm. Ông bảo: “Tôi vào vai một người mù nhưng lại giữ được đạo đức, còn hơn 3 nhân vật đứa cháu trong phim, sáng mắt mà tham quan luôn sách nhiễu, ức hiếp dân lành”.
“Thế nhưng câu chuyện mà tôi cảm thấy thú vị nhất trong nghiệp diễn lại là khi đóng một vai ăn mày. Tạo hình và diễn xuất của tôi tại vệ đường chỗ chợ Hôm khiến người dân thương quá. Họ đến xem và cho tiền. Tôi lại không được giải thích vì đang quay nên đạo diễn phải cáu với khán giả, ông ấy là diễn viên Hồng Chương đang đóng phim chứ không phải đang xin tiền thật đâu” – lão nghệ sĩ cười giòn kể lại.
Nghệ sĩ Hồng Chương tự nhận mình đã ở tuổi xế chiều, cuộc đời chẳng còn bao nhiêu, nhưng tình yêu với nghệ thuật thì chưa bao giờ vơi cạn: “Đạo diễn nào gọi là sẵn sàng đi ngay mà chẳng quan tâm nhận được bao nhiêu tiền. Cách đây vài hôm cũng có người đến nhà chơi và mời đóng phim, sắp tới tôi lại được trở lại với đông đảo khán giả”.
“Ở tuổi 83, tôi nhận ra nhiều triết lý cuộc đời”
Trong suốt cuộc trò chuyện, nghệ sĩ Hồng Chương dành nhiều thời gian nói về triết lý cuộc đời hơn là công danh, sự nghiệp của mình. Ông trích dẫn nhiều câu nói của Einstein, Karl Marx, Engels và đặc biệt là những lời dạy của nhà Phật. Diễn viên đóng phim Đàn trời nhắc lại nhiều lần câu: “Phật tại tâm. Thích Ca Mâu Ni ở ngay trong tim. Thế nên cái cốt lõi phải là sống có đạo đức, không được làm ác với ai và trước hết phải trân trọng, yêu thương gia đình vì có gia đình mới có xã hội”.
“Hạnh phúc làm gì có màu sắc, làm gì nắm bắt được. Hạnh phúc chính là do chúng ta tự tạo ra và tự cảm nhận. Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, cái quan trọng là phải biết mình sai ở đâu và sửa sai. Tôi cũng từng có lỗi với vợ con, gia đình chứ nhưng tôi nhận ra ngay và không để cái sai đó đi quá xa” – nghệ sĩ Hồng Chương chia sẻ.
Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ gạo cội cũng tâm sự không ai là vui hết cả đời, ai cũng cũng có lúc khổ, lúc buồn, lúc khó khăn: “Nhiều khi tôi vấp ngã phải gục mặt xuống mà khóc, nhưng quan trọng là phải đứng dậy mà vẫn giữ được sự yêu thương. Con người sinh ra để yêu nhau, cùng máu đỏ da vàng, đừng ghét bỏ, hãm hại nhau”.
“Các triết lý hay lắm, dù duy vật hay duy tâm, dù tương đối hay tuyệt đối đều mang lại giá trị cho con người. Ở tuổi này, tôi đã có một quá trình dài chiêm nghiệm và nhận ra các câu nói của ông cha ta ngày xưa, từ ca dao, thành ngữ, tục ngữ, chẳng bỏ câu nào” – Hồng Chương vừa bộc bạch vừa nhìn khắp ngôi nhà, giới thiệu “Đấy, tôi không đi tu nhưng nhà có treo rất nhiều chữ của nhà Phật và lời dạy của người xưa”.
“Đi đâu cũng có người mời rượu”
Nghệ sĩ Hồng Chương hào hứng khi nhắc đến tình cảm mà khán giả dành cho mình. Ông bảo đi đâu cũng có người mời, từ chén nước, chén rượu đến bát phở: “Có hôm tôi đang đi bộ trên đường, một bà bán phở chạy ra ôm trầm vừa khóc vừa bảo bác vẫn còn sống à, thế mà tôi cứ tưởng bác mất rồi vì mấy lần thấy bác lên bàn thờ trên tivi. Sau đó, chị ấy nhất quyết mời tôi bát phở”.
“Tôi đóng vai chết nhiều hơn vai sống. Nhân vật thường là các ông cố lên có lẽ tôi là người lên bàn thờ nhiều nhất trong số các diễn viên. Nhiều người hỏi tôi là có kiêng kị gì không, tôi bảo không, đó là công việc và vai diễn của mình. Với nhiều khán giả yêu mến, tôi còn phải giải thích, đó chỉ là nhân vật của tôi thôi, còn tôi vẫn sống vui, sống khỏe” - lão nghệ sĩ kể lại.
Hồng Chương cũng bảo khán giả thường không nhớ tên nhân vật mà ông đóng, nhưng nhìn ông thì ai cũng nhận ra: “Lần tôi đi du lịch ở Hạ Long, khán giả giữ chân 2 tiếng đồng hồ để chụp ảnh, từ người già, người lớn cho đến sinh viên nhưng tôi rất vui vẻ, vì đó là tình cảm, sự yêu mến mà khán giả dành cho mình. Có mệt một chút cũng chấp nhận”.
Trả lời câu hỏi về chuyện danh hiệu nghệ sĩ, Hồng Chương cười giòn bảo: “Chuyện đó không quan trọng, quan trọng là tình cảm mà mình và khán giả dành cho nhau. Và cũng không nên so sánh mình với ai vì so sánh là què quặt, là méo mó và khập khiễng. Ai cũng có nét đẹp, ai cũng có cái tài, so sánh với nhau làm tâm hồn nhỏ bé đi mà tâm hồn thì quan trọng lắm”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, nghệ sĩ Hồng Chương cầm tay phóng viên nhắc lại câu nói của một triết gia "Không phải chông gai trên đường đời mà chính những hạt cát trong giày mới làm đau chân ta" và bảo "Thỉnh thoảng cứ đến nhà bác chơi, rủ cả bạn bè đến. Chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau, trẻ học già, già lại học trẻ".
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc