THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:55

Nghề nào cũng cần duyên

 

Đam mê để sâu sắc

Mỗi người, mỗi số phận đều có một bắt đầu. Tôi đến với nghề báo vào những ngày tháng cuối cùng của đời sinh viên. Ngày ấy, tình cờ tôi quen với một vài người bạn lớn tuổi, đều là những người cầm bút có tiếng ở Nha Trang (Khánh Hòa). Rồi cứ thế, người đi trước hướng dẫn người đi sau, truyền cho nhau không chỉ là những kinh nghiệm, những kỹ năng mà cả đam mê, nhiệt huyết. Họ không chỉ đơn thuần là những người thầy, mà còn là bạn bè để sẻ chia vui buồn, là chỗ dựa cho tôi vào nghề. Sau đó, như  một duyên phận, tôi bắt đầu cầm bút như bản năng, như sự thôi thúc dồn nén trong bao nhiêu năm để rồi hiểu rằng, đây mới chính là số phận của mình.

Nhà báo Đoàn Đại Trí.

Là người làm báo, tôi may mắn không chỉ gặp những chính khách quan trọng, những người nổi tiếng, mà còn là những người nông dân nghèo khổ sau mùa vụ thất thu. Do mình từng có một tuổi thơ nghèo khó, tôi cũng luôn bị ám ảnh bởi những góc khuất trong cuộc đời, đặc biệt là những người nghèo khổ. Đó có thể là những phận người đâu đó ở vùng Tây Nguyên hoang dại Lâm Đồng, Đắk Nông hay vùng cát cháy Phan Rang - Tháp Chàm mênh mang như thảo nguyên cùng những đàn gia súc rong ruổi trong nắng hạn. Rồi những phận người lênh đênh trong các thôn ấp dọc theo chiều dài biên giới Tây Nam hàng trăm cây số, cho tới cả những mái nhà lúp xúp kênh rạch miền Tây, phía thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền mà mình đã đi qua. Tất cả, tất cả những vùng đất, con người, những ánh mắt nơi đó đều ám ảnh, thôi thúc tôi trong những trang viết của mình. Nhiều khi nhớ lại, cũng như các nhân vật của mình, nhiều khi tôi cũng là kẻ thương hồ lênh đênh trên dòng sông chữ nghĩa. Ở đó, mình cũng lênh đênh, nhọc nhằn với bài toán mưu sinh nhọc nhằn vậy.

Nghề báo mang lại cho tôi nhiều cơ duyên. Ở đó, không chỉ là những người bạn, đồng nghiệp mà còn là những nhân vật, những con người hiện ra lồ lộ trong từng trang báo, dù có đôi khi, họ chưa bao giờ thấy tôi, chỉ ám ảnh là đeo đẳng mình. Như chuyến về vùng Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cách đây vài năm. Tôi đã gặp và ghi chép rất nhiều về những nhân vật mà cả cuộc đời họ hầu như chưa bao giờ đọc báo. Những nhân vật dành phần lớn cuộc đời họ để mưu sinh trên cánh đồng đất cát vùng biển Tây của Tổ quốc. Ở đó, bất kỳ nam hay nữ cũng bắt đầu lớn lên, lập gia đình và có thể chết đi trên những luống hành. Hành tím, theo những người Kinh lẫn người Khmer chính là sự sống, là sinh kế nhiều năm nay của họ ở vùng đất này. Và thật bất hạnh khi sinh kế gần như duy nhất ấy làm ảnh hưởng đến đôi mắt. Với số người bị mù lòa, bị bệnh về mắt lên đến vài ngàn người. Tôi đã hoàn thành bài viết của mình trong nước mắt. Nước mắt như chính những người trồng hành để gióng lên tiếng nói mà bao lâu nay, bản thân họ đã chọn cách im lặng. Và đó cũng là tâm niệm cầm bút của tôi, nói thay tiếng nói của những phận người bất hạnh, yếu đuối trong cuộc đời này.

Đi, nghĩ và viết

Nhiều khi tôi hay băn khoăn với bản thân mình, không biết là do sinh ra với nốt ruồi ở gan bàn chân trái hay bản tính hoang dại mà mình lại có niềm vui thèm được rong ruổi trên những cung đường. Thú thực, khoảng một tháng không xách xe chạy vài trăm cây số chỉ để đến những vùng đất hẻo lánh, gặp gỡ những con người xa lạ thì cảm giác bồn chồn khó chịu. Điều đó nhiều khi vừa là yêu cầu công việc, vừa là sợi chỉ mỏng manh của số phận đã buộc vào mình. Đi nhanh và viết thật chậm những điều mình thấy là những bài học tôi rút ra sau những lần rong ruổi. Hãy ngồi thật lâu, nghe thật nhiều tiếng nói của người bản địa, của vùng đất đó để những trang báo thực sự thấm đẫm tâm hồn, màu sắc là kỹ năng không thể thiếu của một nhà báo tâm huyết.

Nhà báo Đoàn Đại Trí trong một lần đi tác nghiệp.

Tôi không có thói quen sử dụng bút danh dưới những bài viết của mình. Ngoài cái tên cha mẹ đặt cho lúc lọt lòng, tôi chỉ lấy tên quê, ngôi làng Đoàn Xá nhỏ bé bên dòng sông Đáy, ở xứ Đoài nơi nuôi tôi lớn lên. Đó không chỉ là ân huệ của quê hương dành cho những tháng ngày bươn bả mưu sinh nơi xứ người mà còn là cách để tôi tìm về mảnh đất ấy, sau những lần ra đi với hành trình ngày một xa hơn, lâu hơn. Với tôi, không có gì thiêng liêng bằng quê nhà, bằng ngôi làng mà mình để lại sau mỗi trang viết. Nó là lời cảm ơn chân thành, nhỏ bé mà tôi muốn gửi tới quê hương, xứ sở.

Sự thực, dù khá vô lý nhưng không nghề nào mang lại cảm giác tuyệt vọng đều đặn và cả niềm vui vỡ òa như nghề báo. Đó là lần đầu tiên run run ngồi đọc lại trang ghi chép về vùng Đồng Tháp Mười mà phải mất ba ngày trời rong ruổi, đi bộ, đi ghe, lội rừng tràm bì bõm tôi mới làm xong. Đó như một dấu lặng, một sự hụt hẫng trong lần tác nghiệp bị lãng quên, công sức của nhiều ngày lặn lội có thể hóa thành công cốc. Ở đó, thật khó để gọi tên những cảm giác nhưng tôi chắc chắn rằng, nếu muốn tiếp tục đeo đuổi với nghề, người ta không còn cách nào khác phải vững vàng, gạt đi những thất vọng để tiếp tục đi tới. Cầm bút, đôi khi giống người nông dân chăm sóc những mầm cây vậy. Mỗi ngày mình phải tưới chút nước, để cái mầm ấy xanh tươi. Nó cũng là công việc không phải dành riêng cho độc giả, mà còn cho chính bản thân mình, để cái mầm cây ấy, như những bài báo dù nhỏ thôi, cũng xanh tươi mỗi ngày góp cho đời những điều tốt đẹp hơn.

Cuộc sống hiện đại, thông tin, công nghệ tiện ích đầy trời, những đòi hỏi của độc giả ngày càng cao, cũng là lúc yêu cầu của nghề khắt khe và sâu sắc hơn. Và đấy cũng chính là cơ hội để người làm báo có thể trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng của mình. Với bản thân, tôi luôn nghiệm rằng, làm báo là di chuyển và tiếp thu. Điều này có nghĩa là nhà báo phải luôn luôn mang đến cho độc giả, và cả chính mình một cái gì đó thật mới lạ, hấp dẫn, giàu tính kích thích. Làm báo khác với người đưa thư, không chỉ là một công việc giao hàng thuần túy mà còn phải nói lên được tiếng nói của cộng đồng, của chính nghĩa và mang lại lợi ích cho cộng đồng. 

Đoàn Đại Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh