Vớt rác trên sông Tô Lịch, nghề không dành cho người sợ khổ
- Dược liệu
- 13:45 - 11/05/2017
Những chiếc thuyền vớt rác đã trở nên quen thuộc trên dòng sông Tô Lịch.
Ý thức của người dân chưa cao
Sáng vớt một thuyền, chiều vớt một thuyền, ngày nào cũng vớt và ngày nào cũng có, thậm chí ngày sau nhiều hơn ngày trước. Không hiểu rác ở đâu ra mà nhiều như thế?. Đó là lời chia sẻ đầy trăn trở của một công nhân công ty thoát nước Hà Nội với chúng tôi về công việc thu gom rác thải của mình trên lòng sông Tô Lịch.
Từ lâu, sông Tô Lịch vắt ngang qua lòng thành phố Hà Nội đã biến thành dòng sông chết khi phải tiếp nhận phần lớn lượng nước thải sinh hoạt của thành phố. Không chỉ bị ô nhiễm nặng nguồn nước, sông Tô Lịch còn đang phải hứng chịu một lượng lớn rác thải rắn do những người dân thiếu ý thức vứt xuống lòng sông dẫn đến nguy cơ tắc dòng chảy và ô nhiễm ngày càng nặng.
Công nhân chia làm các tổ nhỏ, di chuyển bằng thuyền để vớt rác trên các đoạn sông.
Để cứu vớt dòng sông, những người công nhân vớt rác của công ty thoát nước Hà Nội ngày ngày vẫn có mặt trên sông để thu gom rác thải. Hình ảnh về những người công nhân trên chiếc thuyền nhỏ đong đưa, với một chiếc sào và dụng cụ vớt rác vẫn hàng ngày dưới lòng sông ô nhiễm, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Song không phải ai cũng thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả cả họ, khi mà rác thải dưới lòng sông ngày một nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thị Hoàn, công nhân xí nghiệp thoát nước số 7 chia sẻ “ Nếu người dân có ý thức hơn thì công nhân chúng tôi cũng đỡ nhọc nhằn”. Vừa nói chị Hoàn vừa chỉ về chiếc chăn bông bị vứt xuống sông, nó ngấm nước nên rất nặng mà cô phải dùng hết sức lực để kéo vào bờ đợi dóc nước, sau đó mới có thể thu gom được. Chị Hoàn cho biết, theo quan niệm thì nhiều hộ dân sau khi nhà có người mất là lại đem hết giường chiếu, chăn màn, quần áo ra sông vứt. Người ta cứ coi như vứt xuống sông là xong, mà không biết sau đó những người công nhân phải rất vất vả để vớt lên. Ngoài ra, còn đủ mọi thứ rác trên đời được vứt xuống sông cho sạch bờ trước cửa nhà người ta.
Không dành cho người sợ khổ
Nghề thu gom rác thải không bao giờ là công việc nhẹ nhàng, trên bờ đã vậy dưới nước thì lại càng khó khăn hơn. Trên chiếc thuyền nhỏ bất kể trời nắng hay mưa cứ từ 7h30 đến 11h30 sáng và chiều từ 1h30 đến 4h30 chị Hoàn cũng như những người đồng nghiệp khác lại bắt đầu công việc thầm lặng của mình và chỉ kết thúc vào khi đã đầy một thuyền rác. Ngày thường là vậy, còn dịp lễ tết như: Rằm tháng 7 hay tết nguyên đán người dân xả rác trắng cả bờ sông, khiến công việc của công nhân thêm phần vất vả, có khi phải là đến hết ngày mùng 1 tết mới xong việc.
Dòng sông Tô Lịch với đủ các loại rác thải được người dân vứt xuống.
Công việc của họ hàng ngày tiếp xúc với dòng sông ô nhiễm, nhất là khi trở trời nước sông bốc mùi vô cùng khó chịu. Song với những người công nhân vớt rác trên sông Tô Lịch điều khiến họ lo sợ nhất vẫn là mùa mưa bão. Lượng nước lớn từ các cống ngầm đổ xuống sông, làm dòng nước chảy siết khiến những chiếc thuyền nhỏ tròng trành không thể đi nổi, họ chỉ có thể neo thuyền một chỗ và chờ rác trôi qua để vớt.
Không chỉ vất vả, nặng nhọc mà công việc của công nhân thu gom rác trên sông còn chứa đựng nhiều nguy hiểm, rủi do. Những thanh sắc thép, mảnh vỡ mảnh sành được vứt xuống lòng sông có thể gây trấn thương nguy hiểm. Hay nhiều công nhân sơ ý để nước sông bắn vào mắt mà không kíp thời sửa bằng nước sạch, cũng gây những tổn thương cho mắt. Đó là những tai nạn luôn thường trực với những người làm nghề thu gom rác trên sông Tô Lịch.
Rác dưới lòng sông ngày nào cũng được thu gom, nhưng ngày nào cũng nhiều.
Với gần 20 năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Hoàn, công nhân xí nghiệp thoát nước số 7, thuộc công ty thoát nước Hà Nội coi nó đã trở thành cái nghiệp của mình, làm mãi nên thành quen chứ theo chị hiện nay không phải ai cũng làm được. "Nhiều người mới vào làm, nhất là thanh niên lên thuyền đi là buồn nuôn chóng mặt ngay. Có người chỉ làm được một ngày là xin nghỉ. Chỉ có những người thực sự kiên trì và chịu được khổ mới bám trụ được”- Chị Hoàn vui vẻ chia sẻ.
Khó khăn là thế song những người công nhân thu gom rác trên sông Tô Lịch vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc của mình, đóng góp thầm lặng cho sự sạch đẹp của môi trường Thủ đô.