THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:29

Nghề DJ - Xu hướng thời thượng của giới trẻ

Không phải nghề nhàn hạ, dễ kiếm tiền

Hiện nay DJ (dù là radio DJ - làm việc tại đài phát thanh, club DJ - chơi nhạc trong các câu lạc bộ hay mobile DJ - chơi nhạc tại các sự kiện) là hình ảnh quen thuộc với công chúng, nhất là khán giả trẻ. Giám đốc Cty DMC SaiGon, ông Wang Trần là người rất thức thời trong một nền công nghiệp đang dần manh nha - DJ. Đơn vị ông đã và đang liên kết với một số trường đào tạo DJ, nhằm cung cấp những người có năng lực cho thị trường.

Wang Trần cho biết: “Công việc này phù hợp với bạn trẻ thích năng động, ngày càng nhiều người muốn theo, nhất là nữ giới, vì các bạn ấy còn có thể phô diễn vẻ đẹp hình thể. Nhưng nhiều bạn ảo tưởng rằng đây là công việc đơn giản mà lại hái ra tiền thì họ đã nhầm!”. Vì theo ông Wang Trần, đây không phải là nghề nhàn hạ, đơn giản như chỉnh đĩa, chuyển đĩa ở các quán karaoke. DJ là công việc phức tạp, cần phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ, một tư duy mới mẻ và phải có óc sáng tạo.

Không thể phủ nhận nghề DJ ngày càng thu hút khách nghe nhạc vì không chỉ có các nam DJ mà sự xuất hiện ngày càng nhiều các nữ DJ xinh đẹp khiến nghề này càng trở nên hấp dẫn. Cũng bởi giới trẻ lên sàn nhảy, quán bar chủ yếu vào thời điểm từ 9 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau, vậy nên, những nữ DJ cũng phải nhập cuộc với đầy đủ tố chất của người có thể thức đêm, làm việc dưới cường độ âm nhạc luôn ở mức chói gắt. Đó là chưa kể đến khán phòng lúc nào cũng sặc sụa khói thuốc lá, shisha và phấn son... Hơn thế nữa, áp lực của nghề này còn ở chỗ vẫn chưa được hiểu đúng. Người ta vẫn nghĩ, thế giới và môi trường DJ làm việc không lành mạnh, là nơi chứa đựng rất nhiều cạm bẫy mà chỉ cần một phút yếu mềm, cô con gái nhà lành có thể trở thành gái hư, vì thế nhiều cô gái trẻ dù yêu nghề cũng đành ngậm ngùi bỏ cuộc vì sợ dư luận.

Thật sự thì đây là nghề mang lại thu nhập cao. Người giỏi nghề và có nhan sắc, mức thu nhập có thể lên đến cả trăm triệu mỗi tháng. Những chủ quán bar, sàn nhảy luôn biết nhìn người và chọn lựa những cô gái có “đẳng cấp”, đủ sức lôi kéo thêm khách hàng cho họ và sinh ra lợi nhuận. Vì thế mà đã có cả một trào lưu thời thượng của giới trẻ. Họ sẵn sàng vượt qua định kiến, vì hiểu rằng đây là công việc có điều kiện thể hiện đẳng cấp, lại nhanh chóng trở nên giàu có.

Nghề mang tính tự phát

Là trào lưu, nhưng số DJ thực sự giàu có thì không nhiều, vì ngoài niềm đam mê ra, người làm nghề cần khả năng cảm thụ âm nhạc và yêu cầu sáng tạo cao. Có cầu ắt có cung. Những trung tâm, doanh nghiệp đào tạo nghề này hiện đang nối đuôi nhau ra đời, mỗi năm cho ra đời cả trăm người. Các trung tâm còn mở trang thông tin, quảng cáo rầm rộ, “vẽ” ra chẳng ít điều phi thực tế, rằng nghề kiếm tiền rất dễ. Điều đó càng tạo nên sức nóng mang tên “cơn sốt DJ”.

Song không phải ai cũng có thể sống tốt với nghề. Thực tế vẫn rất khốc liệt, loại bỏ dần những người kém may mắn, kém tài năng. Đó là chưa kể, song hành với những ước mơ đổi đời từ nghề DJ, các bạn trẻ đeo đuổi nghề này phải là những người biết cập nhật bài mới trên thị trường để thay đổi đĩa CD, đầu tư cho công cụ làm việc. Rồi còn phải có bí quyết để luôn làm mới mình, tạo ra một phong cách và khiến mình luôn mới và đẹp trong mắt người khác…

Một trong những nguyên tắc của các DJ là không bao giờ lặp lại chính mình. Họ tự ví mình như một người pha chế cocktail. Với một số nguyên liệu như nhau, họ phải làm ra những loại cocktail mang vị riêng không giống nhau. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu của những người theo đuổi nghề DJ chuyên nghiệp. Ông Wang Trần cho biết, như bao nghề khác, nghề DJ cũng có sự cạnh tranh rất cao. Các bar, vũ trường lớn chỉ nhận những DJ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Trong khi đó, số lượng DJ nghiệp dư rất đông, không thể thống kê hết được. Một phần do các DJ này học nghề một cách tự phát vì đam mê (theo học các DJ đàn anh), các DJ mới ra nghề chưa có kinh nghiệm, nhiều DJ từ các tỉnh cũng đổ về thành phố tìm việc, nên tình hình về chất lượng cũng như số lượng DJ trở nên bát nháo. Vì thế, nghề DJ vẫn còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp, nhiều DJ dù có kinh nghiệm nhiều năm vẫn phải chật vật tìm chỗ làm, chạy sô khắp nơi mong có thể sống được với nghề.

DJ ở Việt Nam do chưa chuyên nghiệp, nên nghề này vẫn chỉ là công việc kiếm sống tạm bợ. Những khóa đào tạo DJ, dù chính quy hay không, cũng chỉ là cách giúp cho học viên chạm tay vào nghề mà thôi. “Để trở thành một DJ thực thụ, đòi hỏi rất nhiều thứ” - DJ Wang Trần khẳng định.

MAI CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh