Nghệ An: Tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về Bình đẳng giới
- Y học 360
- 14:05 - 03/09/2020
Tăng cường công tác tuyên truyền
Trong mấy năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về BĐG và VSTBPN và Kế hoạch truyền thông về BĐG trong lĩnh vực chính trị hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổ chức thực hiện "Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" từ ngày 15/11 – 15/12 đạt hiệu quả.
Cùng với đó, huy động các nguồn lực và đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác BĐG và VSTBPN; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ cho lĩnh vực này. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về lĩnh vực BĐG và VSTBPN.
Đã cho xây dựng 20 phóng sự chuyên đề về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tuyên truyền nhân tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng các nội dung và xuất bản tập san chuyên đề về bình đẳng giới và VSTBPN; Phối hợp với các Báo, Tạp chí xây dựng các chuyên trang về bình đẳng giới. Nhân bản in ấn 1.250 bộ tài liệu "Hướng dẫn làm việc với nam giới gây bạo lực" và 500 quyển "Sổ tay hướng dẫn công tác vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2017" phát cho sở, ngành, đơn vị, huyện trên toàn tỉnh Nghệ An.
Tổ chức các hoạt động truyền thông chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thu hút trên 78.051 lượt người tham gia. Nhân bản 43.582 tờ rơi, In ấn treo lắp 1367 băng rôn, Phối hợp Đài PT – TH tỉnh xây dựng 02 phóng sự, có140 tin bài phát trên đài TT - TH huyện, phát thanh phường, xã, khối, xóm. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 18 mô hình về bình đẳng giới tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, tổ chức 34 lớp tập huấn cho gần 5300 lượt cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp tỉnh, huyện tham gia, trong đó có 1060 lượt học viên là nam giới, với các nội dung: quản lý nhà nước về bình đẳng giới; lồng ghép giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, y tế và giáo dục đào tạo; kỹ năng truyền thông về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…
Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào đại biểu quốc hội, HĐND các cấp trong các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021, tỉnh đã tổ chức 6 cuộc hội thảo, 8 đợt tập huấn về nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ vận động bầu cử cho gần 2.000 nữ ứng cử viên tiềm năng; xây dựng các phóng sự với nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Nhân bản 800 cuốn Sổ tay "Cẩm nang dành cho nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện, xã"; 500 quyển tài liệu "Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị", 5.000 tờ áp phích truyền thông với nội dung ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp phát đến tận các tổ bầu cử...
Tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về Bình đẳng giới
Theo đó, Nghệ An tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ (BĐG và VSTBPN). Thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 29/5/2019 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng các kế hoạch, đề án trong đó chú trọng tới việc thúc đẩy tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm BĐG đối với nữ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng ở các cấp cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, còn tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu về BĐG trong chương trình của sở, ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hoàn thành 7 mục tiêu, 24 chỉ tiêu của Chương trình quốc gia về BĐG và VSTBPN giai đoạn 2011 – 2020.
Theo UBND tỉnh Nghệ An, kế hoạch trên có mục đích tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác BĐG và VSTBPN; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG và công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về BĐG và VSTBPN; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BĐG, đặc biệt là truyền thông thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị. Huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, phù hợp với yêu cầu quản lý của từng cấp, ngành, lĩnh vực, địa bàn đối với vấn đề BĐG và VSTBPN trên địa bàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các vấn đề trọng tâm về BĐG và các giải pháp mang tính chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2030.
Tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, Sở LĐTB&XH Nghệ An đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan tới công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Phối hợp tham mưu lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong chương trình công tác, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; phối hợp thực hiện công tác thống kê số liệu có tách biệt theo giới tính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Cơ quan thường trực Ban VSTBPN tỉnh hướng dẫn, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3; Ngày quốc tế hạnh phúc, Tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình; Ngày Gia đình Việt Nam; Tháng hành động vì trẻ em; phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thực hiện 01 phóng sự về kết quả công tác cán bộ nữ.
Tổ chức Hội thảo "Nội dung giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và đại biểu cơ quan dân cử cấp huyện" tại huyện Quỳnh Lưu với sự tham gia của Ban VSTBPN các huyện, thị lân cận và Ban VSTBPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đã phối hợp liên ngành, chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo về tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2020. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các mô hình BĐG như: "Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới", "Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ", "Câu lạc bộ nữ doanh nhân", "Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh"... Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tập huấn cho 250 cán bộ công đoàn huyện Tân Kỳ về công tác BĐG; tổ chức tập huấn về chính sách, pháp luật bình đẳng giới tại các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương.
Có thể khẳng định, công tác BĐG ở Nghệ An ngày càng được nâng cao chất lượng, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận; từ đó góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Trong những năm qua, Nghệ An đã có những bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về Bình đẳng giới. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 18/24 chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 -2020 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 30,8%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước; tăng tỷ lệ nam, nữ được tạo việc làm mới, tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật. Phổ cập biết chữ cho nam, nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đến nay đạt 99,7%"
"Chất lượng nguồn nhân lực nữ tăng lên với tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 16,6%,tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 48,5%; bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình ngày càng thực hiện tốt, từng bước ngăn ngừa và xóa bỏ bạo lực" – Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.