Việt Nam: Điểm sáng trong thực hiện bình đẳng giới
- Y học 360
- 21:54 - 28/08/2020
Điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ
Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2010.
Chặng đường gần 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã dần "cán đích" với những thành tựu rất quan trọng. Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Phụ nữ hiện đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng, Thứ trưởng. Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy.
Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của VCCI, hiện khoảng 45,6% lực lượng lao động xã hội là phụ nữ. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, được hỗ trợ việc làm trong nước liên tục tăng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 73% trong tổng số phụ nữ ở độ tuổi lao động, với tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ rơi vào khoảng là 1,85% (2017). Như vậy, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, các mô hình hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động nữ di cư tiếp tục phát huy hiệu quả. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số năm 2019, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Tính đến năm 2019, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 94,6%, tiến tới năm 2020, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ đạt 98%. Trong 20 năm qua, tỉ lệ biết đọc, biết viết của nữ tăng 7,7%; khoảng cách chênh lệch về tỉ lệ biết đọc, biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Tỉ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sĩ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sĩ là nữ giới.
Đặc biệt, trong những năm qua, tại các đấu trường thể thao lớn của khu vực và thế giới, các vận động viên (VĐV) nữ của Việt Nam làm rạng danh dân tộc với nhiều tấm huy chương danh giá, đại diện cho hình ảnh người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ như: VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên giành được 6 HCV và trở thành VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30 tại Philipine; đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng lần thứ 6 tại SEA Games 30; hay nữ VĐV Taekwondo Trần Hiếu Ngân, người dành tấm Huy chương Bạc đầu tiên cho Việt Nam tại đấu trường Ô-lym-píc...
Với chủ trương bình đẳng giới, trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng cơ chế chính sách khuyến khích các nữ doanh nhân làm chủ doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên toàn bộ các tỉnh, thành phố từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009, đến tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Theo xếp hạng năm 2018 của Liên hiệp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam đứng thứ 68 trong 162 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới. Theo chỉ số khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 17/12/2019, Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới.
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách giới
Mặc dù đã có những thành tựu trong bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới trên nhiều lĩnh vực, nhưng còn đó nhiều những thách thức và tồn tại. tính đến tháng 6/2019, tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới chỉ có 8 chỉ tiêu thống kê đã tiệm cận đạt, đạt và vượt so với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp. Về kinh tế - xã hội, cơ hội tìm việc làm có thu nhập cao của nữ còn khó khăn, lao động nữ dễ bị tổn thương khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Tác động tiêu cực của định kiến giới vẫn còn trong xã hội và gia đình, trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái… Bên cạnh đó, phụ nữ còn gặp nhiều vấn đề về bạo lực gia đình, nạn nhân của mua bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục…
Nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" – đàn ông chính là trụ cột gia đình, còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Chính vì suy nghĩ ấy, nhiều người phụ nữ suy nghĩ mình cần làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, hy sinh mọi thứ để người chồng có thể phát triển và xây dựng sự nghiệp. Điều ấy tạo nên những "rào cản" vô hình ngăn cách phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định bản thân và phát triển tài năng của chính mình. Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng ở cả nông thôn, thành thị, ở tất cả các vùng, miền.
Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.
Trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi về việc làm, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, sẽ tác động đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó những ngành thâm dụng công nghệ sẽ hưởng lợi, những ngành thâm dụng lao động sẽ gặp khó khăn. Mặc dù ngày nay, phụ nữ có nhiều cơ hội học hành, nâng cao trình độ, chuyên môn nhưng nếu không chủ động ứng phó thì khó cạnh tranh và tụt hậu sẽ xa hơn.
Hệ thống chính sách pháp luật hiện hành còn phải tiếp tục hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập và những khoảng trống trong thực hiện bình đẳng giới. Vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm lồng ghép nội dung bình đẳng giới mà còn xem xét những quy định về chế tài vi phạm, cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách và những dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế...
Yếu tố quan trọng để đảm bảo cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý chính là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, là sự tạo điều kiện của gia đình và sự nỗ lực phấn đấu trau dồi của bản thân cán bộ nữ… Đỉnh cao của một xã hội phát triển là tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của phụ nữ mà chính là quyền lợi chung của đất nước, cần chung sức tạo bước chuyển về nhận thức và hành động về bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững.
Với những rào cản và thách thức trên, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: "Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững và không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững".