THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Sập cống Hiệp Hòa 98 thanh niên bị vùi lấp: 40 năm nỗi đau còn đó

 

Cụ Nguyễn Thị Liên (mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến) bốn mươi năm héo mòn vì thương nhớ con.

Đại tang trên công trường

Cống Hiệp Hòa nằm ở thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Địa điểm này nằm cách thành phố Vinh khoảng 60 km về phía tây – bắc. Cống Hiệp Hòa – nằm trên hệ thống sông đào dẫn nước từ sông Lam ở bara Đô Lương, tưới cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu. Đây là vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ Tĩnh. Nếu không có công trình này, ruộng đồng các huyện phía dưới sẽ bị xâm nhập mặn khó có thể canh tác được.

Công trình thủy lợi này được xây theo thiết kế của Hoàng thân Xuvanuvong, hơn 530 km kênh mương, trong đó có hơn 50 km kênh chính. Đây là một công trình quy mô và phức tạp về mặt kỹ thuật. Công trình này do Pháp xây dựng, được khởi công vào năm 1934 và cơ bản hoàn thành vào năm 1937. Lúc khánh thành có sự tham dự của Vua Bảo Đại.

Cống Hiệp Hòa là một hạng mục phức tạp. Ở đây là một ngọn núi nhỏ nhưng đào xuống sâu lại là đất bùn nhão. Người ta quyết định bạt núi làm cống. Cống dài 180 mét, tròn, đường kính 3,8 mét, riêng phần cửa nhận nước rộng hơn 4 mét. Cống được làm bằng bê tông, độ dày khoảng 10 cm, không có cốt thép. Theo thiết kế, lưu lượng nước qua đây là 32,5 m3/s. Khi cống Hiệp Hòa được làm xong, đưa vào vận hành, cống được để lộ thiên. Sau đó người ta đổ đất lên, san phẳng để làm đường đi lại.

 

Cống Hiệp Hòa bây giờ nhỏ gọn yên bình.

Khi hoàn thành công trình thủy lợi này trên đất Nghệ An, người Pháp rất tự hào. Thế mà chính người Pháp là những người đầu tiên có ý định… phá cống. Số là vào cuối cuộc chiến tranh, người Pháp biết mình thua, buộc phải rút khỏi miền Bắc nên năm 1954, họ dùng bom nước để hủy hoại cống Hiệp Hòa nhưng không thành. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cống Hiệp Hòa là một trong những mục tiêu đánh phá. Phía Việt Nam cũng xem đây là công trình quan trọng cần phải bảo vệ. Nhiều trận chiến trên không ác liệt đã xảy ra ở đây. Mỹ đã ném xuống đây gần 100 quả bom; có hai lần (vào năm 1968 và năm 1972 ) bom rơi vào khu vực cống, gây hư hỏng đáng kể nhưng cống vẫn không bị phá hủy.

Ông Nguyễn Hoàng Cảnh, tổ Trưởng, Tổ vận hành Cống Hiệp Hòa cho biết: “Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An đặt ra rất bức thiết. Sau hơn 40 năm vận hành, lại trải qua nhiều lần bị đánh phá, cống bị lắng cặn, vào năm 1977 lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa rất yếu. Vấn đề sửa chữa và mở rộng cống là điều bắt buộc”.

Với tinh thần cách mạng của quê hương xô viết Nghệ Tĩnh, người ta đã huy động hàng ngàn thanh niên tới đây để làm việc. Để nạo vét, sửa chữa, mở rộng cống, đương nhiên là phải đào đất ngay bên cạnh cống có nước đang chảy. Người ta thiết lập 14 cái thang để đưa đất từ dưới lên. Chiều cao từ đáy cống lên mặt bằng đổ đất khoảng 80 mét. Như vậy, lúc này cống cũ không chỉ lộ thiên mà còn lộ cả một bên sườn (nơi sẽ làm cống mới bên cạnh rộng 4 mét).

Công việc này rất phức tạp, nặng nhọc và nguy hiểm (trong quá trình thi công, phát hiện và vô hiệu hóa 3 quả bom chưa nổ). Đã vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thành trong vòng 100 ngày để bảo đảm có đủ nước cho vụ đông – xuân và nước sinh hoạt cho dân.

Vào đầu tháng 1/1978, công việc sắp hoàn thành, người ta bắt đầu đổ bê tông thì cống sập; kéo theo sập cả bức tường đất được dựng lên tạm thời. Không khó để tưởng tượng ra cảnh hoảng loạn khi cả ngàn khối bê tông, đất đá đổ xuống vùi lấp hàng trăm người…

Nỗi đau không thể nguôi ngoai

Đã 40 năm trôi qua sau thảm họa sập cống Hiệp Hòa khiến 98 đoàn viên thanh niên bị vùi lấp đã hy sinh, giờ đây với nhiều người nỗi đau vẫn không thể nguôi ngoai. Nhiều người mẹ héo mòn vì thương nhớ con. Nhiều người cha vẫn ngỡ ngàng như chuyện mới xảy ra hôm qua.

Chúng tôi tìm về xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) – nơi có số thanh niên hi sinh nhiều nhất là 37 người. Những người dân luống tuổi của xã Cát Văn không bao giờ quên không khí tang tóc đêm 03/01/1978. 37 chiếc quan tài chuyển về chật kín sân kho, một số phải chuyển sang nơi khác. Xã quyết định chôn cất cả 37 người trên nghĩa địa rú Đụn với ý nghĩ sau này thành lập một nghĩa trang chung nếu họ được công nhận là liệt sĩ. Nhưng thời gian trôi, mọi thứ dường như rơi vào quên lãng, các gia đình lục tục đưa họ về với nghĩa trang gia đình.

Vợ chồng chị Trần Thị Lý kể lại thảm họa sập cống Hiệp Hòa và nỗi đau không thể nguôi ngoai.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Nhật Lý ở xóm 11, chồng của nạn nhân Bùi Thị Nga (sinh 1958, một trong những người hiếm hoi đã xây dựng gia đình). Ông Lý sinh năm 1954, năm 1972 đi bộ đội. Sau nhiều năm ở quân ngũ, ông về quê và cưới vợ. Mới về ở với nhau được 4 ngày thì bà Nga vĩnh viễn ra đi. Ông Lý bùi ngùi: “Tôi ở trong quân ngũ, trải qua chiến tranh nhưng vẫn trở về lành lặn. Ấy thế mà vợ tôi lại ra đi khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, lúc đó sụp đổ lắm…”. Có một điều an ủi là 4 năm sau, ông Lý xây dựng gia đình với bà Trần Thị Lý, một người chết đi sống lại trọng vụ sập cống Hiệp Hòa.

Bà Trần Thị Lý (SN 1959) đưa tay quệt nước mắt, nhớ lại: “Cả công trường chuẩn bị nghỉ thay ca và ăn trưa. Tổng đội Quỳnh Lưu vừa nghỉ, Tổng đội Thanh Chương làm rốn thêm tí nữa rồi nghỉ ăn trưa luôn. Cống sập nghe như tiếng bom. Tiếng la hét khắp nơi. Tui bị lấp, nhưng may là đứng sau thang, nên có cái thang chắn cho. Sau đó những người khác lấy cào sắt, đào đất ra tui hở được nửa người phía trên nên sống sót. Người chết nhiều, tội lắm…”

Cụ Nguyễn Thị Liên khóc thương bên mộ con gái.

Chúng tôi sang nhà bên cạnh là nhà của bà Nguyễn Thị Liên, mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến (bố của chị Tiến là ông Bùi Văn Điều đã mất). Bà Liên năm nay đã 87 tuổi, gầy gò, yếu đuối.Tuy vậy, bà vẫn đưa chúng tôi ra nghĩa trang, chỉ mộ của chị Tiến. Trở về nhà, bà đưa ảnh của chị Tiến ra lặng ngắm, mắt đăm đắm buồn, nỗi buồn thương trong mắt. Bà chỉ biết nhìn di ảnh con và nước mắt lặng lẽ rơi.

Bà Trần Thị Kim một người dân ở xóm 10 xã Cát Văn cho biết: “Lúc đó khoảng 10 giờ đêm họ đưa thi thể các nạn nhân về xã. Khi đó cả xã kéo đến sân kho của xóm 3. Quan tài để chật kín sân kho. Tiếng la hét, khóc than vang cả một vùng trời. Tội lắm…”

Ông Nguyễn Nhật Lý bên mộ người vợ mới cưới được bốn ngày thì tử nạn vì thảm họa sập cống Hiệp Hòa.

Ông Nguyễn Nhật Lý cho biết, năm ngoái 37 gia đình nạn nhân ở đây quyết định góp mỗi gia đình 100 ngàn đồng làm kinh phí để kêu gọi cơ quan chức năng quan tâm đến vụ việc sập cống Hiệp Hòa một cách thỏa đáng. Thân nhân của những người đã hi sinh không hài lòng với sự lạnh lẽo ở nơi 98 thanh niên ngã xuống. Họ cũng không thấy được an ủi khi mỗi tháng nhận được 540.000 đồng (năm trăm bốn mươi ngàn đồng), bằng với số tiền trợ cấp cho người khuyết tật.

Không thể trôi vào quên lãng 

Ông Hồ Như Hồng- Tổng chỉ huy công trình Cống Hiệp Hòa của Nghệ Tĩnh 40 năm về trước, đã lui về sống và bốc thuốc ở ngôi làng nổi tiếng nhất Việt Nam – Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ở tuổi gần 80, ông vẫn minh mẫn và tinh anh. Ông luyến tiếc và day dứt khi nói về sự kiện sập cống Hiệp Hòa. Ông công nhận là có sự chủ quan, duy ý chí và thiếu may mắn nên dẫn đến thảm họa. Chủ quan ở chỗ đã phát hiện ra vết nứt ở cống nhưng vẫn không đề phòng. Thiếu may mắn ở chỗ công việc đã sắp hoàn tất, chỉ cần 5, 6 tiếng đồng hồ nữa trôi qua là các khối bê tông được đổ xuống cứng rắn, vững chắc là thắng lợi.

Ông Hồ Như Hồng -Tổng chỉ huy công trình, đau đớn, day dứt vì thảm họa sập cống Hiệp Hòa.

Nhưng cống đã sập, người đã chết, ông Hồng đã bị kết án trong một phiên tòa mà cả nguyên cáo lẫn bị cáo đều khóc. Ông Hồng bị tù nhiều nhất - 6 năm (nhiều gấp 3 lần 2 người bị phạt tù khác). Hôm xảy ra thảm họa, ông Hồng có mặt ở hiện trường, ông vừa rời cống khoảng 100 mét thì cống sập, ông ngất đi. Tỉnh dậy, ông quyết định cho công bố số lượng nạn nhân. Dù được can ngăn (sợ bị người nhà nạn nhân hành hung) nhưng ông vẫn đến tận nhà một số nạn nhân thăm hỏi, tặng chăn… 40 đã trôi qua nhưng ông vẫn đau đớn.

Cống Hiệp Hòa hiện nay trông gọn nhỏ, nằm yên bình giữa vùng bán sơn địa đầy cây xanh. Đường dẫn vào cống cũng chính là bờ của sông đào, rộng rãi, thoáng đãng. Bên cạnh cống là ngôi nhà làm việc của tổ bảo vệ, vận hành cống, trạm, đê… Dòng nước chảy qua đây với lưu lượng 29m3/s; trên cũng như dưới cống nước đều trong xanh.

Chiếc am nhỏ do vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Cảnh lập nên để thắp hương cho các linh hồn đỡ lạnh lẽo.

Chỉ có điều ở nơi này thường vắng vẻ. Ngoài 5 thành viên của tổ thủy lợi ra (2 nam, 3 nữa), ít khi có người qua lại nơi này, mặc dù phong cảnh nơi này khá đẹp và trữ tình. Duy có một cái am nhỏ đặt ở lưng chừng đồi nhắc lại sự đau thương, mất mát và khiến người ta rùng mình vì những suy tưởng liên quan đến tâm linh.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội Nghệ An cho biết: “Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã truy tặng Bằng ghi công cho những người tử nạn tại cống Hiệp Hòa và trợ cấp cho mỗi gia đình 6 kg gạo/tháng. Đến năm 2001, UBND tỉnh Nghệ An quyết định cho thân nhân người mất được hưởng chế độ bằng mức trợ cấp xã hội (hiện nay là 540.000 đồng/tháng/người tử nạn). Việc công nhận liệt sĩ cho những người này là không đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc lập một nhà bia tưởng nhớ họ ngay tại cống Hiệp Hòa là rất nên làm, nhưng việc này không nằm trong thẩm quyền của Sở Lao động-Thương binh và xã hội”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh