THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:09

Nghệ An: Quỹ quốc gia về việc làm giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thiện (thôn Lam Trà, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) từng là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã mạnh dạn vay vốn để triển khai mô hình chăn nuôi gia súc.Năm 2009, gia đình chị Thiện vay của NHCSXH huyện Con Cuông 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo để đầu tư nuôi 7 con lợn giống và lợn thịt.  Từ nguồn vốn vay ban đầu cộng với sự cần cù, siêng năng của cả gia đình, đàn lợn của gia đình chị phát triển rất tốt. Sau mô hình chăn nuôi lợn thành công, chị tiếp tục được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình chị đã mang lại hiệu quả cao, có thời điểm đàn lợn trong chuồng lên đến 50 con. Nhờ vậy,  đời sống gia đình chị đã được cải thiện, từ hộ nghèo của xã, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả

Một trường hợp khác cũng ở thôn Lam Trà  là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Trung đã “khởi nghiệp”  với mô hình trồng cam nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Từ nguồn hỗ trợ ban đầu của nhà nước là 50 gốc cam, đến nay, gia đình anh mở rộng diện tích trồng cam tới gần 3 ha, thu hoạch mỗi mùa 5-6 tấn, trừ mọi chi phí còn thu lãi về trên 200 triệu đồng…

Gia đình chị Thiện, anh Trung chỉ là hai trong số rất nhiều hộ gia đình ở Nghệ An sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, số nguồn vốn cho vay năm 2016 là 53.662 triệu đồng, năm 2017 là 65.465 triệu đồng và 8 tháng đầu năm 2018 là 54.544 triệu đồng. Kết quả đạt được từ hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm từ năm 2016 đến hết 31/8/2018 là đã hỗ trợ cho vay 5.261 dự án vay vốn của cá nhân, tổ chức và góp phần giải quyết việc làm cho 5.554 người lao động. Trong đó, chủ yếu là cho vay vốn theo hộ gia đình, chỉ có một số rất ít cho vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh. Đối tượng cho vay tập trung nhiều vào người dân tộc thiểu số và các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mức vay vốn bình quân của các hộ gia đình giao động từ 25 – 35 triệu đồng/dự án. Mục đích sử dụng vốn được phân theo từng vùng miền: đối với các huyện miền núi, chủ yếu cho vay chăn nuôi gia súc và đại gia súc, trồng rừng; các huyện đồng bằng có thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; vùng ven biển cho vay mua sắm ngư cụ, nuôi trồng thủy – hải sản; vùng thành, thị cho vay mở rộng kinh doanh dịch vụ.  

Hàng năm, tỉnh Nghệ An đều thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, đánh giá hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Công tác quản lý cho vay, thu hồi nợ được thực hiện nghiêm túc, việc giám sát sử dụng vốn. Nhờ đó đảm bảo Quỹ quốc gia về việc làm phát huy được hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ mở rộng mô hình chăn nuôi từ nguồn tín dụng hỗ trợ tạo việc làm

 

Công tác cho vay vốn tại các huyện nghèo miền núi còn gặp nhiều khó khăn

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, mặc dù, trong giai đoạn 2016 – 2018 doanh số cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm của tỉnh đều tăng và vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm tại các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn tương đối lớn trong khi đó nguồn vốn được phân bổ hàng năm có hạn và việc tìm kiếm các nguồn khác để bổ sung cho vay cũng khó khăn. Số lượng nhu cầu vay vốn của người lao động tập trung nhiều để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Riêng nhu cầu hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hạn chế hơn do một số lao động không đủ điều kiện vay vốn; một số có tâm lý e ngại trong việc vay vốn; một số trường hợp khác người lao động tự túc được chi phí nên không có nhu cầu vay ngân hàng.

 Bên cạnh đó, công tác cho vay vốn tại các huyện nghèo vùng miền núi cũng gặp một số hạn chế, khó khăn như:  Việc di cư tự do của đồng bào Mông tại một số xã vùng giới gây ra nhiều khó khăn trong quản lý nợ; Mặt bằng dân trí, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; mạng lưới thú y va hệ thống phòng dịch còn yếu; việc lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn với hoạt động tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm chưa đồng bộ làm hạn chế hiệu quả vốn vay; Hiệu quả tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thay đổi một số tập quán sinh hoạt, tư duy sản xuất chưa thực sự rõ nét. Một bộ phận khá lớn còn chậm thay đổi về nếp nghĩ, cách làm, thậm chí còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh