Nghệ An: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với An sinh xã hội
- Dược liệu
- 01:39 - 26/04/2020
Đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng bị ảnh hưởng nặng nề, song công tác hỗ trợ an sinh xã hội vẫn luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu. Thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. PV Báo Lao động và xã hội đã có buổi làm việc với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ về vấn đề này.
PV: Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã có những biện pháp và quy trình thực hiện như thế nào?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Lao động - TB và XH tỉnh Nghệ An đã chủ động rà soát, thống kê các số liệu liên quan; đồng thời, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các dự thảo văn bản được Bộ Lao động - TB và XH gửi để kịp thời tham mưu tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh ngay khi có văn bản chính thức của Trung ương. Các đối tượng được hỗ trợ dự kiến như sau:
Một: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.
Trên cơ sở Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động - TB và XH, Sở Lao động - TB và XH Nghệ An đã ban hành văn bản số 906/LĐTBXH-LĐ ngày 03/4/2020 hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch Covid-19 gây ra. Khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ có số liệu chính xác của nhóm đối tượng nêu trên.
Hai: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Ba:Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01/4/2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
Bốn: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm: người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa…). Hiện nay, tỉnh Nghệ An cũng đang rất quan tâm đối tượng này vì theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ quy định ngân sách địa phương phải tự cân đối, trung ương không hỗ trợ.
Năm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần. Quy trình thực hiện: Phòng Lao động - TB và XH lập danh sách đối tượng được hỗ trợ gửi Sở Lao động - TB và XH kiểm tra, phê duyệt; thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.Tổng đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là: 70.579 người; tổng số tiền hỗ trợ: 105.868.500.000 đồng.
Sáu: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần. Đối với đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cơ sở trợ giúp xã hội: Thủ trưởng cơ sở trợ giúp xã hội rà soát, lập danh sách đối tượng hỗ trợ gửi cơ quan quản lý (UBND cấp huyện hoặc Sở Lao động - TB và XH) xem xét, quyết định hỗ trợ; thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện. Tổng số đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 133.637 người; tổng số tiền hỗ trợ 200.455.500.000 đồng.
Bảy: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần. Quy trình thực hiện: UBND cấp xã trên cơ sở giấy đề nghị của hộ nghèo, hộ cận nghèo để rà soát, lập danh sách trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ; UBND cấp xã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng. Tổng số khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo là: 485.298 khẩu; trong đó: số khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội hàng tháng là: 8.767 khẩu (sẽ hưởng hỗ trợ theo nhóm đối tượng NCC, BTXH). Tổng số tiền hỗ trợ 357.398.250.000 đồng.
Đến nay, dự kiến tổng số kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo là: 663,722 tỷ đồng
PV: Ông cho biết thêm về việc thực hiện các chính sách khác theo NQ 42/NQ-CP của Chính phủ tại Nghệ An?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Vào ngày ngày 06/4/2020 liên ngành gồm Sở Lao động - TBXH, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 604/HDLN-BHXH-LĐTBXH-TC về hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid - 19. Đến ngày 14/4/2020, đã có 56 doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất .
Sở Lao động - TB và XH Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh về việc người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND cấp xã về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Đến thời điểm này, chưa có văn bản chính thức của Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 thì quy trình, thủ tục triển khai sẽ được tiến hành từ cơ sở; phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; coi trọng sự giám sát thực hiện của MTTQ Việt Nam, các thành viên của Mặt trận và giám sát của HĐND các cấp, đặc biệt là sự giám sát của Nhân dân.
Cần tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội do đại dịch Covid-19; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ và thực hiện của Nhân dân.
PV: Ông cho biết thêm về cách thức tổ chức thực hiện như thế nào?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Trên cơ sở dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; trách nhiệm tổ chức thực hiện của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các cấp cụ thể ở Nghệ An như sau:
Đối với ngành Lao động - TB và XH: Tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thực hiện nhiệm vụ liên quan hồ sơ đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đối với ngành Tài chính Nghệ An: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí của tỉnh và đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định. Căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, chuyển tiền cho doanh nghiệp để thanh toán tiền hỗ trợ cho người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương (người sử dụng lao động quy mô từ 100 lao động trở lên). Hướng dẫn việc thanh quyết toán ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Đối với Bưu điện tỉnh Nghệ An: Căn cứ danh sách hỗ trợ người có công được Sở Lao động - TB và XH phê duyệt; Quyết định của UBND cấp huyện hỗ trợ đối tượng BTXH để tổ chức chi trả chế độ hỗ trợ đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội khi có kinh phí.
Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An: Thực hiện thủ tục tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động và người lao động theo quy định. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Nghệ An: Chủ trì hướng dẫn và thực hiện các thủ tục có liên quan để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Đối với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: Thực hiện thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo quy định.
Đối với Sở Thông tin và truyền thông: Tham mưu, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan, địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi được ban hành. Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn các chế độ, chính sách theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi được ban hành. Chủ trì xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ theo thẩm quyền quy định và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
PV: Theo ông có những vấn đề gì đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện chính sách không?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là cấp thiết, kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị; do vậy, cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể. Để kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - TB và XH Nghệ An đề xuất một số nội dung sau:
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (ban hành sớm sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương).
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và đơn vị liên quan chủ động để chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ gắn với trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP được UBND tỉnh phân công; đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ thẩm định để quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền quyết định về các chính sách hỗ trợ.
UBND cấp huyện và cấp xã chuẩn bị về nhân lực và các điều kiện liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ; chủ động thống kê, lập danh sách cụ thể đối với các đối tượng được hỗ trợ, rà soát không để xảy ra trùng lặp đối tượng, nhất là tại cấp xã.
Bưu điện phối hợp chặt chẽ để chi trả kịp thời tiền hỗ trợ người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội. Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên; HĐND các cấp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ; đồng thời, đề cao vai trò giám sát của Nhân dân, nhất là tại cấp cơ sở.
Là tỉnh có số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ lớn, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, sau khi cân đối nếu chưa đảm bảo được ngân sách của địa phương thì đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ, bổ sung để đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đề nghị Bộ Lao động - TB và XH phối hợp với các cơ quan có chức năng của các nước như Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Căm-pu-chia trong việc kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam với các doanh nghiệp dịch vụ lao động của Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Căm-pu-chia để hợp tác cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép mở rộng đối tượng người lao động ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng dịch Covid-19 được vay vốn để tạo việc làm từ nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng chính sách tỉnh (hiện nay chỉ mới quy định đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người có công với cách mạng; dân tộc thiểu số; hộ bị thu hồi đất - Quyết định 69/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An).
Xin cảm ơn ông!