CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Nỗi niềm phóng viên mất việc

 

Sầm Thị Thanh và Sầm Ngọc Tăng buồn bã khi nói về việc không được bố trí công việc.

Bỗng dưng mất việc

Năm 2008, Sầm Thị Thanh(SN 1982), quê xã Mường Nọc, huyện Quế Phong(Nghệ An), tốt nghiệp khoa báo chí, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2010, Thanh được Đài truyền hình(TP-TH) Nghệ An, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn về công tác tại Đài truyền thanh và truyền hình huyện Quế Phong.

Năm 2011, đài TH-TH các huyện được bàn giao về cấp huyện quản lí. Từ đó cho đến nay, mặc dầu chỉ được hưởng một mức lương gần 3 triệu đồng, nhưng vì đam mê nghề nghiệp, Thanh vẫn không ngừng phấn đấu, lửa nghề vẫn hừng hực trong tim. Điều đó được chứng minh bằng các giải thưởng báo chí tại các cuộc thi. Năm 2010, Sầm Thị Thanh, đạt giải Bạc phóng sự “Mế Tiên”, tại liên hoan PT-TH, Năm 2011, Thanh cũng đạt giải Bạc phóng sự “người gác rừng”, tại liên hoan phát thanh truyền hỉnh tỉnh Nghệ An. Giải khuyến khích thì hầu như năm nào cũng đạt.

Đang công tác yên ổn, thì bỗng dưng từ đầu năm ngoái, Thanh và một đồng nghiệp nữa đang công tác tại đài là Sầm Ngọc Tăng, được thông báo là không bố trí việc làm cho hai người nữa.

Sầm Thị Thanh, buồn bã: “Đi làm thì lương thấp, vất vả, nhưng vì niềm đam mê ngay từ khi đang học đại học. Nay về công tác lại càng mê hơn, nên không muốn nghỉ việc. Thế mà nay đài cho biết không bố trí công việc cho hai chị em nữa, em buồn lắm. Làm việc gì thì cũng thu nhập được ba triệu một tháng. Nhưng em vẫn chọn nghề báo dù thấp hơn đi nữa”.

Sầm Thị Thanh đã bật khóc khi nói về niềm đam mê báo chí.

Cũng như Sầm Thị Thanh, Sầm Ngọc Tăng(Sn 1986), cũng về Đài TT-TH cùng Thời điểm với Thanh và hợp đồng cũng tương tự. Giờ cũng không được bố trí công việc. Sầm Ngọc Tăng, nói: “Đầu năm 2017, Trưởng đài gọi hai chị em lên, nói: Bây giờ các em có muốn làm tự nguyện thì làm, hưởng nhuận bút thôi. Đài không bố trí công việc cho các em nữa, cũng không có tiền trả lương cho các em đâu. Em cũng không biết làm sao nữa, vợ em làm giáo viên hợp đồng lương còm cõi. Nhưng vì đam mê và vì cuộc sống nên em vẫn làm, nhuận bút thì mỗi tháng được hơn một triệu, đóng bảo hiểm là hết. Nhưng mà may mắn, cuối năm ngoái, Chủ tịch huyện vẫn vận dụng, bố trí trả lương cho bọn em cả năm, nhận một lần vào cuối năm. Còn năm nay thì từ đầu năm tới giờ chưa có đồng lương nào, không biết cuối năm thế nào”.

Cùng chung số phận như Thanh và Tăng, 4 PV kiêm biên tập viên và phát thanh viên (PTV) Đài TT-TH Quỳ Hợp, cũng bị chấm dứt hợp đồng lao động, hết sức bất ngờ khiến họ “trở tay không kịp”. Tháng 3/2011, 4 người gồm: Nguyễn Thị Hợp, Phan Thị Giang, Hồ Thị Nguyệt, Cao Thị Trâm Anh được Đài PT-TH Nghệ An ký hợp đồng loa động không xác định thời hạn với chức danh chuyên môn là PV, làm việc tại Đài TT-TH Quỳ Hợp.

Đến tháng 11/2011, Đài TT-TH Quỳ Hợp được bàn giao về cho UBND huyện Quỳ Hợp quản lý theo Quyết định số 2456 của UBND tỉnh Nghệ An và họ được phân công đúng chuyên môn, nghiệp vụ, hưởng một mức lương cố định theo hệ số thấp nhất là 2,06 cao nhất là 2,34 (từ 2,5-2,8 triệu đồng người/tháng).

Thông báo chấm dứt HĐLĐ của PV Phan Thị Giang.

 Ngày 1/1/2018, khi bị cơ quan thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, cả 4 người này bị sốc vì bất ngờ. Nguyễn Thị Hợp, người có thâm niên công tác nhiều nhất buồn bã nói: “Tôi được đài tỉnh hợp đồng từ năm 2009, nay bị mất việc ở tuổi 35 khiến tôi rất khó khăn để tìm công việc mới”. Phan Thị Giang (quê ở Quỳnh Lưu, chồng đang công tác ở ngoài đảo), lo lắng: “Vợ chồng em mỗi người một nơi, mẹ con em đang ở tại khu tập thể của cơ quan. Sắp tới không việc làm, chắc em phải cuốn gói về quê”.

Ngày 14/12/2017, UBND huyện Quỳ Hợp có công văn gửi các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thực hiện chỉ đạo tinh giản biến chế của UBND tỉnh Nghệ An. Sau hơn 2 tuần nhận công văn, Trưởng đài TT-TH huyện Quỳ Hợp là ông Hà Huy Nhâm đã ký Thông báo chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 1/1/2018 đối với 4 PV nói trên.

Ông Nhâm cho biết: Do hết năm 2016, tỉnh không cấp ngân sách cho 4 hợp đồng của đài tỉnh như trước đây. Sang năm 2017, đài phải lấy ngân sách chi thường xuyên của cơ quan để chi trả lương cho 4 PV này. Năm 2018, UBND huyện vẫn cấp ngân sách hỗ trợ nhưng do tỉnh chỉ giao cho đài 9 biên chế không có 4 hợp đồng nên làm khi thủ tục để rút tiền trả lương cho PV kho bạc huyện không giải ngân được. Ông Nhâm còn khẳng định, theo quy định thì ai ký HĐLĐ thì người đó ký chấm dứt hợp đồng nhưng tại văn bản của huyện gửi, trách nhiệm chấm dứt HĐLĐ thuộc thủ trưởng các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp (hiện tại) nên ông phải ký thông báo chấm dứt HĐLĐ.

Sẽ kiện ra tòa

Năm 2011, sau khi bàn giao các đài TT-TH cấp huyện về giao huyện quản lí thì có tới hơn 100 phóng viên, biên tập viên và phát thanh viên diện hợp đồng lao động không xác định thời hạn doa Đài PT-TH Nghệ An ký kết. Hiện nay hầu hết các đài TT-TH, rất lúng túng, không có cách gì giải quyết. Hầu hết các phóng viên, biên tập viên và phát thanh viên nằm trong diện này, khẳng định sẽ khởi kiện ra tòa nếu bị chấm dứt hợp đồng không đúng theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp hai phóng viên Sầm Thị Thanh và Sầm Ngọc Tăng, tại Đài TT-TH Quế Phong, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Quy định là vậy, nhưng hiện tại ở Đài TT-TH Quế Phong, chỉ có 9 nhân viên/10 nhân viên theo quy định. Huyện đang xem xét, nghiên cứu để có cách giải quyết hợp lí. Trong trường hợp có chỉ tiêu tuyển sẽ ưu tiên hai người này đầu tiên”.

Còn 4 PV của Đài TT-TH Quỳ Hợp, là những nhân tố chủ chốt trong hoạt động tác nghiệp sản xuất tin bài của đài và cổng thông tin của huyện. Sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, 4 PV đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 3/4/2018, UBND tỉnh có công văn giao UBND huyện giải quyết. Lúng túng trong xử lý việc chấm dứt 4 hợp đồng lao động, ngày 16/4/2018, UBND huyện Quỳ Hợp gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở nội vụ.

Các PV bị chấm dứt hợp đồng lao động tại Đài TT-TH Quỳ Hợp, trao đổi với chúng tôi.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Đây là việc nằm ngoài thẩm quyền của UBND huyện. Hiện nhu cầu huyện đang rất cần phóng viên nhưng huyện không thể ký lại hợp đồng với họ vì không được phép”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tất Tiềm, Phó Trưởng phòng Tổ chức biên chế (Sở Nội vụ Nghệ An), cho rằng: “Việc giải quyết khiếu nại của 4 người này thuộc thẩm quyền là UBND huyện. Nếu tiếp tục duy trì HĐLĐ cũ với 4 người này thì vẫn có giá trị còn việc ký hợp đồng mới thì theo quy định của Chính phủ là không được phép”.

Dù không được bỗ trí công việc, nhưng Sầm Ngọc Tăng vẫn lặn lội đi cơ sở để tác nghiệp.

Bà Hoàng Thu Hương, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, cho biết, Công đoàn đã nhận đơn của 4 PV này. Công đoàn sẽ hỗ trợ pháp lý để người lao động kiện ra tòa án cấp huyện về việc chấm dứt hợp đồng không đúng căn cứ pháp luật lao động. “Chúng tôi chỉ xét đến tính hiệu lực của bản hợp đồng không xác định thời hạn, thông báo chấm dứt hợp đồng không rõ ràng, không phù hợp với quy định của luật lao động. Việc khởi kiện sẽ theo hướng đề nghị hủy thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, bố trí lại công việc như hiệu lực hợp đồng đã ký trước đây và đòi lại quyền lợi của người lao động bị thiệt hại do việc bị chấm dứt hợp đồng” – bà Hoàng Thu Hương cho biết thêm.

Đam mê là vậy, với đồng lương ít ỏi vẫn rừng rực lửa nghề, thế nhưng những đồng nghiệp của chúng tôi vẫn rất khó có cơ hội để được chiến đấu với nghề.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh