THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:24

Nghệ An: Nhiều doanh nghiệp coi thường an toàn lao động

 

Bất chấp vì lợi nhuận

Không dây an toàn, không bảo hộ lao động, ngồi, leo trèo trên vách đá… Đó là những cảnh tượng tại hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng mà chúng tôi chứng kiến tại nhiều địa phương như Anh Sơn, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Đô Lương, Yên Thành... 

Mỏ đá được khai thác theo quy trình "tùm lum", nơi nào dễ thì khai thác trước

Nằm giữa khu dân cư, ngay giữa thị xã Hoàng Mai là mỏ đá Lèn Chùa của Công ty TNHH Thanh Xuân. Theo thiết kế được các cơ quan chức năng phê duyệt phải khai thác theo hướng bóc dần từ đỉnh mỏ xuống nhưng tại đây vẫn khai thác theo kiểu chỗ thì đào sâu hơn đường hàng chục mét. Nhưng có chỗ vẫn còn là một đỉnh núi.

Phải rất vất vả chúng tôi mới tiếp cận được với các công nhân ở trên đỉnh núi. Họ đang làm việc trong tình trạng sử dụng dây an toàn và bảo hộ lao động rất sơ sài, bên cạnh là những hố sâu và hồ nước sâu do chính công ty này khai thác tạo nên. Khi hỏi về an toàn lao động, một công nhân ngơ ngác: "Ri là an toàn rồi, trước đến giừ cũng làm ri có chi mô...". Nhiều công nhân khác khi được hỏi cũng đều lắc đầu không hiểu.

Nơi thì núi đá cao, nơi là hồ nước sâu (do đơn vị khai thác tạo nên)

Liên hệ với Giám đốc công ty, ông trả lời: "Các anh phải báo trước khi đến kiểm tra thì chúng tôi mới tiếp được chứ. Đến đột ngột thế này làm sao cung cấp được thông tin".

Nguy hiểm rình rập tại mỏ đá của Công ty Thanh Xuân

Ông Vũ Văn Từ, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai-Nghệ An) cho biết: "Công ty Thanh Xuân hoạt động mạnh từ năm 2007. Trước đây dân hay kêu nổ mìn đá bay vào nhà hư hỏng đồ đạc. Tai nạn lao động thì cũng có nhưng nhẹ thôi. Từ trước tới giờ mới chết có ba người thôi?".

Ngoài mỏ đá của Công ty Thanh Xuân thì các mỏ đá của các Công ty Long Thành, Xuân Quỳnh, thuộc phường Quỳnh Dị và nhiều mỏ đá khác tại Hoàng Mai đều nằm trọng tình trạng như trên.Tại huyện Anh Sơn, mỏ đá xóm Nhân Tiến, thuộc công ty CP SX vật liệu XD Hưng Phúc được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác lần đầu vào năm 2008 với thời hạn 05 năm. Sau khi hết hạn thì đơn vị này lại xin cấp tiếp vào năm 2014 với thời hạn đến năm 2023, sau đó tiếp tục thay đổi thời hạn khai thác đến tận năm 2033 với diện tích trên 8,2ha.  Đây là một mỏ đá có quy mô rộng, trữ lượng đá lớn, bao gồm cả đá xây dựng và đá ốp lát đen có chất lượng khá tốt. Khu mỏ này nằm sát bên đường liên xã từ Cẩm Sơn đến Hoa Sơn và thị trấn Anh Sơn.

Tuy nhiên, quá trình khai thác, chế biến đá đơn vị này đã không một chút quan tâm đến vấn đề an toàn lao động. Đầu tiên phải kể đến quy trình khai thác đá tại đây đã để lộ những vỉa đá treo trông rất nguy hiểm. Những vỉa đá hàm ếch chĩa ra như sẵn sàng đổ sập xuống phía dưới lúc nào không hay. Và, thực tế đá tự sụt, lăn xuống phía dưới đã diễn ra nhiều lần tại khu mỏ này. Theo quan sát của PV, khu mỏ nói trên có nhiều quả đồi, trong đó, quả đồi phía trong chủ yếu được Công ty Hưng Phúc tiến hành khai thác đá xây dựng như đá hộc, đá bây, đá 1x2; 2x4; 4x6… Còn khu phía gần đường thì chủ yếu tiến hành khai thác đá khối để đưa vào 02 xưởng cưa xẻ mới được xây dựng ngay dưới chân mỏ. Việc khai thác theo hình thức bạt từ dưới chân lèn lên khiến cho những vỉa đá treo hình thành chênh vênh trên vách núi trông rất nguy hiểm. Hơn nữa, những hòn đá lớn treo thành hình hàm ếch, trong khi hàng chục công nhân làm việc ngay phía dưới khiến cho ai chứng kiến cảnh tượng này không khỏi giật mình, nổi gai ốc.

Địa phương chưa quan tâm?
Chứng kiến cảnh tượng phía trên là những tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh, phía dưới những tốp công nhân, thợ khoan vẫn vô tư làm việc mà không biết rằng tử thần đang treo lơ lửng trên đầu mình. Khi tìm hiểu vì sao chủ mỏ lại khai thác ngược như vậy được biết nếu làm theo đúng quy trình thì phải bỏ chi phí đầu tư lớn, tốn thời gian.

Nhiều công nhân cược mạng sống của mình tại mỏ đá của Công ty Hưng Phúc.

Khi được hỏi về tình hình an toàn lao động, Trưởng phòng LĐ-TB&XH  thị xã Hoàng Mai  Nguyễn Văn Bắc cho biết: "Tôi mới lên làm trưởng phòng nên cũng chư nắm được gì". Ông Bắc, gọi một chuyên viên thường làm thành viên các đoàn liên ngành đi kiểm tra. Khi hỏi về an toàn lao động tại các mỏ đá thì được trả lời: "Cái đó tỉnh và ngoài bộ làm cả, bọn tôi có đi cùng nhưng...".  Như thế có thể thấy, cơ quan chức năng như phòng LĐ-TB&XH Hoàng Mai chưa chú trọng vấn đề an toàn lao động.

Các phiến đá treo lơ lửng có thể rơi bất kỳ lúc nào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tuấn Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: "Về an toàn lao động thì chúng tôi vẫn đốc thúc anh em kiểm tra và xử lí thường xuyên. Về chết người tại Công ty Thanh Xuân là không có đâu. Sắp tới chúng tôi sẽ làm mạnh vấn đề này".

Ông Đậu Xuân Phú – Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho hay: “Chúng tôi đã nhận được văn bản của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cũng như của UBND huyện Anh Sơn về việc đình chỉ hoạt động của công ty này. Hiện Công ty Hưng Phúc vẫn đang hoạt động bình thường và chúng tôi sẽ giám sát an toàn lao động cũng như tiến độ thực hiện khắc phục những tồn tại của đơn vị nói trên”.

Công nhân làm việc tại công ty Hưng Phúc, hết sức thờ ơ với an toàn lao động.

Không chỉ ở Hoàng Mai và Anh Sơn mà nhiều địa phương khác vấn đề an toàn lao động đều có tình trạng tương tự, như mỏ đá của Công ty CP xây lắp và sản xuất vật liệu 99 khai thác tại lèn Mười Hai Thung, thuộc xã Trù Sơn (Đô Lương) cũng bất chấp quy trình khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt ban đầu. Mặc dù được cấp phép khai thác 10 năm (2013 – 2023) với diện tích 20 ha nhưng vẫn chọn hướng khai thác theo kiểu “ăn xổi”, không đầu tư cho an toàn lao động. Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương khai thác tại mỏ đá Lèn Khùa, xã Giang Sơn Tây cũng ở tình trạng như trên. Ngoài ra, ở một địa bàn như Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quỳ Châu… cũng có không ít mỏ đá hoạt động chui lủi mà các cơ quan chức năng không hề hay biết về quy trình khai thác của họ. 

Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo huyện Anh Sơn, rất nhiều lần nhưng Phó chủ tịch UNBD huyện khất lần mãi.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh