THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Nghệ An: “Cú hích” từ các Chính sách giảm nghèo

"Cú hích" từ các Chính sách giảm nghèo

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500 km2 ), dân số hơn 3,2 triệu người, trong đó: dân số trong độ tuổi lao động có trên 1,8 triệu người; đồng bào các dân tộc thiểu số có 466.137 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh, gồm 5 dân tộc có dân số đông: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Toàn tỉnh có 21 huyện, thành phố, thị xã; số xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập còn 460 đơn vị cấp xã; trong đó: có 27 xã biên giới với 419 km đường biên tiếp giáp với Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Nghệ An: “Cú hích” từ các Chính sách giảm nghèo - Ảnh 1.

Cây chè thoát nghèo của huyện miền núi Nghệ An

Có 03 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huyện Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 275/QĐ-TTg). Có 94 xã đặc biệt khó khăn và 193 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Năm 2016, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ- TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau", UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm, quản lý thực hiện Chương trình cụ thể cho các thành viên, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 và các văn bản chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đảm bảo đầy đủ, đúng các quy định của Trương ương, tạo thành hệ thống văn bản quản lý điều hành thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã.

Hàng năm, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An ban hành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo cho UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện… Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện cho các huyện và các xã nghèo có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển sản xuất, tăng hiệu suất sử dụng thời gian lao động cho nhân dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Tạo được sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã nghèo thuộc 6 huyện được nâng lên rõ nét. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo tại 44 xã thụ hưởng chính sách giảm 5,43%/năm (giảm từ 44,08% đầu năm 2016 xuống còn 22,36% cuối năm 2019), dự kiến đến cuối năm 2020 còn 18,13%, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo chung toàn tỉnh.

Giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững

Nghệ An cùng với các tỉnh thành trong cả nước thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và Chương trình giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2016-2020. Chính sách giảm nghèo, GQVL luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Đặc biệt, với các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... đều có chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên, được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp sát thực mang lại hiệu quả cao, giúp các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh thay đổi, giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải thiện đáng kể điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân.

Ngân sách Nhà nước đầu tư thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo Trung ương ban hành: 16.982,097 tỷ đồng bao gồm: Chương trình 30a, hỗ trợ đầu tư các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; Chương trình 135, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông về giảm nghèo; nâng cao năng lực; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo, người cận nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý cho người nghèo....

Nghệ An: “Cú hích” từ các Chính sách giảm nghèo - Ảnh 2.

Hỗ trợ bò cho người dân thoát nghèo

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Nghệ An đã giảm được hàng nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 12,10% năm 2016 giảm xuống còn 3,0% cuối năm 2020. Người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng đầy đủ và tốt hơn, 100% khẩu cận nghèo được mua bảo hiểm y tế, 95% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin truyền thông. Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ xây nhà ở cho 7.774 hộ nghèo, số kinh phí thực hiện 410.559 triệu đồng.

Được biết, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều…

Với dự án Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Chương trình 30a, từ năm 2016 đến hết năm 2019, Nghệ An đã đưa 2.123 lao động của các xã nghèo thuộc 6 huyện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 395 lao động thuộc diện hộ nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là: 2.558 triệu đồng.

Thông qua các chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ Trung ương, cơ chế của tỉnh và cùng với việc tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu vận động xã hội hóa huy động các nguồn lực. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo trong 5 năm đạt: 17.661,387 tỷ đồng (chưa tính đến nguồn lực của nhân dân tự bỏ vốn).

Chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã có 246/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 59,85%) và 104 thôn, bản đạt chuẩn theo tiêu chí của tỉnh; có 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là: thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành. Điểm nổi bật là đã có 8 xã thuộc các huyện nghèo về đích NTM gồm: Tương Dương 5 xã, Kỳ Sơn 1, Quế Phong 1, Quỳ Châu 1.

Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin); góp phần hoàn thành mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII đề ra.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Với những kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 2,0%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch. Vấn đề GQVL, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,5 lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường; các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn".

Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đảm bảo cho mọi người dân, nhất là người nghèo có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ những thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hoá, giáo dục, y tế, hệ thống thông tin, an sinh xã hội... góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống của nhân dân giữa các vùng miền, giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2 - 3%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Nghệ An đến cuối năm 2025, xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo 100% hộ dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và hệ thống thông tin, tiếp cận việc làm. Xây dựng và nhân diện rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gắn với giảm nghèo bền vững..." - Giám đốc Đoàn Hồng Vũ cho biết thêm.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh