THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:18

Nghệ An: Chăm lo cho người khuyết tật

Trong những năm qua, công tác giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Các cấp, các ngành, cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật; tạo thêm động lực nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội. Hoạt động xã hội hoá trợ giúp người khuyết tật đã được các cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tạo ra sự lan tỏa sâu rộng. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 130.348 người khuyết tật, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 70.498 người, trong số, có hơn 62.000 người còn khả năng lao động, trong số này có nhiều người chưa sẵn sàng tìm kiếm việc làm. Hiện nay, có trên 12.000 người hiện đang có việc làm ổn định. Những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đã được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện; hệ thống chính sách, cơ chế dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật từng bước được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện của tỉnh và người khuyết tật.Từ năm 2012 đến 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh và dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 5.085 lượtngười khuyết tật (chủ yếu là sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng:  2.400 người).

Hỗ trợ học nghề, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Hỗ trợ học nghề, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Mỗi năm toàn tỉnh tạo việc làm phù hợp cho hơn 1000 người khuyết tật , mức thu nhập bình quân từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/tháng, đã góp phần giải quyết khó khăn về đời sống cho các đối tượng. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí 20% kinh phí để thực hiện việc đào tạo nghề cho người khuyết tật. Từ năm 2012 đến nay, tổng doanh số cho vay Giải quyết việc làm đạt 944 tỷ đồng, đã tạo và duy trì việc làm cho 27.225 lao động, doanh số thu nợ là 602 tỷ đồng, dư nợ hiện tại đạt 448,1 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay đối với lao động là NKT 9,295 triệu đồng, tạo việc làm cho 767 lao động là NKT.

Còn khó khăn trong dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật      

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An: “Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại Nghệ An, số cơ sở dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh còn quá ít, đến nay mới chỉ có 1 cơ sở(trung tâm GD – DN cho NKT), quy mô đào tạo hàng năm 250 người trang thiết bị dạy nghề chuyên biệt dành riêng cho NKT còn nhiều thiếu thốn, trình độ đội ngũ giáo viên còn hạn chế, nguồn kinh phí đầu tư cho dạy nghề NKT còn hạn hẹp(số cơ sở dạy nghề không thuộc ngành Lao động - TB và XH quản lý thì chưa có giáo viên hoặc có giáo viên nhưng không có chuyên môn dạy NKT nhất là NKT câm, điếc, mù".

"Tâm lý của gia đình, xã hội và của chính người khuyết tật chưa thậ sự coi trọng việc dạy nghề cho người khuyết tật, một số NKT còn khả năng lao động nhưng mặc cảm, tự ty chưa thật sự muốn tham gia vào thị trường lao động. Chưa có nhiều Doanh nghiệp cần nhu cầu sử dụng lao động là NKT, có một số chủ Doanh nghiệp còn không muốn NKT vào công ty mình làm việc vì không tin tưởng vào sức khỏe, tay nghề của NKT nên số lao động là NKT được giải quyết việc làm còn ít” - ông Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ngày 08/11/2021, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về việc giúp đỡ người khuyết tật Nghệ An; UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 25/3/2021 thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó xác định các chỉ tiêu nhiệm vụ: Giai đoạn 2021-2025: Số người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm là 4.000 người; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, học nghề, tạo việc làm với lãi suất ưu đãi.

Trao tặng xe lăn miễn phí cho người khuyết tật Nghệ An

Trao tặng xe lăn miễn phí cho người khuyết tật Nghệ An

Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Tỉnh đoàn phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH và các địa phương, tổ chức Đoàn cơ sở làm tốt một số nội dung: Rà soát số người khuyết tật có nhu cầu: Đào tạo nghề, vay vốn hoặc hỗ trợ sinh kế trên địa bàn; Xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của người khuyết tật; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật; Triển khai hoạt động hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật và gia đình; Lồng ghép trong các phiên giao dịch việc làm để tổ chức tư vấn nghề, việc làm cho người khuyết tật, hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm việc làm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật có nhu cầu được học nghề phù hợp; Ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.        

 Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng 30% lao động là NKT trở lên:Theo quy định tại Điều 34 của Luật NKT thì được tạo điều kiệnhỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp. Tinh thần chung là UBND tỉnh Nghệ An, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ NKT , thanh niên KT học nghề, tìm việc làm, có thu nhập để NKT có cuộc sống ổn định, tốt hơn và đóng góp cho gia đình và xã hội.

 Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác người khuyết tật bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn của tỉnh trong từng giai đoạn phát triển. Lồng ghép nội dung chính sách về người khuyết tật vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng hạ tầng công cộng bảo đảm các tiêu chuẩn tiếp cận đối với người khuyết tật.

Tiếp tục quan tâm đầu tư, ứng dụng, sử dụng công nghệ trợ giúp người khuyết tật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; tạo cơ hội, điều kiện để người khuyết tật bình đẳng, tự tin, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập đóng góp cho xã hội. Nghiên cứu thực hiện sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức của người khuyết tật có tính chất, chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật hoạt động có hiệu quả, tiến tới tham gia thực hiện các dịch vụ công của nhà nước về công tác người khuyết tật.

Thành lập quỹ tín dụng tạo việc làm đối với người khuyết tật từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội hàng năm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật theo quy định của pháp luật.3. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp người khuyết tậtNâng cao trách nhiệm của toàn xã hội, các tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật trong việc chăm lo,giúp đỡ người khuyết tật.

Tích cực huy động, vận động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật; khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, cao tuổi. Gắn công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật với thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg, ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” và các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh liên quan đến trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật theo các giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Củng cố, kiện toàn, đồng bộ tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức theo phương châm: “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, nhân ái, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng”. Tranh thủ các nguồn lực, tạo nguồn kinh phí hoạt động; đề cao trách nhiệm và sự chủ động của tổ chức hội trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động trong người khuyết tật, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy năng lực, năng khiếu, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho người khuyết tật. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của người khuyết tật. 

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh