Ngày Xuân uống rượu với người Ba na
- Dược liệu
- 00:04 - 20/02/2015
Tết được tổ chức khi rảnh việc và thường từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm. Bây giờ, người Kinh ở Tây Nguyên đông, đồng bào Ba na cũng ăn Tết Nguyên đán (Chruh-kâl) cùng với các dân tộc khác trong cả nước. Và rượu cần là thứ không thể thiếu trong dịp đầu xuân.
Người Ba na rất coi trọng lúa gạo vì vậy các lễ lớn, quan trọng đều liên quan đến sản vật này. Họ coi trọng lúa đến mức gọi là Mẹ Lúa và tổ chức rất nhiều lễ hội xung quanh cây lúa, khi mới phát rẫy thì có lễ “chan”, lúc gieo hạt là lễ “lêpơjeh”, đến lúc cho lúa lên chòi lại có lễ “pođi”.
Tết Nguyên đán đã trở thành lễ hội quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn với cả buôn làng, cộng đồng. Người Ba na chuẩn bị Tết khá cầu kì, trước cả tháng đồng bào bắt đầu rục rịch làm rượu cần - thức uống không thể thiếu trong bất kì dịp lễ hội nào.
Rượu cần là nhịp cầu, khiến cho người xa lạ hóa gần gũi, trò chuyện cởi mở xóa nhòa danh giới chủ và khách, làm cho nam nữ trở nên thân quen. Để tổ chức lễ, Tết, đầu tiên già làng chọn ngày, dân làng tập trung dọn dẹp thôn bản nhất là khu vực nhà rông thật sạch sẽ.
Thiếu nữ uống rượu - tranh của Họa sỹ Xu Man.
Đôi khi người ta còn rào làng lại hay lấy lá cây chặn nơi đường đi để ngăn thú rừng hay kẻ xấu xâm phạm. Tiếp đó dân làng cùng nhau dựng cây nêu, chuẩn bị cồng, chiêng và đi mời bạn bè các nơi về chung vui.
Các gia đình trong làng, bản đều tự nguyện đóng góp ghè rượu cần, con gà, thịt lợn hay gạo nếp, tất cả đều được đưa về xếp trong nhà rông. Trước khi uống rượu cần, già làng cho nổi một hồi chiêng rồi bắt đầu bài khấn Yàng (trời) như sau: “Hỡi các thần! Nay xin mời các thần chứng giám. Này rượu một ghè, gà một con. Rượu thần ngậm cần, gà thần ăn gan. Ăn gà uống rượu xong thần đơm bông cho lúa, tra hạt cho kê, cho mưa rải đúng thời, cho dân làng không bị con thú phá, không bị đau bệnh . Hỡi Yàng! Khi thủ tục khấn thần hoàn thành mọi người mới cùng nhau ăn thịt, uống rượu”.
Với người Ba na, rượu cần là thứ nước do Yàng ban cho, uống rượu là để giao tiếp, gắn bó cộng đồng. Vì vậy, nghi lễ uống, cách pha chế và cách uống luôn được tôn trọng và theo một cách riêng.
Rượu cần của người Ba na được làm từ gạo, củ mì (sắn), ngô hay bo bo ủ với men gồm 20 loại rễ, vỏ cây rừng.
Rượu được ủ trong ghè sành, loại thường khoảng 80.000 đồng; một chiếc ghè cổ có nhiều quai, giá vài chục con trâu (tương đương hàng trăm triệu đồng). Ngày nay, người Kinh cũng thích uống rượu cần của người Ba na, nhất là loại được làm từ hạt bo bo sau đó chôn lâu ngày dưới đất.
Với người Ba na, nước để pha rượu cần có hai loại: Thứ nhất là nước giọt – nước suối từ trên nguồn theo ống lồ ô chảy về. Loại nước này được các cô, các bà hứng từ lúc sáng sớm vào ống sau đó gùi về để trên giàn hay đổ vào nồi đồng.
Loại thứ hai là nước lấy từ bãi cát bên bờ sông, để lấy nước, người ta đào một hố sâu, chờ cho nước rỉ ra, lắng trong thì múc vào ống mang về. Khi uống rượu cần, người ta lấy trấu đổ vào sau đó đến cơm rượu, rồi lại thêm một lớp trấu phía trên, mục đích là ngăn không cho bã rượu chảy vào cần khi hút.
Lễ hội đâm trâu mừng năm mới. Ảnh: MD
Tiếp theo, nước được đổ đầy ghè sau đó lại bịt kín, cột chặt cho rượu ngấm, chờ khoảng vài tiếng thì uống được. Trước khi uống người Ba na thường lấy một đoạn tre để ngang ghè rượu, có đoạn đâm xuống dưới để làm mức uống gọi là “cang”.
Cũng có khi người ta lấy quả bầu đựng nước làm chuẩn, khi đó người uống cứ uống người đổ nước vào ghè cứ đổ, đến lúc nước trong quả bầu hết thì dừng lại.
Các ghè rượu cần tuỳ loại lớn hay nhỏ, được cột bằng sợi dây đỏ vào cột nhà rông, người già được uống trước sau đó mọi người mặc sức lần lượt thưởng thức từng ghè bằng cần hút chung cho đến say mới thôi và không phân biệt già, trẻ, gái hay trai.
Khi đã thăng hoa, người Ba na sẽ đánh chiêng, nhảy múa, hát rất thoải mái, vô tư. Người nào say thì về hoặc nằm ngay ở một góc nào đó trong nhà rông mà ngủ cũng được.
Khác với tục lệ người Kinh - cùng nhau nâng ly rượu, người Ba na để chủ nhà thử rượu trước, hớp đầu tiên nhổ đi. Điều này bắt nguồn từ tục lệ xa xưa, để đảm bảo rượu không có độc.
Sau đó chủ nhà trang trọng mời khách thử rượu, khách phải đón nhận cần bằng tay phải hoặc hai tay, vì với đồng bào Ba na, cầm tay trái là tỏ ra coi thường gia chủ.
Lúc uống thì phải uống thật sự, không được ngậm trong miệng cũng không được lén nhổ đi, như thế là không thật lòng, không quý mến chủ nhà. Uống rượu cần với người Ba na quan trọng là phải thật lòng và tôn trọng luật lệ. Khách sẽ được mời thưởng thức tất cả các ghè rượu người dân mang đến, nếu từ chối sẽ bị giận vì được cho là phân biệt coi người này hơn người kia.
Người Ba na khi uống rượu, nếu coi khách là thân thiết như anh em họ thường bốc thịt, xôi nhét vào mồm và dù thích hay không bạn cũng không được từ chối nếu không muốn bị người ta ghét.
Thêm nữa, khách phải chấp nhận những món ăn thuộc loại “đặc thù” như thịt chuột, lá mì hay thịt heo có mùi vì để lâu ngày trên gác bếp. Nhưng những món như thịt rừng, cá, tôm dưới suối nướng lồ ô bày la liệt trên lá chuối thì ngon phải biết.
Rượu cần là văn hoá, là thứ không thể thiếu trong lễ, Tết của người Ba na. Lễ mà không có rượu cần thì thần linh không chứng, lời cầu khẩn sẽ không linh nghiệm.
Ngày nay nhiều nơi ở Tây Nguyên người ta đã mở các lò, tổ sản xuất rượu cần theo kiểu công nghiệp để khách thưởng thức tại chỗ hay mua mang đi. Rượu cần loại này không ngon bằng cách làm thủ công của từng gia đình nhưng thuận tiện cho du khách mỗi khi có dịp đến với Tây Nguyên.