THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:41

Ngày Xuân nói chuyện câu đối

Hàng năm cứ đến 23 tháng Chạp, sau khi đưa ông táo về trời là người ta lo sắm sửa mượn những ông đồ về viết hộ đôi ba câu đối về treo ở nhà. Họ tin rằng vận may rủi trong một năm tùy thuộc vào những câu đối (?) Thế rồi bao năm qua, thú chơi câu đối dường như không còn nữa.

"Tết đến sau lưng thay mẹ Tết

Xuân qua trước mặt mặc cha Xuân".

Và… Người thuê viết nay đâu ?

"…Ông Đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay".

Dù ngày nay Tết đến, mọi nhà không còn cái cảnh:

" Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ".

Nhưng mọi nhà vẫn ăn Tết. Và nhiều gia đình vẫn thích thú với những hàng câu đối.

Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết

Một năm mười hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.

(Tú Xương)

Ngày Xuân Nói Chuyện Câu Đối - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Tết đến người phong lưu hưỡng Tết, còn người cùng túng mỗi lần lại thêm lo, nhưng lo thì lo, chỉ lo sao cho qua đêm 30 Tết, vì có tục đòi nợ tất niên. Chứ đến sáng mồng một, đầu năm Nguyên Đán dù sao cũng lại Xuân rồi. Cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối.

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa

Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Và đôi câu đối sau đây có vẻ hợp với ngày nay nhưng thực ra là của người xưa.

Đành niên qua đến cùng xương, nào tiền nhà, nào tiền học, nào tiền thuế, nào tiền ăn: nghĩ đời sống lắm phen chớ phở.

Mùi Tết nước tha hồ béo mở, này chén rượu, này chén chè, này chén anh, này chén chú, gặp ngày Xuân thả sức đá gà.

Thường Tết đến là vui, là mừng nên câu đối thường nhắc tới sự vui mừng như:

"Tiệc Xuân vui mở, mồng một, mồng hai, mồng ba Tết

Chúc tụng phát tài, mà trăm, mà nghìn, mà vạn may".

(Khuyết Danh)

Hay

"Tôi ba mươi giơ cẳng đụng cây nêu, ủa Tết

Sáng mồng một lắng tai nghe tiếng pháo, à Xuân"

(Cụ Nghè Tân)

Đối với phần đông dân chúng, người ta chơi câu đối theo tục lệ, riêng đối với những người chơi chữ, chơi câu đối thật là một thứ thanh tao. Người chơi chữ gửi tâm sự vào câu đối, khóc người thân bằng câu đối, riễu cợt kẻ hèn, kẻ rỡm bằng câu đối. Truyện cũ kể rằng, có một cậu học trò nghèo, lấy được vợ con nhà quan, giàu. Hôm cưới, ông bố vợ muốn thử tài chàng rể bèn ra câu đối:

Con rể nết na xem tử tế.

Cái khó ở đây: "tế tử" nghĩa là con rể.

Chàng rể không đối được, hẹn đến ngày hôm sau. Chàng phải tìm đến vị hôn thê, nàng đã gà cho chồng:

Ông chồng cay đắng kể công phu.

Công phu lại chính là ông chồng: Dụng ý ở đôi câu đối trên là những chữ đồng nghĩa mà khác âm đối nhau. Lại có những câu đối, người ta dùng những chữ đồng âm khác nghĩa đối nhau:

Ruồi đậu mâm xôi đậu,

Kiến bò đĩa thịt bò.

Học trò nghèo ngày xưa thường hay bị thử tài. Có một anh học trò nghèo túng quá, ngày Tết phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không biết nhà giàu lại là một hưu quan. Hưu quan thấy anh học trò ra vế câu đối thử tài:

Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố.

Nghĩa : Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng quân tử bền lòng.

Câu này lấy chữ trong sách Luận Ngữ, lại khó vì ở đây chữ cố nghĩa nôm là cầm cố và chữ cùng nghĩa nôm là cùng khổ.

Anh học trò nghèo đã trích Tam Quốc đối lại:

Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm.

Nghĩa : Khổng Minh bắt, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt.

Trong truyện Tam Quốc , Khổng Minh bắt lại tha Mạnh Hoặch đến bảy lần.

Câu đối này rất hay vì ở đây cầm nghĩa nôm là cầm cố, và chữ túng nghĩa nôm là túng tiền. Nhờ vế câu đối, vị hưu quan đã tặng không cho anh học trò nghèo một số tiền.

Nay nhân năm sửu, năm con trâu cũng xin nói đến chuyện câu đối về trâu có tựa đề "Trâu thiến ngựa cương" như sau. Đoàn nhà trai đi xin dâu, bên nhà gái ra câu đối:

Nhà ngói, cổng lim, ruộng sâu, trâu đực thiến.

Câu ra cũng bình thường, muốn khoe sự giàu có, nhưng lại hàm cái ý trêu ghẹo hơi sỗ sáng. Chẳng rõ ông đồ phù rể trong họ nhà trai tên họ là gì, học hành tới đâu, nhưng ông đã nắm được cái ý trêu chọc của đối phương. Ông bày cho chàng rể đối lại:

Yên bạc, dạc vàng, đường nhựa, ngựa rong cương.

Vậy là nhà trai muốn tỏ ra rằng: bên nhà gái khoe giàu, thì bên nhà trai khoe sang. Nhưng ý ngầm còn… tai quái hơn. Sợ người ta không hiểu nổi, ông đồ để cho chú rể dứt lời, vội cười ầm lên rồi bình luận bô bô: Hay, hay lắm, quan họ bên kia bắt thiến, nhưng quan họ bên nay vẫn cứ cương lên. Có phải không các ngài?

Nói về câu đối thì còn rất nhiều, song trang báo có hạn và để kết thúc chúng tôi xin kể một câu chuyện vui về câu đối. Câu chuyện vui này xảy ra giữa anh nhà nho và một anh nhà giàu. Anh nhà giàu cất một ngôi nhà thật đẹp. Để tôn vinh vẻ đẹp của ngôi nhà trước cửa anh ta trồng ba cây trúc. Đối diện nhà anh, cách một con đường là nhà một hàn sĩ, nhà tranh vách đất. Hàn sĩ thấy anh nhà giàu có vẻ hiu hiu tự đắc nên ghét lắm. Ông bèn chửi chữ bằng cách viết trước cửa nhà mình đôi câu đối như sau:

Gia Trung vạn quyển thư

Môn ngoại tam can trúc

Nghĩa: Trong nhà vạn quyển sách

Ngoài cửa ba cây trúc

Nhà nho ý tự phụ trong nhà mình có vạn quyển sách và chê anh nhà giàu chỉ có ba cây trúc ở ngoài cửa.

Anh nhà giàu đọc đôi câu đối biết ông nhà nho xỏ mình. Anh ta nghĩ bây giờ chặt ba cây trúc đi, đôi câu đối của anh nhà nho sẽ trở nên vô nghĩa. Nghĩ sao làm vậy.

Nhà nho thấy anh nhà giàu chặt ba cây trúc, nhưng vẫn còn gốc, bèn thêm vào hai vế câu đối mỗi bên một chữ.

Gia trung vạn quyển thư trường

Môn ngoại tam can trúc đoản

Nghĩa : Trong Nhà vạn quyển sách dài

Ngoài cửa ba cây trúc ngắn

Anh nhà giàu thấy vậy liền sai người nhà đánh hết cả gốc ba cây trúc đi. Anh ta tự nhủ thử xem ông nhà nho có phải cạo đôi câu đối đi không. Anh ta đã lầm, Nhà nho thấy anh ta đánh cả gốc ba cây trúc thì mỉm cười và lại thêm vào mỗi vế câu đối một chữ nữa thành:

Gia trung vạn quyển thư trường hữu

Môn ngoại tam can trúc đoản vô.

Nghĩa :

Trong nhà vạn quyển sách dài thì có

Ngoài cửa ba cây trúc ngắn cũng không.

Lần này thì anh nhà giàu chịu thua, và anh lẫm bẫm: "Chấp làm gì đồ hủ nho! Ở đời, miễn nhiều tiền là hơn!".

Và chúng tôi cũng xin dừng ở đây, hẹn một dịp khác. Chúc bạn một năm mới an khang thịnh vượng.

CTV Hoàng Văn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh