CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:34

Ngày Tết bên sông Tiền

Qua 23 tháng Chạp, tiễn ông Táo về trời, khi con cháu đi học đi làm ở các tỉnh, ở Sài Gòn lục tục trở về, ba má tôi và các chú vui lắm. Làng trên xóm dưới ven sông Tiền quê tôi đã bắt đầu chộn rộn không khí đón tết. Ngoài sông, gió mơn man hơn vào những sớm mai, lúc buổi chợ bắt đầu đông dần, má tôi và các dì, các chị tíu tít lựa mua những thứ ngon nhất. Trên bến dưới thuyền, từ Cao Lãnh về Sa Đéc, qua Vĩnh Long về Cái Bè, Mỹ Tho hay qua Bến Tre…, tấp nập cảnh bán mua. Cả một miền quê Nam bộ với nhiều đoạn sông ghe xuồng tấp nập, đưa những sản vật về cho bà con sắm sửa đón năm mới.

Cảnh họp chợ trên sông 

Những món không thể thiếu

Nắng đã lên, má tôi và các dì chọn những củ kiệu ngon nhất, đặt mối quen từ trước, đem ra phơi kỹ rồi cắt gọt, chế biến. Những hũ keo đã làm sạch, phơi bên hè nhà. Biết tính ý từng đứa con, má ra chợ mua thịt heo, hột vịt về làm món thịt kho tàu, khổ qua hầm. Ba tôi tỉ mẩn lau chùi bộ lư hương, khay ấm cẩn xà cừ. Tôi phụ ba lau chùi bộ bàn ghế, bộ ngựa bằng gỗ mít đã lên nước bóng loáng, cùng ba bày biện, trang trí nhà cửa. Nhớ lại những năm thời bao cấp, trang trí nhà cửa ngày tết chỉ có mấy tấm tranh hoặc chữ viết trên hai màu vàng đỏ, nhà nào cũng giống nhà nào. Sau này đất nước đổi mới, có thêm nhiều màu sắc đẹp tươi của nhiều loại lịch tờ, lịch bloc, tranh ảnh, do người từ Thành phố đem về, nay các chợ lớn nhỏ đều treo bán kín quầy, nhìn cũng vui mắt vui lòng.

Từ hơn nửa tháng trước, ba đã lặt lá cho mấy cây mai tứ quý trồng trước sân nhà. Ở miền quê tôi, những cây mai tứ quý khá phổ biến, không phải mai ghép của thời nay. Nhìn dáng ba bên cây mai, tôi xúc động trào dâng bởi mỗi năm cha mẹ mình già thêm, như cây mai, cây trúc vườn nhà, cứ lặng lẽ sinh thành, làm đẹp cho đời. Ngoài mấy gốc mai, cha tôi còn trồng những cây vạn thọ, để đến những ngày giáp tết ra hoa vàng rực, bông nở đầy vun. Bên bàn thiên, cây bông trang nở thắm. Bông trang (còn gọi là mẫu đơn), là cây hoa quý tộc vì không nghe lời Thái hậu nở đúng ngày mà bị đày ra dân dã. Nay bông trang làm đẹp những vùng quê, đem lại sự thanh tịnh tâm hồn. Trẻ con chúng tôi thường nhổ sợi tóc để xâu hoa trang rồi chu miệng thổi cho cánh hoa xoay tít…

Gói bánh tét ngày Tết

Trong vùng, ba tôi nổi tiếng khéo tay. Cũng chừng đó vật liệu, qua tay ba tôi tạo dựng, sản phẩm thường đẹp hơn người khác, có người còn nhận xét rằng có hồn hơn. Những trái cây ngon nhất, đẹp nhất được ba lựa chọn chưng mâm ngũ quả đã sẵn sàng. “Cầu vừa đủ xài sung” là mong muốn của người dân Nam bộ và cả nước Việt này, thể hiện trên mâm là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Ba nói, không bao giờ chưng chuối trên mâm ngũ quả vì dù ngon và đẹp, song phát âm từ “chuối” gần giống từ “chúi”, sợ làm ăn lụn bại hay gặp nguy khó trong đời. Một cặp dưa hấu trái to đều nhau được đặt trang trọng trên bàn thờ, chữ phúc đỏ dán lên nền vỏ xanh láng, mịn màng của cặp dưa nhìn cân xứng và đẹp quá.

Sâu nặng tình người

Bên hàng xóm, đã thấy bếp lửa hồng, lò bánh tráng râm ran tiếng nói cười. Phía xa vẳng lại tiếng chày quết bánh phồng. Làng xóm thêm nhiều người về, xe và người đông đúc hơn, hỏi thăm nhau tíu tít. Các chú đem qua biếu cha tôi cặp vịt, hộp trà, chai rượu. Tôi theo dượng Tám ra vườn nhà dượng hái những trái sầu riêng ngon nhất dành cho ba ngày tết. Trong vườn, dượng Tám lên liếp, vét mương, chống cành, chăm cây như chăm con nên cây nào cũng đẹp, ra trái đều. Không phụ công và lòng người chăm sóc, cả chục năm qua, vườn cây đem lại cho gia đình dượng tôi cuộc sống dễ chịu, vợ chồng dượng an nhàn bên cháu con, không lo lắng sinh kế.

Thuyền chở hoa đi bán trên sông

Chiều 29 Tết, làng xóm rộn ràng, tất bật. Má nói tôi cùng má sang thăm dì Hai, lấy chồng ở miệt Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Từ con sông nhỏ trước nhà, đò xuôi ra sông Tiền, đoạn này gọi là sông Cổ Chiên, con đò băng qua đoạn sông mênh mang rộng hơn cây số, về phía sông Hàm Luông (cũng là một nhánh của sông Tiền, khi chảy qua địa phận tỉnh Bến Tre). Năm nay vùng quê Chợ Lách, Mỏ Cày trên cù lao Minh và vùng Tiên Thủy bên kia dòng Hàm Luông đều trúng mùa cây trái, làng xóm tươi xanh, trù phú và lòng người đong đầy niềm vui. Má nói ngày nhỏ sống ở cù lao, mỗi lần qua sông là chèo cả giờ, vào chợ Cai Lậy hay Cái Bè mất cả buổi, nay đò rẽ sóng chưa đầy nửa giờ là tới bờ. Những cù lao trên sông Tiền hay sông Hậu của miền Nam, đều mang dấu tích của biến thiên và phát triển, của sự ưu đãi của thiên nhiên mà cũng là công sức lao động của bao đời. Cù lao cũng gợi nhớ về sự hiếu thảo, phận làm con luôn nhớ công ơn biển trời của cha mẹ, “chín chữ cù lao” (cửu tự cù lao). Đó là: Sinh, cúc, phủ, dục, súc, trưởng, cố, phục, phúc (Sinh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ, cho bú, nuôi lớn, trong nom, nuông chiều, che chở).

Ca hát trên thuyền ngày Xuân

Cũng từ chiều, các dì các chị quây quần gói bánh tét. Những đôi tay thoăn thoắt, tiếng cười giòn tan. Đám thanh niên chuẩn bị sẵn những gộc vú sữa, chất đống để tối “nổi lửa lên em”, canh nồi bánh tét. Tiếng guitar vang trong đêm, hòa tiếng ca bài vọng cổ quen thuộc, khiến người háo hức, kẻ nao lòng. Giữa lúc tiếng ca tiếng đàn tạm nghỉ, gió từ sông thổi vào, những con sóng nhỏ vỗ bờ ì oạp...

Thiêng liêng, hạnh phúc

Ngày 30 trôi qua trong đủ thứ việc bộn bề, rồi thời khắc quan trọng nhất trong năm cũng đến. Trước giao thừa, cha mẹ tôi và chúng tôi đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mấy đứa cháu trong nhà hầu hết đều đã ngủ, chỉ vài đứa chong mắt thức đợi giao thừa. Nhang trầm nghi ngút, đèn sáng trong nhà, ngoài ngõ. Tivi bật lên, chờ xem những tràng pháo hoa và lời chúc tết của chủ tịch nước. Cha tôi bước ra sân thắp nhang vái bốn phương tám hướng, khấn nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho cháu con đại gia đình an lành, gia đạo an khang. Ông đứng khá lâu, từ trong nhà nhìn ra, tôi biết ông trào dâng xúc động trước cảnh giao thoa cũ mới của một năm, của phút giây thiêng liêng trong đời mỗi người, nhất là những người đã trải qua gần trọn đời người như ông. Rồi ông bước vào, ấy là ông đã xông đất cho cả nhà năm mới, ông thắp nhang lên bàn thờ, khấn vái rồi cùng mẹ tôi ngồi bên bàn, con cháu xúm xít mừng tuổi ông bà, nhận lì xì… Ngoài đường rộn tiếng bước chân, má tôi và vài người trong xóm cùng nhau lên chùa hái lộc đầu năm.

Thuyền trái cây

Ba ngày tết đi thăm, đi chơi, ngày nào cũng chỉ chớp mắt xoay lưng là đã hết. Cũng như bao người Việt khác, cái tết với tôi luôn mang ý nghĩa lớn, là ngày của tình thương, hạnh phúc đời người. Ba ngày tết, ngắn ngủi mà dài suốt năm, để ngóng đợi, háo hức chờ tết về, tiếc nuối tiễn tết đi. Bên dòng sông Tiền là làng xóm quê tôi, là sự quây quần, đoàn tụ gia đình. Đó là sự thiêng liêng máu chảy về tim, tình cảm huyết thống thêm gần gũi, thân thương. Bên sóng nước sông Tiền, trong nắng trong gió, ba ngày tết luôn đọng lại mùi khói nhang, mùi không gian quê nhà, mùi Tết. Ai đi xa cũng sẽ nhớ, nhớ nằm lòng. Và với mỗi người, hạnh phúc là còn có gia đình, dòng họ, quê hương, có nơi chốn để trở về mỗi dịp năm hết tết đến. 

VIỆT QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh