THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:49

Ngày Sách Việt Nam: Chấn hưng văn hóa đọc là chấn hưng cái gốc của dân tộc

 

Lan tỏa phong trào đọc sách...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dân tộc Việt Nam tự hào có hàng nghìn năm văn hiến và truyền thống hiếu học. “Không cần nói nhiều về sự cần thiết của việc đọc sách đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước bởi điều đó đã quá rõ ràng. Sự hiếu học là điều vô cùng quý giá với từng người, gia đình, cộng đồng, dân tộc… Trường học vĩ đại nhất chính là sách", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

 

Qua 5 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và đông đảo những người có tấm lòng yêu sách, đã tham gia hưởng ứng tích cực, để văn hóa đọc được khôi phục và phát triển. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tuy kết quả đạt được là đáng khích lệ nhưng vẫn cần phải nỗ lực rất lớn để phong trào đọc sách lan tỏa trong toàn xã hội. Ngày Sách Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc đẩy mạnh triển khai hoạt động Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn cơ sở chưa đồng bộ; nhiều hoạt động tổ chức còn mang tính hình thức; sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương còn hạn chế, chưa tạo được sự hưởng ứng của cộng đồng và tạo thành phong trào đọc sách sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Phó Thủ tướng lưu ý để phong trào đọc sách lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng thì ông mong muốn trước tiên phải được bắt đầu từ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan quản lý, hội đoàn cần tạo môi trường khuyến khích mọi người tham gia viết sách hay để hấp dẫn người đọc. Phó Thủ tướng đề nghị lồng ghép việc phát triển văn hóa đọc vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến công, khuyến nông. Đặc biệt, cần tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người biết đến sách, tôn vinh các tác giả, các nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ; những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà… Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của các Hội, Hiệp hội trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Khuyến học… để tiếp thu ý kiến và hoàn thiện chính sách cho ngành xuất bản

Tỉ lệ đọc sách của người dân đang giảm đi

Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường thì tỉ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi. Theo kết quả một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt ít đọc sách hơn nhiều so với các nước trong khu vực: Chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% người Việt thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội sách năm 2019.

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là SGK. Như vậy mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm. Đây là tỉ lệ rất thấp trên thế giới. Malaysia là một nước gần chúng ta thì mỗi người dân trung bình được thụ hưởng 12 cuốn sách mỗi năm, gấp 4 lần Việt Nam. Thậm chí, một số quốc gia còn có luật liên quan đến văn hóa đọc như Nhật Bản có luật Chấn hưng văn hóa đọc và Luật khuyến khích hoạt động đọc sách ở trẻ em.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm 3 mục tiêu: Khuyến khích người Việt Nam đọc sách; tôn vinh giá trị sách và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội đối với việc phát triển và xây dựng văn hóa đọc Việt Nam. 5 năm qua, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Ngày sách Việt Nam về tận huyện, xã; tủ sách về từng lớp học và từng gia đình; Tết nhiều người, nhiều nơi đã chọn sách để lì xì cho trẻ em; Hà Nội và TP HCM đã có đường sách; hằng năm đã tổ chức Giải thưởng sách quốc gia; 10 NXB đầu tiên đã chuẩn bị cho xuất bản sách điện tử… Bộ TT&TT tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn như 5 năm tới phải đưa số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%.

“Trong các năm tới, nhiều cơ chế chính sách mới để chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam như: giải thưởng sách quốc gia sẽ được đổi mới, quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội. Ngoài ra nhiều hoạt động thiết thực sẽ được thực hiện "... để chúng ta thật sự là một dân tộc ham học, ham đọc sách để chấn hứng văn hóa đọc của người dân Việt Nam, để mỗi người dân Việt Nam đều học cả đời, đọc sách cả đời... - chấn hưng văn hóa đọc cũng chính là chấn hưng cái gốc của một dân tộc”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

 

Chiều cùng ngày, Bộ TT&TT khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ sáu - 2019 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Hội Sách diễn ra từ 18-22/4 với sự tham gia của 84 đơn vị với khoảng 100 gian hàng. Theo Bộ TT&TT, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, tại các địa phương khác trong cả nước cũng triển khai nhiều hoạt động từ ngày 1/4 – 1/5. Trong đó, Bộ VH-TT&DL tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ sáu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam; hệ thống thư viện các địa phương tổ chức ngày sách ở các trường học vùng sâu, miền núi; Bộ GD&ĐT tổ chức hoạt động tại các trường học…

HOÀNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh