Ngày Nam Bộ kháng chiến- Vang vọng hào khí về chủ nghĩa anh hùng cách mạng
- Tây Y
- 06:16 - 24/09/2022
Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi sát sao diễn biến chiến trường Nam bộ, ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc…
Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội quân xâm lăng nào đánh tan được…”. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân Nam Bộ, tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang:“Thành đồng Tổ quốc”.
Ngày 23/9/1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta một lần nữa, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân đội Anh (trên danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật ở Nam Bộ) đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ đất nước và những thành quả của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước: “Độc lập hay là chết… Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Tiếp sau lời kêu gọi, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp…
Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Nam bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Quân và dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành.
Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Quân và dân ta đã thực hiện các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Từ đó, làm cho thực dân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, thiếu quân, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm.
Nam Bộ đứng kháng chiến đã làm nức lòng nhân dân cả nước và là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam Bộ. Dù đã 77 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần quật khởi của quân và dân Nam Bộ kháng chiến trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định vẫn còn in đậm trong tâm trí bao người.
Hào khí ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 vẫn luôn bừng bừng tinh thần quật khởi, với niềm tin sắt đá khó khăn nào cũng vượt qua chính là sức mạnh để đồng bào miền Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Và hôm nay, cuộc sống đã có những đổi khác, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi là những tháng ngày lịch sử “Nam bộ kháng chiến” vẫn sống mãi và gợi cho chúng ta nhớ về một giai đoạn quật khởi, bất khuất của vùng đất Nam Bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.
Quân và dân Nam Bộ luôn xứng đáng và tự hào với danh hiệu ấy trong suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ độc lập cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.