Đổi thay ở vùng “Thủ đô kháng chiến”
- Huyệt vị
- 12:40 - 02/09/2022
Thủ đô kháng chiến xưa
Khu di tích ATK Định Hóa thuộc địa phận các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn trên 5.200km2. Tại đây có 128 điểm di tích từ thời kháng chiến chống Pháp có ý nghĩa lịch sử lớn cho tới ngày nay.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn một vùng rộng lớn giáp ranh các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn để làm an toàn khu (ATK) - hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đánh giá về tiềm năng mảnh đất này, về mặt địa lý vừa rộng lớn vừa hiểm trở bảo đảm "tiến có thể đánh, lui có thể giữ" lại đáp ứng được các yếu tố "có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt”.
Ngày 20/5/1947, Hồ Chủ tịch tới đồi Khau Tý, thuộc xóm Nạ Tra, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên và Định Hóa đã vinh dự được đảm nhận trách nhiệm là trung tâm đầu não của cả vùng chiến khu rộng lớn. Bác cũng đến sống và làm việc tại nhiều điểm ở ATK Định Hóa như Khuôn Tát, Tỉn Keo dưới chân Đèo De, Núi Hồng thuộc bản Nà Lọm, Rục Rã (nay là Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa).
Giai đoạn 1947 - 1954, ATK Định Hóa không chỉ là nơi làm việc của Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng, các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... mà còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Phát động phong trào thi đua ái quốc năm 1949, ký sắc lệnh thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới vào ngày 25/7/1950, ra mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào…
Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ có những quyết sách quan trọng, kịp thời đó, chúng ta mới có một chiến thắng Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu, chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, lập lại hòa bình tại Đông Dương…
Sức vươn của vùng đất cách mạng hôm nay
Kế thừa, phát huy truyền thống và lòng yêu nước của các thế hệ đi trước, trong thời bình, đồng bào các dân tộc vùng chiến khu ATK Định Hóa tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, tiếp thu và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, năm 2016, Huyện ủy và UBND huyện Định Hóa ban hành Chương trình trồng quế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Từ đó đến nay, diện tích trồng quế ở địa phương phát triển mạnh. Từ năm 2016, mỗi năm Định Hóa trích ngân sách khoảng 2 tỷ đồng hỗ trợ cây giống, công trồng và chăm sóc. Hiện, toàn huyện đã trồng được hơn 2.600 ha quế.
Xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng có gần 90 hộ đồng bào dân tộc Dao, được huyện hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kiểm lâm huyện tổ chức trồng, đến nay đã có 70 ha quế được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây quế phát triển tốt, tỷ lệ tinh dầu đạt cao. Từ năm 2016 đến nay, gia đình anh Lý Ngọc Đình, ở xóm Đồng Đình trồng được 15 ha quế. Anh Đình chia sẻ: "Ban đầu, mỗi ha trồng 5.000 cây quế. Từ năm thứ 3 trở đi quế cho thu nhập bằng việc tỉa thưa, thân cây, cành, lá bán cho cơ sở chiết xuất tinh dầu với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg; sang năm thứ 4 tỉa thưa bán được 65 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định".
Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTCP xếp hạng Di tích lịch sử ATK Định Hóa, huyện Định Hóa là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngày 24/6/2021, ATK một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1008/QĐ-TTg về tiếp tục Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt.
Kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng được tăng cường, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12,5%; đến năm 2020 đã có 9/22 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân huyện Định Hóa đạt 46 triệu đồng/người/năm. Hệ thống trường lớp ở các cấp học, ngành học được sắp xếp, bố trí hợp lý, chất lượng dạy học được nâng cao; toàn huyện có 63/71 trường học đạt chuẩn quốc gia; mạng lưới y tế từ huyện đến xã được đầu tư xây dựng cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất; 23/23 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã được đầu tư xây dựng 137 công trình như: Đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, công trình điện… với tổng số tiền trên 116 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Đã có 26 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 23 xã được hưởng lợi từ các công trình này. Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã triển khai 118 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 7 mô hình giảm nghèo. Với sự đầu tư về giống, vốn, kỹ thuật, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn huyện đã phát triển các vùng cây ăn quả tập trung như: bưởi, na, ổi, chè, cam, thanh long mang tính hàng hóa, cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Giai đoạn 2013 - 2020, bằng các nguồn hỗ trợ khác, huyện Định Hóa đã huy động được trên 40 tỷ đồng cho hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở. Thời điểm 10 năm trước, Định Hóa vẫn có tới 2/3 số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 29,5%. Nhưng nay, giảm còn 6,45%, bình quân mỗi năm giảm từ 3 - 4%, riêng năm 2018 giảm gần 7%. Để có kết quả này, huyện đã sớm ban hành chương trình giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp cụ thể. Cùng với đó là các chương trình, đề án góp phần nâng cao thu nhập cho người dân như: Hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại - dịch vụ phục vụ du lịch; xây dựng NTM... Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm và đạt hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển thị trấn Chợ Chu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn; phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lịch sử - văn hóa. Mục tiêu phấn đấu của huyện là giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4% năm trở lên; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 105 triệu đồng; đồng thời đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực. Hiện, toàn huyện có khoảng 2.700 ha quế, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung; mỗi năm, huyện chỉ đạo thực hiện trồng mới trên 500 ha quế, phấn đấu đến năm 2025 đạt quy mô trên 5.000 ha quế.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, phát huy giá trị truyền thống lịch sử, nhân dân Định Hóa hôm nay cùng đồng lòng bước tiếp vào một cuộc cách mạng mới, đó là hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2023. Hiện Định Hoá đã có 11/22 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Để đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023, Định Hóa đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ có 5 xã về đích và năm 2023 các xã còn lại sẽ về đích NTM. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Sơn Phú, Phú Đình và Kim Phượng.