THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:25

Ngày mới ở làng cùi Ea Na

Không còn mặc cảm

Làng cùi Ea Na tập trung hầu hết các bệnh nhân bị mắc bệnh cùi về để điều trị và sinh sống luôn tại đó. Ngôi làng đặc biệt này có thời điểm trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đến thăm.

Theo chỉ dẫn của Y Ngin- cán bộ y tế huyện Krông Ana, chúng tôi tìm đến gia đình ông H’Lim. Vợ chồng ông đều mắc bệnh phong. Vừa nghèo vừa thiếu hiểu biết, trước đây lại mặc cảm không chịu đi chữa trị nên tay chân của họ hiện đã rụng gần hết ngón. Giàn giụa nước mắt, ông H’Lim nghẹn ngào: “Hồi đó, mình mắc bệnh phong mà đâu có biết gì. Cũng may được các cán bộ ở đây chăm sóc, động viên nên giờ đây không còn mặc cảm nữa. Bàn chân không ngón vẫn có thể làm việc lặt vặt được. Nhà nước quan tâm bố trí cho một căn nhà nhỏ ở trong làng này cũng ổn. Những thân phận đồng cảnh với nhau nên tìm đến nhau chia sẻ buồn vui nõ cũng dễ thôi”. 


   Người làng cùi đã không còn mặc cảm

Cũng vì xóa được nỗi mặc cảm nên những người con của vợ chồng H’Lim đã không còn ru rú trong nhà tối ngày ăn củ sắn, củ khoai như trước đây nữa. Vợ chồng bà Y Nhung cũng đều mắc bệnh phong như vợ chồng ông H’Lim. Nhíu mày nhăn mặt mãi, bà Nhung vẫn không nhớ nổi ngày bà cùng gia đình từ miền xuôi đến định cư tại làng phong này. Bà bảo;“Bác sĩ bảo mình bị nhiễm khuẩn Hansen gây bệnh phong rất nguy hiểm. Người xung quanh ngày càng xa lánh, thế là vợ chồng mình cách ly lên đây để bầu bạn với những người đồng cảnh ngộ. Khi đó, chồng mình cũng nhiễm khuẩn Hansen. Được các cán bộ và nhân viên của làng cùi Ea Na này tận tình động viên. Cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh nên không còn mặc cảm nữa, yên tâm điều trị và làm việc để hướng về tương lai các con mình sau này”.

 

                      Cộng đồng xã hội luôn chung tay giúp đỡ

 Anh Vương Bình Hải, người ở Quảng Nam, vào làng phong Ea Na đã được 22 năm tâm sự rằng: May mắn, tôi đã được vào đây để tiếp tục một cuộc đời có ích nếu không giờ chẳng biết về đâu. Cho đến năm 2017, làng phong Ea Na đã có trên 150 hộ gia đình với trên 530 nhân khẩu thuộc nhiều thành phần dân tộc: Ê đê, M'nông, Kinh, Bana… Ngoài gần 200 bệnh nhân nặng đang được điều trị số còn lại đều là những người đã được điều trị dứt bệnh hoặc con cháu họ được sinh ra và lớn lên ở đây.

Sức mạnh từ tình yêu thương

Cách đây 5 năm thôi, lần đầu tiên đến làng cùi Ea Na, nhìn cảnh nhiều bạn trẻ bị hủi ăn rụng hết nhiều ngón tay, ngón chân tôi đã băn khoăn và day dứt mãi với câu hỏi tương lai họ sẽ ra sao?. Trở lại lần này, gặp chính những người trẻ đó, thấy cuộc sống hạnh phúc của họ tôi đã vỡ lẽ ra rằng chính tình yêu đã vạch ra cho họ con đường mới ấm áp và sáng sủa phía tương lai. Đâu phải cứ tật nguyền, cứ bệnh hiểm nghèo là cuộc sống đi ngõ cụt.  

  Cuộc sống đã ổn định

Nhìn thung lũng Krông Ana nơi hội tụ phù sa của dòng sông Krông Ana đang phủ một màu xanh ngút ngàn, anh Y Hinh khoe rằng: “Ba năm trước mình cô đơn lắm, nỗi buồn thân phận làm mình chỉ biết co cụm trong nhà thôi, khi nào bác sỹ đến phát thuốc thì uống. Có hôm cũng chẳng muốn uống nữa. Cho tới ngày, bước ra khỏi làng, gặp Ka Nhi ngay rìa làng cùi Ea Na này và rung động trước vẻ mộc mạc của cô ấy nên mình quyết định làm ăn chăm chỉ trên một mảnh đất nhỏ được Nhà nước bố trí cấp cho các gia đình làng phong Ea Na này dù đôi tay chỉ còn có 4 ngón. Là người trẻ tiên phong rũ bỏ mặc cảm, với đôi tay tàn tật Y Hinh làm việc chẳng thua người lành lặn. Chẳng mấy chốc, miếng đất hoang đã thành nương mía xanh tươi.

Mến cái chăm chỉ, cái thật thà của anh, cô sơn nữ Ka Nhi đã thương thầm trộm nhớ nhưng vẫn thẹn thùng không dám bộc lộ ra mặt. Tình cảm của họ cứ thế âm thầm lớn dần, rồi cũng thành vợ thành chồng. Rất may là đứa con của họ không còn bị bệnh phong nữa.

Ở làng cùi Ea Na này cón có hàng chục mối tình khác đã giúp họ vượt qua đau thương. Như vợ chồng chị Y Nhút. Hai vợ chồng đều bị bệnh hủi, anh Y Hlich đã từng buồn chán, cùng quẫn vì bệnh tật và định nhảy xuống sông Krông Ana nhưng rồi nghĩ đến đứa con thơ đang cần người chăm sóc nên anh lại thôi. Chứng kiến cảnh người vợ tần tảo, bị rụng hai ngón tay từng ngày chăm sóc mình những lúc nằm liệt giường không ít lần Y Hlich bật khóc. Xúc động, anh nhớ lại: “người già thì đã đành. Những người trẻ, thanh niên như bọn  mình ở làng cùi này xác định tâm lí vững chắc để vừa làm ăn vừa đối chọi bệnh tật là điều rất quan trọng. Phải vượt qua được mọi lấn cấn trong suy nghĩ thì mới có sức mạnh được”. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh