Thiết thực, bổ ích và hiệu quả
- Tây Y
- 20:39 - 20/01/2019
Từ 6h sáng, học sinh từ nhiều tỉnh ở miền Đông và Tây Nam bộ đã có mặt tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Được biết, có nhiều trường đã đưa toàn bộ học sinh lớp 12 xuất phát từ 3-4 giờ sáng, vượt hàng trăm km để đến với sự kiện tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp được đánh giá là có nhiều tác dụng và ý nghĩa này.
Hàng nghìn học sinh từ nhiều tỉnh, thành khu vực Nam bộ đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2019 tại TP.HCM
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra lời khuyên cho học sinh: “Học gì nên do chính các bạn lựa chọn, dựa trên đam mê, năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình, dựa trên những thông tin đầu vào từ xã hội, nhà trường và nhà tư vấn”.
Theo ông Dũng, học đại học “tất nhiên là tốt rồi”, nếu học sinh có đủ năng lực, kiến thức phổ thông vững vàng về giáo dục nghề. Tuy nhiên, tổng kết năm học vừa qua, nhiều trường tuyển sinh gắn với tuyển dụng, nhiều trường nghề có trên 90% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng. Đó cũng là một lựa chọn tốt nếu học sinh không đi theo con đường học đại học.
Hoạt động tư vấn đã diễn ra sôi nổi, cung cấp nhiều thông tin vô cùng bổ ích cho học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo
Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng, chọn ngành nào, chọn trường nào luôn là nỗi băn khoăn của các bạn trẻ trước mỗi mùa tuyển sinh. Đây cũng là thời điểm các bậc phụ huynh nặng nỗi ưu tư về lối đi của con mình sau khi các em rời trường phổ thông.
Làm sao các bạn biết được mình hợp với ngành nghề nào? Học nghề để nhanh có việc làm, theo học đại học hay cao đẳng? Nên chọn ngành theo đam mê hay theo xu hướng của xã hội?... Có quá nhiều câu hỏi đặt ra cho học sinh, phụ huynh trước mỗi mùa thi. Chương trình tư vấn chính thức của ban tổ chức tại ba khu vực diễn ra đồng thời từ 8h30 và kéo dài trong suốt ngày 20/1, gồm: Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an...; Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm, công nghệ... và Khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi, gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý...
Nhiều hình thức tư vấn đa dạng, sinh động đã tạo ấn tượng mạnh với đông đảo học sinh
Danh sách Ban tư vấn bao gồm nhiều cái tên quen thuộc và khá nổi tiếng, như: TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT; TS Trần Thế Hoàng, chủ tịch hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)…
Các gian tư vấn của các trường luôn chật cứng học sinh để tìm hiểu, nhận tư vấn. Đây là nơi nhằm giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về sự đa dạng của bậc học, ngành học, môi trường đào tạo... của từng trường. Đó là nơi mà học sinh được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với đại diện trường mà mình quan tâm, được cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh 2019 và trực tiếp tham gia các hoạt động hướng nghiệp sôi nổi từ chính các trường. Nhiều trường còn mang các thiết bị thực hành sức khỏe, cơ khí, nhà hàng, ôtô... đến ngày hội để giúp học sinh định hướng và hình dung công việc cụ thể của từng ngành, từ đó định hình một cách rõ ràng về công việc mà mình lựa chọn trong tương lai.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của học sinh và phụ huynh
Nhiều thầy cô giáo của các trường ở địa phương xa, đi cùng học sinh cho biết, do điều kiện ở xa các trung tâm văn hóa, giáo dục, nên thông tin từ các trường đến với học sinh không nhiều. “Trước giờ cũng có một số trường cửa người về tận trường tư vấn, nhưng chủ yếu là các trường ngoài công lập, thông tin mà họ cung cấp chủ yếu để phục vụ cho việc chiêu sinh của trường đó, chứ chưa bao giờ có được cái nhìn toàn cục về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để học sinh lựa chọn”, thầy Trương Nhựt Lê Tâm, giáo viên trường THPT Nguyễn Thái Bình, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, cho biết.
Những ghi nhận đầu tiên vào buổi sáng, nhiều mối quan tâm của khá đông học sinh dành cho khối ngành Y, khi Bộ GD&ĐT vừa có những quy định mới, ví dụ như thêm tiêu chí ngoại ngữ vào một phương thức tuyển sinh mới, hoặc quy định phải là học sinh giỏi mới được thi ngành Y.
“Nhìn chung năm nay các quy định thi và tuyển sinh hầu như không có gì khác biệt lớn so với các năm gần đây. Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi và tuyển sinh sẽ được giữ ổn định cơ bản đến năm 2020, những thay đổi nhỏ qua các năm chỉ để khắc phục những bất cập nhỏ làm kỳ thi, tuyển sinh ngày càng hoàn thiện hơn. Do đó các em hãy yên tâm”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp thắc mắc.
Đặc biệt, tại gian tư vấn của ĐH Nam Cần Thơ, còn có sự hiện diện của Anh hùng Lao động – Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân, dù đã 79 tuổi, vẫn trực tiếp tư vấn cho các phụ huynh và học sinh. Ông cho biết, mình đã đến chuẩn bị từ hôm trước. Ông chia sẻ: những học sinh đang chuẩn bị chọn ngành chọn nghề cho tương lai, cần xác định đam mê của bản thân, sau đó mới chọn ngành và cuối cùng là chọn trường mà mình sẽ theo học.
GS.TS Võ Tòng Xuân, ở tuổi 79 cũng luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của học sinh và phụ huynh
Cũng ở tuổi cao niên, GS Võ Văn Tới - phụ trách bộ môn Kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, mang theo dụng cụ thí nghiệm để trực tiếp “thị phạm” về ngành Y sinh vốn rất xa lạ, mới mẻ với nhiều học sinh Việt Nam.
Sau khi đưa học sinh trải nghiệm các thí nghiệm, ông chỉ ra điểm đặc trưng của ngành so với các ngành liên quan như bác sĩ hay kỹ sư điện tử, giải đáp cặn kẽ các thắc mắc của học sinh về cơ hội nghề nghiệp, tố chất cần có, tiêu chuẩn đầu vào của ngành…
ThS Trần Anh Tuấn – chuyên gia thị trường lao động, bà Trần Thị Bích Hạnh, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM và TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM tham gia tư vấn cho học sinh
Năm 2019 sẽ có ba ngày hội tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và 14 chương trình tại khắp các tỉnh thành cả nước. Tại đó, học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo từ các trường phổ thông sẽ được thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ngoài ra, ban tư vấn là chuyên gia trên nhiều lĩnh vực sẽ giải đáp cặn kẽ để thí sinh nắm rõ nhất lĩnh vực ngành nghề mình quan tâm. Các bạn sẽ biết được ngành mình chọn cần có tố chất gì để theo học, điểm tuyển ra sao, việc làm cũng như cơ hội nhận học bổng du học.
Cũng tại sự kiện này, nhằm góp phần giải tỏa những áp lực của học hành và thi cử đối với học sinh, nhất là trước kỳ thi THPT quốc gia, BS Trần Thị Minh Hạnh, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM khuyên:“Các em cần có khoảng lặng để suy nghĩ, hãy tự hỏi mình là ai, thích gì, có khả năng làm được những gì? Trả lời được các câu hỏi đó là giải tỏa được áp lực”.