THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:36

“Ngày hội tạp dề”: Sự bình đẳng đến từ căn bếp

 

Với thông điệp Việc nhà là của chung, Ngày hội tạp dề là cơ hội để các thành viên trong gia đình sát lại gần nhau, gia tăng sự gắn kết và có trách nhiệm với tổ ấm của mình ngay từ những việc nhỏ nhất.

 Chị Trương Thị Ngọc Anh, trưởng dự án Tạp dề có đôi cho biết: “Tạp dề có đôi bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất, không nghĩ rằng bình đẳng giới là điều quá xa xôi, cứng nhắc mà đi từ những căn bếp, từ những chiếc tạp dề, từ công việc nhà. Tạp dề có đôi hi vọng sẽ là người bạn đồng hành của các gia đình, cùng các dự án về bình đẳng giới để tạo ra một xã hội bình đẳng xuất phát từ sự bình đẳng giữa các gia đình.”

Ngày hội tạp dề là cơ hội để các thành viên trong gia đình sát lại gần nhau hơn.

 Song song với các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho các bé và không gian mua sắm dành cho cha mẹ là toạ đàm Tạp dề đàn ông có nội dung chia sẻ câu chuyện xoay quanh lợi ích của người đàn ông khi tham gia việc nhà. Buổi trò chuyện có sự tham gia của 3 vị khách mời: nhà văn Trang Hạ, Thạc sĩ Trần Hồng Hạnh – Chuyên gia nghiên cứu về phụ nữ và giới, doanh nhân Nguyễn Huy Minh – Giám đốc công ty Sunshine Holdings.

Các khách mời tham gia toạ đàm Tạp dề đàn ông.

Theo nhà văn Trang Hạ, “trong gia đình nếu không có sự chia sẻ thì sẽ khó mà giữ được hạnh phúc gia đình. Chia sẻ công việc trong gia đình bước đầu xuất phát từ trách nhiệm, sau này là tự nguyện. Nó là cách xây dựng lòng yêu thương quan trọng nhất giữa các thành viên trong gia đình. Chúng ta học cách yêu nhau trong lúc chúng ta làm bếp và chúng ta chăm sóc gia đình. Và người đàn ông biết chia sẻ công việc bếp núc là hình ảnh người đàn ông “sexy” nhất!” Chị cũng cho rằng việc trao cho nhau lời khen ngợi, lời cảm ơn cũng là cách mang lại những giây phút thăng hoa cho cuộc sống mà ở đó mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy có trách nhiệm với nhau hơn.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hồng Hạnh, việc bình đẳng giữa các thành viên trong chia sẻ công việc nhà xuất phát từ những định kiến về giới vốn còn tồn tại rất nhiều trong xã hội mà cội rễ của nó là tư tưởng của đạo Khổng. Trong khoảng 7 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cởi mở về tư tưởng, người đàn ông trong xã hội hiện đại, đặc biệt là khu vực thành thị đã bắt đầu có xu hướng chia sẻ với người phụ nữ công việc nhà như là trách nhiệm, bổn phận của họ. Theo chị, việc chia sẻ công việc nhà cũng góp phần mang đến cảm giác gần gũi, tăng sự gắn kết tình cảm cho các cặp vợ chồng.

 “Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy phần lớn các chị em phụ nữ vẫn chưa thực sự “cởi trói” cho mình. Họ cho rằng công việc nhà là của người đàn bà, không phải của đàn ông. Vì vậy, cả hai giới đều nên phải thay đổi suy nghĩ trước rồi mới nói đến câu chuyện bình đẳng,” nhà nghiên cứu Trần Hồng Hạnh cho biết.

 Anh Nguyễn Huy Minh - Giám đốc công ty Sunshine Holdings, người giành giải Ba trong cuộc thi “Tạp dề Selfie” của dự án khẳng định, bản thân anh khi tham gia công việc nhà cũng nhận ra nhiều khoảnh khắc hạnh phúc, đôi khi cũng thú vị của cuộc sống gia đình. “ Tôi tin rằng bất cứ người đàn ông nào cũng có thể vào bếp bởi không một ai là không muốn yêu thương và được yêu thương từ chính căn nhà của mình,” anh Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ công việc nhà với người phụ nữ cũng là bổn phận của những người đàn ông.

Tạp dề có đôi ra đời từ năm 2006, là dự án xã hội vì bình đẳng giới, nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy trách nhiệm của người chồng, người vợ và các thành viên trong việc thực hiện các công việc gia đình, từ đó đóng góp một phần vào quá trình phát triển bình đẳng giới trong gia đình tại Việt Nam.

Thanh Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh