Ngày hội Mua sắm tại Việt Nam giúp doanh nghiệp Việt vươn mình sau đại dịch
- Huyệt vị
- 13:25 - 23/07/2021
Ngày hội Mua sắm (bao gồm những ngày giảm giá 8/8, 9/9, 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday, Tết Nguyên đán) là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm cho bản thân hay mua quà tặng, đồng thời mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội để tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng mới và gia tăng doanh số, khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đều tăng vọt. Trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp Việt đang phải vật lộn để vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại, Ngày hội Mua sắm là cơ hội để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Covid-19 thay đổi sâu sắc cách thức mua sắm, nhưng không thay đổi tình yêu mua sắm
Cũng giống người dân tại nhiều quốc gia châu Á, người Việt Nam rất coi trong dịp Tết Nguyên đán, biến đây trở thành dịp mua sắm quan trọng trên khắp cả nước, một ngày hội mua sắm cho người tiêu dùng. Vào dịp Tết 2021, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì "an toàn và thuận tiện hơn". Các phương tiện số cũng hỗ trợ đắc lực cho việc tặng quà, với 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến và từ xa để gửi quà.
Hơn cả giá trị vật chất, điều mà người Việt hướng đến chính là giữ gìn truyền thống tốt đẹp và lan tỏa tinh thần lễ hội. Facebook cùng các ứng dụng của mình, vì lẽ đó, đã trở thành một hệ sinh thái điển hình giúp kết nối mọi người và thúc đẩy trải nghiệm trong một giai đoạn đầy thử thách.
Mùa mua sắm cuối năm 2020 cũng chứng kiến số lượng người lần đầu tiên mua sắm trong sự kiện mua sắm tăng lên, với 28% người được hỏi chia sẻ thực tế này. Điều này là dễ hiểu trong một thế giới nơi mua sắm trực tuyến trở thành chuẩn mực. 91% Millennials cho biết mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống của họ, 82% Gen X chia sẻ họ sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn so với trước Covid. Trên thực tế, 9 trên 10 người mua sắm được khảo sát khẳng định rằng họ sẽ cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến vào các ngày hội mua sắm trong tương lai.
Tất cả cho thấy những tiềm năng to lớn dành cho giới doanh nghiệp trên cả hai phương diện thúc đẩy doanh thu cũng như xây dựng thương hiệu. Cân nhắc những khía cạnh đa chiều của hoạt động kinh doanh và tìm kiếm những động lực đứng sau việc ra quyết định của người tiêu dùng, Facebook đã chia sẻ 5 phát hiện quan trọng:
1. Việc lập kế hoạch trước cho Ngày hội Mua sắm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết
Năm 2020, 84% người mua hàng vào những ngày hội mua sắm đã lên kế hoạch từ trước sự kiện (cao hơn 15% so với mức trung bình tại châu Á – Thái Bình Dương). Hầu hết người mua dự định mua các mặt hàng Quần áo và Thời trang trong những ngày hội mua sắm, trong khi thiết bị Điện tử và Gia dụng được lên kế hoạch nhiều hơn trong Ngày lễ độc thân. 72% người mua hàng dành nhiều thời gian hơn để mua sắm trong dịp Tết. 51% đã sử dụng các ứng dụng của Facebook trong dịp lễ Tết để tìm các ưu đãi/khuyến mãi.
2. Người mua cởi mở hơn với các thương hiệu mới trong Ngày hội mua sắm
95% người mua hàng vào những ngày hội mua sắm ở Việt Nam đã thử mua một nhãn hiệu họ chưa từng thử. 79% có khả năng thử mua các nhãn hiệu đồ ăn, thức uống mới trong dịp Tết Nguyên đán. Quan trọng hơn, 83% người mua hàng tại Việt Nam cho biết họ sẽ mua lại các thương hiệu mới mà họ phát hiện trong những ngày hội mua sắm. Facebook là nền tảng phù hợp cho việc tham khảo và khám phá. Những người mua hàng vào dịp cuối năm đã cho biết các ứng dụng của Facebook là nguồn thông tin trực tuyến số 1 đem đến các ý tưởng và cảm hứng mua sắm. Facebook tiết kiệm chi phí gấp 2 lần so với kênh truyền hình trong việc thúc đẩy Độ phủ (Reach), đồng thời cũng có hiệu quả nổi bật trong việc thúc đẩy Sự liên hệ (Association) và Động lực chuyển đổi hành vi (Motivation) cho thương hiệu so với TV và các phương tiện số khác.
3. Video và những nội dung trải nghiệm thúc đẩy nhu cầu dịp Ngày hội Mua sắm
Nội dung video trên mạng xã hội tạo động lực khám phá. 84% người mua tìm được những sản phẩm phù hợp với họ thông qua video trên mạng xã hội trước tiên. Mặc dù Video ca nhạc, Phim hài và Chương trình truyền hình thực tế vẫn là nội dung được xem nhiều nhất trong dịp Tết, khán giả trẻ lại bị thu hút nhiều hơn bởi các nội dung do người dùng tạo ra (UGC), đặc biệt là từ các ứng dụng của Facebook. Người dùng luôn muốn là một phần của trải nghiệm mua sắm, bởi vậy những nội dung tương tác như Trò chơi và Instagram Live đặc biệt hiệu quả trong việc thu hút người tiêu dùng và là những lựa chọn hàng đầu.
4. Người mua hàng ngày càng quan tâm tới tính chân thật của thương hiệu và những người có tầm ảnh hưởng dịp Ngày hội Mua sắm
Niềm tin vào thương hiệu là yếu tố quan trọng mà người mua hàng cân nhắc trong mùa mua sắm đầy cạnh tranh. Người mua hàng mong đợi thấy các thương hiệu sản xuất nội dung có thật/chân thực trên phương tiện truyền thông xã hội. 67% đồng ý rằng "sự tham gia của người có tầm ảnh hưởng có tác động quan trọng đối với những gì tôi mua".
5. Các thương hiệu nên tận dụng nhiều điểm chạm để đảm bảo một hành trình mua sắm dễ dàng cho khách hàng nhân Ngày hội Mua sắm
Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, an toàn là tiêu chí hàng đầu đối với người mua hàng. Bên cạnh đó, giao hàng đúng hạn, độ hiện diện tốt và dịch vụ khách hàng là những yếu tố được cân nhắc hàng đầu khi ra quyết định. 82% người mua hàng đồng ý rằng "hình ảnh và video chất lượng cao rất quan trọng đối với bất kỳ giao dịch mua hàng nào của tôi". 88% người mua hàng đồng ý rằng "tôi tin tưởng các nhà bán lẻ/thương hiệu mà tôi có thể dễ dàng liên hệ và trò chuyện cùng". 65% người mua hàng trong kỳ nghỉ lễ có nhiều khả năng mua hơn nếu họ có thể liên hệ ngay với các doanh nghiệp thông qua tin nhắn.