Ngày hội “Lan tỏa yêu thương” tạo sân chơi an toàn cho các bạn nhỏ và gia đình
- Dược liệu
- 08:25 - 19/11/2023
Năm nay với chủ đề “Giáo dục bằng yêu thương - yêu thương đẩy lùi bạo lực", chiến dịch hướng tới các đối tượng là cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, các bên liên quan về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ, đặc biệt là thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Ngày hội “Lan tỏa yêu thương" 2023 được tổ chức với mục tiêu tạo một không gian gắn bó giữa cha mẹ và con cái để cùng thực hành và lan tỏa nhiều hơn giá trị của phương pháp giáo dục tích cực, phi bạo lực hướng đến chấm dứt mọi hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trong hành trình nuôi dạy con cái. Ngày hội có sự tham gia của đại diện Thành Đoàn TP.HCM, đại diện Hội Đồng Đội TP.HCM, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD và tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Save the children) và 100 gia đình với hơn 300 người tham dự bao gồm phụ huynh, trẻ em, giáo viên, tình nguyện viên và các cơ quan thông tấn báo chí.
Khai mạc ngày hội, Chị Trịnh Thị Hiền Trân- Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Đồng Đội TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “ Điểm nhấn của ngày hội hôm nay đó là các em thiếu nhi và gia đình sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi thú vị, qua đó tăng cường sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, các em được tìm hiểu về Quyền trẻ em và viết thông điệp yêu thương, chung tay, lan toả những giá trị giáo dục bằng yêu thương. Thành đoàn hy vọng sẽ mang đến các em thiếu nhi và gia đình những giây phút vui vẻ, hạnh phúc đồng thời ngày hội là dịp để cha mẹ và các con hiểu nhau và gắn kết hơn.”
Chia sẻ mục tiêu và thông điệp của chiến dịch Lan toả yêu thương, bà Trần Vân Anh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết “Trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là những hoạt động phòng chống các hình thức trừng phạt, bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ em,Viện MSD triển khai chiến dịch lan toả yêu thương nhằm tăng cường sự tham gia và cam kết của các bên liên quan cùng chung tay tạo môi trường tích cực, lành mạnh cho lợi ích tốt nhất của trẻ”.
Thời gian qua, không ít người lớn vẫn còn có quan điểm và thực hành các biện pháp kỷ luật thông qua đòn, roi và ngôn từ mang tính bạo lực vì cho rằng biện pháp này sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời từ đó sẽ trở nên ngoan ngoãn. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, bạo lực không đồng nghĩa với giáo dục, cũng không mang lại hiệu quả thay đổi tích cực trong hành xử của trẻ em, mà thậm chí còn để lại những tổn thương về thể chất cũng như tâm lý của trẻ.
Bà Vân Anh nhấn mạnh “mỗi em nhỏ chỉ có một tuổi thơ duy nhất và các em đều mong muốn và xứng đáng có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc với những kí ức thật đẹp - điều này sẽ là hành trang tuyệt vời nhất cho sự trưởng thành và phát triển toàn diện của các em. Do đó, thay vì quát mắng, đòn roi, người lớn cần phải thực hành và áp dụng những biện pháp giáo dục tích cực. Khi có sự đồng hành, thấu hiểu và kết nối, cha mẹ hay thầy cô đều dễ dàng cũng như kịp thời hỗ trợ trẻ khi có vấn đề xảy ra mà không để lại những hậu quả đáng tiếc”.
Ngày hội đã tạo ra một sân chơi để các bạn nhỏ và gia đình có cơ hội tìm hiểu về quyền trẻ em và loại bỏ trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, đặc biệt ở gia đình và trường học. Một số các hoạt động vui chơi, gắn kết sự tham gia của cha mẹ và con cái trong ngày hội bao gồm: Tham quan triển lãm tranh "Lan toả yêu thương - Yêu thương đẩy lùi bạo lực"; Cuộc thi sáng tạo dành cho gia đình: làm thiệp Lan toả yêu thương, trang trí heo đất, tô tượng; Thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc; đặc biệt khi đến với ngày hội mỗi gia đình đều được tặng qùa “Lan toả yêu thương” - là những ấn phẩm truyền thông nhằm lan toả và gửi gắm về giá trị của phương pháp kỷ luật tích cực.
Em Thanh Hà, 10 tuổi, chia sẻ: “Con cảm thấy rất vui khi tham gia chương trình. Con được chơi trò chơi cùng ba mẹ vì thường ngày ba mẹ con phải bận đi làm, ít thời gian dành cho con. Con mong được chơi cùng ba mẹ nhiều hơn, mong ba mẹ sẽ không quát mắng mỗi khi còn làm sai mà nhẹ nhàng hướng dẫn cho con, lắng nghe con nhiều hơn để hiểu con”.
Ngày hội là dịp để mỗi gia đình bên nhau, thấu hiểu và tích cực thực hành phương pháp giáo dục tích cực, hơn cả là cách xây dựng một mái ấm hạnh phúc, nơi nói không với bạo lực và các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần.