CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Ngày 25/3, thế giới ghi nhận 125,3 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo TTTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 510.904 trường hợp mắc COVID-19 và 9.042 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 125 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,75 triệu người không qua khỏi.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 125.310.719 ca, trong đó có 2.754.692 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 101.163.668 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.392.359 ca và 91.569 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. 

VTV cũng đưa tin, Mỹ hiện có 30,6 triệu ca nhiễm, trong đó có 557 nghìn ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 12.136.615 ca nhiễm và 298.843 ca tử vong. Đứng thứ ba là Ấn Độ với 160.521 ca tử vong trong số 11.742.567 ca nhiễm. 

Tại Mỹ Latin, Colombia sẽ áp đặt các biện pháp mới hạn chế người dân đi lại tại các thành phố có nhiều bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Cụ thể, trong các khoảng thời gian từ 26-29/3 và từ 31/3-5/4 tới, người dân sẽ bị hạn chế về thời gian vào siêu thị, ngân hàng và trung tâm mua sắm căn cứ vào số thẻ căn cước. Trong thời gian trên, người dân cũng sẽ bị hạn chế đi lại từ 20h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Đến sáng 25/3, thế giới ghi nhận 125,3 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Trong khi đó, Chính phủ Cuba kỳ vọng đến tháng 8 tới, hơn 6 triệu người, chiếm 50% dân số nước này sẽ được tiêm chủng với các loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế trong nước. Hiện Cuba đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với hai loại vaccine do nước này bào chế là Soberana 2 và Abdala với các tình nguyện viên tại thủ đô La Habana và một số tỉnh miền Đông như Santiago de Cuba, Guantanamo và Granma. Nếu thành công, đây sẽ là hai vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được bào chế tại khu vực Mỹ Latin. Cuba đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm chủng cho tất cả người dân.

Tại châu Âu, Ba Lan đã ghi nhận 29.978 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức kỷ lục tính theo ngày trong bối cảnh chính phủ sẵn sàng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhằm ngặn làn sóng dịch thứ ba đang xấu đi. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khả năng chính phủ sẽ áp đặt thêm các hạn chế mới trước thềm lễ Phục sinh. 

Na Uy tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn từ ngày 25/3-12/4 để phòng dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ sẽ tạm cấm các nhà hàng và quán bar bán rượu, bia. Các phòng tập thể dục và bể bơi công cộng phải đóng cửa. Các gia đình chỉ được phép tiếp tối đa 2 khách. Chính phủ cũng yêu cầu mọi người tăng giãn cách xã hội từ 1 lên 2 mét. Người nước ngoài đến Na Uy hoặc người Na Uy về nước không phải với lý do cấp thiết sẽ phải cách ly 10 ngày tại khách sạn được chỉ định, thay vì 3 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như quy định hiện nay.

Hà Lan thông báo sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch đến ngày 20/4 tới do số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn, theo đó bắt đầu từ 22h, thay vì 21h, tối hôm trước và kéo dài đến 4h30 sáng hôm sau. Các biện pháp phòng dịch hiện nay tại Hà Lan theo dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/3 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan cho rằng không thể dỡ bỏ những hạn chế hiện nay khi số ca mắc lại tăng và thêm nhiều người phải nhập viện.

Còn Bỉ thông báo sẽ đóng cửa trường học, các cửa hàng bán đồ không thiết yếu và tiệm cắt tóc trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 27/3 trong khuôn khổ lệnh phong tỏa chặt chẽ mới được nối lại nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang gia tăng ở nước này. Lệnh phong tỏa yêu cầu các trường học sẽ đóng cửa từ ngày 29/3, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, và mở cửa trở lại vào ngày 19/4.

Pháp, nước láng giềng của Bỉ, sẽ bổ sung 3 vùng là Rhone, Aube và Nievre vào danh sách các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, cần theo dõi sát sao và sẽ cần áp đặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang xấu đi trên toàn nước Pháp.

Trong khi đó, Thụy Điển thông báo từ ngày 31/3 tới, sẽ ngừng việc cấm những người đến từ Na Uy và Đan Mạch nhập cảnh. Tuy nhiên, tất cả những người nhập cảnh Thụy Điển vẫn cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, người dân ở thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Prey Veng và Siem Reap của Campuchia bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng trong bối cảnh những khu vực này được xác định là có nguy cơ lây nhiễm cao. Campuchia hiện đang trong làn sóng dịch bệnh thứ ba, bắt đầu từ ngày 20/2.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản và 3 tỉnh lân cận đã quyết định kéo dài việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh rút ngắn giờ hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh gia tăng trở lại tại vùng thủ đô. 

Còn Singapore sẽ mở rộng diện tiêm chủng cho những người dưới 60 tuổi bắt đầu từ ngày 24/3 nhờ những tiến triển tích cực trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và các lực lượng tiền tuyến. Tính đến hết ngày 24/3, Singapore đã tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine. Trong tuần qua, bình quân mỗi ngày có 40.000 liều vaccine được tiêm. Đã có gần 800.000 người đã được tiêm ít nhất một mũi, trong đó khoảng 310.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.

Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, với điều kiện tình hình sẽ trở lại gần như trước đại dịch. Quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế dự kiến có hiệu lực từ ngày 29/3. Theo đó, nhà chức trách cho phép các sân vận động và rạp hát hoạt động bình thường, dỡ bỏ các hạn chế hoạt động trong các quán rượu và hộp đêm.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh