Ngày 20/10 đặc biệt của những phụ nữ cửu vạn, nhặt ve chai ở Hà Nội
- Y học 360
- 17:45 - 20/10/2019
Trưa 19/10, xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) trở nên rộn ràng, tấp nập hơn ngày thường.
Những bà, những mẹ đã ở “tuổi xưa nay hiếm” như trẻ ra cả chục tuổi khi được mặc áo dài, được trang điểm và trình diễn trên sân khấu trong ngày dành cho chính họ: “Ngày đẹp nhất”. Đây là chương trình do Hội Từ Thiện Thật tổ chức cho những người phụ nữ lao động nghèo ở Hà Nội.
“Họ là những người phụ nữ hàng ngày phải mưu sinh, lam lũ bằng đủ các công việc từ: bán nước, lượm ve chai, nhặt rác, cửu vạn… Nhiều người không có nổi một ngôi nhà nhỏ, hay một gia đình trọn vẹn cho chính bản thân mình.
Rất nhiều bà, nhiều cụ trong số này, dù đã 70-80 tuổi, tóc đã bạc, mắt đã kém nhưng chưa một lần được trang điểm, mặc váy hay nhận một món quà trong ngày 20/10.
Vì thế, chúng tôi đã quyết định, tổ chức “Ngày đẹp nhất” để giúp những phụ nữ lao động tại đây có một kỷ niệm vui, ý nghĩa trong cuộc đời”, anh Thành Trung - người sáng lập Từ Thiện Thật nói.
13 giờ trưa, các thành viên trong xóm trọ Long Biên đã có mặt đông đủ tại khoảnh sân chung. Họ kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt được trang điểm, làm tóc. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh không giấu nổi niềm vui và hạnh phúc.
Bà Trần Thị Tuyết (70 tuổi, quê Thái Bình) hôm nay tạm nghỉ công việc nhặt tôm ngoài chợ. Đây là lần đầu tiên trong suốt 70 năm qua, người phụ nữ này mới được trang điểm và khoác lên mình bộ áo dài lộng lẫy.
“Cuộc sống khó khăn, lo chạy ăn từng bữa đã vất vả, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến một món quà, hay lời chúc. Ngày hôm nay, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được thế nào là không khí của ngày lễ dành cho chính mình. Đây là món quà 20/10 ý nghĩa nhất trong đời mà tôi có được”, bà Tuyết xúc động nói.
Nhà nghèo, trước đây bà Tuyết cùng gia đình sống 18 năm lênh đênh tại bãi giữa sông Hồng. Hai năm gần đây bà mới chuyển lên thuê trọ ở xóm nghèo dưới chân cầu Long Biên.
Để có tiền nuôi các con khôn lớn, bà Tuyết từng phải mưu sinh đủ nghề: từ bán nước, mò cua, bắt ốc, nhặt phế liệu… Hiện nay dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, hàng ngày bà Tuyết vẫn phải đi nhặt “mót” tôm rơi vãi ngoài chợ rồi mang bán kiếm thêm “đồng ra, đồng vào”.
“Năm nào vào ngày lễ, Tết tôi cũng phải đi làm ngoài đường, ngoài chợ. Nhìn mọi người được tặng hoa, nhận quà, đi ăn uống vui vẻ, bản thân cũng có chút chạnh lòng, tủi thân. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành phải chấp nhận sự thiệt thòi”, bà Tuyết nghẹn ngào nói.
Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm, bà Nguyễn Thị Tiến (78 tuổi) hàng ngày sống bằng nghề lượm ve chai. Cả gia tài của bà là một chiếc e đẩy các vật dụng hàng ngày. Cuộc sống của bà nay đây mai đó ngoài đường.
Gần 80 tuổi, nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ được sống trong căn nhà tử tế của riêng mình. Mỗi lần kể về cuộc đời của mình, bà đều bật khóc vì xúc động. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời bà được trang điểm, làm tóc và trình diễn trên sân khấu trong ngày 20/10.
Cũng có cảnh đời tương tự, bà Ba (73 tuổi) sống trong căn lều nhỏ dựng tạm, tồi tàn chỉ rộng khoảng 3m2, ở cuối dãy trọ.
Người đàn bà có gương mặt khắc khổ, tóc đã bạc trắng hôm nay trông trẻ trung trong bộ áo dài hoa rực rỡ. Bà ngượng nghịu khi lần đầu tiên được tô son, đánh má hồng. Nỗi vất vả, lo toan thường nhật dường như đã không còn.
“Cả tuần vừa rồi tôi trằn trọc không ngủ được vì háo hức, chờ đợi đến ngày này. Từ sáng, mọi người trong xóm đã gọi nhau ầm ĩ, bàn bạc sôi nổi vui như Tết. Không ngờ ở cái tuổi này rồi, mình vẫn còn được ăn diện và làm đẹp như thế.”, bà Ba chia sẻ.
Hoàn cảnh của bà Ba khá thương tâm, nhà nghèo, sinh được hai người con thì một người con gái phải cho đi làm con nuôi từ khi con nhỏ. Người con trai còn lại thường xuyên đau ốm, gần như cũng không thể giúp gì được mẹ. Vì thế, dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà Ba vẫn phải đi nhặt ve chai, làm thuê để kiếm tiền ăn qua ngày.
“Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến ngày mình được nhận quà, lời chúc trong ngày 20/10. Hôm nay được mọi người tổ chức cho tôi thấy xúc động, hạnh phúc lắm”, bà Ba tâm sự.
Khi tiếng nhạc cất lên, các bà, các mẹ được những tình nguyện viên lần lượt dẫn lên sân khấu. Họ những người phụ nữ cả đời lam lũ, vất vả, lần đầu tiên được trình diễn, đi “catwalk”, bước chân không tránh khỏi sự lóng ngóng, ngượng nghịu nhưng khuôn mặt thì rạng rỡ niềm vui.
“Chồng tôi mất, các con thì cũng lăn lộn mưu sinh ở khắp nơi, 60 năm qua tôi chưa bao giờ được nhận một bông hoa, hay một lời chúc ngày 20/10. Vì thế, ngày hôm nay được các cháu tổ chức tặng quà, giúp trang điểm, làm tóc, không chỉ riêng tôi mà mọi người trong xóm trọ đều hạnh phúc vô cùng”, cô Nguyễn Thị Liên (60 tuổi, cư dân xóm trọ Long Biên) xúc động nói.