THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Ngẫu hứng Trần Tiến 3

 

Anh Tiến kể chuyện Lập nghe….
Vũng Tàu sáng nay gió lớn quá, sóng bạc. Người ta cứ vu cho biển, nào đẹp dịu dàng như cô gái, nào khó tính như một bà già. Mấy anh “nghệ” thì rắc rối nhất, mượn biển nói đủ chuyện mộng mơ như chích choè cái. Nhưng anh Sơn thì đàn ông hơn. Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi/ Tôi xô biển lại, sóng về đâu..
Biển Vũng Tàu
Anh chỉ mong viết được như anh Sơn, vậy mà có lần anh ấy nói, chỉ mong viết được bài ”Bằng lòng đi em về với quê anh …”  của Tiến. Chả biết anh ấy nói có thật không. Bọn ta như lũ leo núi. Thằng này  ghen với thằng kia. Mà ngọn núi thì vẫn thế, chẳng bao giờ quan tâm đến cao thấp. Mà biển kia cũng vậy, chẳng bao giờ quan tâm mình xấu đẹp hay bạc bẽo.
Thực ra, chúng ta còn ”trần gian” lắm. Mấy chục triệu năm nay chúng ta đã đánh mất con mắt thứ ba tuyệt vời. Cái tai thứ ba thính hơn tai chó.
Ngày anh ở rừng, trong cơn sốt rét mê mệt, có lần anh nghe được tiếng thì thầm ngoài vũ trụ, anh nhìn thấy màu núi rừng Trường Sơn.  Lạ lắm. Trước kia, anh có đọc đâu đó về chuyện này, tưởng là chuyện bịa. Ngẫm lại chính mình, làm sao có thể cõng trên lưng con bé múa to đùng của đoàn, nhảy vượt qua vách hào giao thông cao bằng đầu mình, chạy như điên vì sợ đạn bắn. Chuyện này cả đoàn anh sau này còn nhắc. Chị Ngô Thị Tuyển hồi chiến tranh, chắc phải “xách dép”. Có những giây phút con người có sức mạnh, hoặc những khả năng ghê gớm. Trong sáng tác, anh em mình vẫn gọi là “thời khắc thăng hoa” vàng ngọc trời cho đấy.
Chạy nạn thời chiến tranh (Ảnh Philip - Jones, minh họa)
Anh thường thấy người ta cay cú vì chuyện gì đó ghê gớm lắm mà trở nên người thành đạt. Hoặc nghèo đói, hoặc bị sỉ nhục, hoặc bị sét đánh nữa…Nhưng chắc chẳng có ai muốn được đói, được sỉ nhục, được bị sét đánh để viết được một tiểu thuyết hay, Lập nhỉ. Hè..
Vũng Tàu sáng nay thật dữ dội, anh có thể luyên thuyên hoài đủ chuyện giời ơi. Nhưng sẽ nhạt làm sao cái thứ văn chương chữ nghĩa của kẻ trần gian mắt thịt tai trâu. Giá mình tu để có được con mắt “huệ nhãn” nhìn được các em xinh tươi đẹp đến đâu, có được cái tai chó thần để nghe được khúc khải hoàn của những vì sao nâu lùn đang hát karaoke trên bầu trời. Nói vậy cho vui chứ mình ngu gì đổi mười năm còn lại để tập thiền, đi tu. Vớ vẩn. Nói như Trần Trọng Kim, hãy ở nơi ”hình nhi hạ” vẫn vui hơn cõi trên nhiều. Thánh nhân thích đãi kẻ khù khờ, tai trâu. Thánh nhân chẳng bao giờ đãi Thánh nhân. Làm Thánh nhân khổ chết mẹ, em nhỉ.
 Lập à.
Anh cứ mơ được viết văn như em. Hay tại vì lâu quá anh không có thời gian đọc văn nước ta, và nước chúng nó. Anh đọc và cứ cười một mình như thằng điên.
Nghệ thuật là hấp dẫn. Chuyển tải gì tính sau. Thực có quan trọng quái gì đâu mà cần phải chuyển tải. Ai cũng sáng tác nhạc và viết văn được cả thôi, Vì trời không phân công “công tác” thôi. Thằng Tạo viết ca khúc cũng dễ thương vậy. Ông Nguyễn Đình Thi viết nhạc, ông Văn Cao vẽ… Trời cho thì nhận.
Đừng nghĩ nhiều đến chuyển tải thông điệp. Chẳng có thông điệp nào mới cả. Nhưng sẽ rất mới nếu sống thật mình. Làm tình thì có gì là mới. Những ai yêu ta thật, dù chả biết kỹ thuật gì, vẫn cứ làm ta mê đi là sao. Nói ỡm nói ờ mà cứ sướng là sao.
Anh ơi, nhìn này, nó là cây lúa đấy.
Chàng ồ lên, thế à. Thích nhỉ, cây lúa đẹp nhỉ.
Ha ha... tình yêu thì lúc nào cũng vui, dù chẳng có thông điệp gì mới.
Nhưng này, sao em lại đưa chuyện làm ăn của chúng ta vào Blog. Và cũng chẳng xin phép anh. Hư quá. Em cần biết gì đó về anh, thì anh kể chuyện lăng nhăng để em hiểu thêm được chút nào, hay chút ấy. Sao em lại tung lên chia sẻ với bạn bè.
 Sáng nay thằng Tạo gọi điện khen anh viết hay. Ơ, văn chương mạt rồi hay sao mà em đưa cái thứ nhí nhố này lên, hả em?
thuviensuckhoe.org gửi tới độc giả một ca khúc của tác giả Trần Tiến
Ca khúc: Phiên chợ xa (album Du ca Đồng quê)
Ca sĩ: Trung Kiên

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh