THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:07

Ngẫu hứng Trần Tiến 14 & 15

1. Ngẫu hứng Trần Tiến 14

 

Lập à,
Thằng Khanh “khú” mấy ngày nay chẳng thèm phôn. Anh sợ nó bệnh hoặc giận anh, chán anh. Không, nó chở vợ con đi chơi, nhân ngày lễ. Nó điện lại phân trần. Anh bảo: chứ còn gì nữa! Gia đình là một thứ thảo dược mát nhất, đắt nhất trên đời.
Đừng quên Lập nhé, cái thằng suốt đời rượu đưa lên mây kia! Không có gia đình mày chết lâu rồi. Rượu thì hỏa, khát vọng là hỏa, không nóng, sao lại khát…vọng. Gia đình giữ ta lại để sống như mọi sinh vật đấy, em giai.

Vài nghệ sỹ bạn anh chết sớm cũng còn một lý do, không vợ con. Nhưng kinh hãi nhất là không bạn bè, không người thân, không có ai trên đời. Chỉ là vì họ không phải là người bạn sẽ nhớ đến lúc cô đơn nhất. Mặc dù họ là bạn bè, là người thân.
Nhớ anh Sơn (Trịnh Công Sơn), có chương trình gì đó về mình trên tivi, anh gọi điện khen. Mình ngạc nhiên: Anh mà xem ti vi? Mình chẳng xem thì còn làm gì nữa, anh nói. Cô đơn thật khủng khiếp. Chờ ngày lìa xa trái đất yêu thương, Trời chưa gọi, cô đơn ấy thật… khủng.

“Độc huyền cầm buồn lắm

 Mấy ai người tri âm…”  Văn nghệ tưởng lấp đi cô đơn của nghệ sỹ… Không, chỉ là một cách trốn, như ngày bé ta hay tìm một chỗ không ai thấy í. Cái chăn chẳng hạn… Sáng tác chỉ có ý nghĩa như một cái chăn (mền) tuổi thơ.
Cô đơn hoàn…tán, vị thuốc mới, ai mua không?
Gia đình Trần Tiến
2. Ngẫu hứng Trần Tiến 15

Lập à, 

 Trong bữa rượu nhỏ, bạn bè tổ chức bên ghềnh đá Vũng Tàu mừng anh 67 tuổi, lần đầu tiên, anh cảm thấy một ngày sinh nhật hạnh phúc. Hì, đàn ông thì khoái cái gì vụ sinh nhật. Nhưng có một cú mail gửi vào phone, báo rằng ban nhạc vừa thu xong bài “Cao Nguyên Đá” anh nghe để duyệt. Nghe xong anh cứ bần thần như cái thằng mất cái gì đó. Duyệt cái con mẹ! Cỡ chúng nó, duyệt anh thì có. Hay lắm em ạ. Anh gửi em nghe thử.

Nhiều khán giả than phiền với anh, nhạc bây giờ nghe “tai này qua tai kia”. Anh trả lời: Thế giới cũng vậy, nữa là mình. Hôm nay anh đã nghĩ khác. Vẫn còn những người trẻ tuổi rất hay.

Nhớ một câu ai đó nói: “Thế giới này không tàn mãi đâu, trong khu rừng cháy tàn tạ kia, thế nào cũng có một vài mầm sống còn sót lại. Ngày mai sẽ thành rừng. Thậm chí là rừng già”. Thế nào cũng có những đứa trẻ kiến tạo lại thế giới âm nhạc đã mất. Ngày càng có nhiều kẻ đánh mất đi nhân phẩm, thì lại sẽ có một ít người lưu giữ lại tất cả những phẩm giá đã mất đi đó.

Tay chơi guitar của ban nhạc gọi anh là ông ngoại. Ngẩn ra một lúc mới nhớ ra, đúng rồi. Cháu ngoại chơi nhạc hard rock bài ông mới sáng tác, tặng ông. Cả ban nhạc là thế hệ 9x. Anh giả vờ quát: Sao dám cắt hai nốt nhạc của ông. Nó hì hì cười, bảo: cho ông đỡ già. Nghe “ghét” nhỉ.

Chợt nhớ lại cái ngày thế hệ đàn em: Sỹ Thanh và Mary Linh ra khuấy đảo Hà Thành êm ả bằng lối hát rock và jazz bài “Điệp khúc tình yêu” của mình. Phục và Sướng… tê người. Rồi đến thế hệ cháu, Hà Trần gửi về tặng chú nhân ngày sinh thứ 60 CD Trần Tiến, chú nó nghe hàng tiếng đồng hồ, tự sướng. Bây giờ lại đến thế hệ cháu gọi bằng ông. Anh sống khốn nạn như con chó, chỉ được cái sướng, người ta đồng cảm hát và nghe nhạc mình. Chết được rồi, Lập à.

Nói vậy, chứ anh chưa sẵn sàng chết.

Anh có mấy thằng bạn thơ nghèo như con chó rách: Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật,… Nhiều lắm, nhớ chẳng hết. Chúng nó nghèo nên thương thằng nghèo mà chưa nổi tiếng. Nó động viên anh làm nhạc. Đến khi anh nổi tiếng rồi. Chưa có thằng nào nhờ anh phổ thơ. Thế gọi là … bạn. Bây giờ, lần đầu tiên anh tập phổ thơ, mà lại là thơ của một ông thứ trưởng trẻ tuổi. Bài “ Cao nguyên đá” là thơ của ông ta. Nhà thơ Trần Tuấn Anh, là con trai của bác Trần Đức Lương hình như ngày xưa… làm to lắm.

Lạ nhất là, ông thứ trưởng này lại biết thương dân. Khi đi công cán qua núi đá nghèo Hà Giang. Cảm tác mà thành bài thơ nhân ái. Chuyện như cổ tích.

Nếu bài này thành công, anh sẽ lục lại thơ bạn để phổ. Ưu tiên hai thằng đã thôi cuộc rượu. Anh tự thấy mang nợ với bạn bè thi ca của mình. Nhưng anh sợ lắm. Thơ chúng nó hay, mà mình phổ dở, nó hiện về, nó bóp cổ mình.

Phổ thơ khó lắm, chỉ trong nghề mới biết. Có loại thơ để đọc, có loại để ngâm, có loại chỉ để nhìn, đọc lên hay ngâm lên là hỏng bét. Còn loại thơ để hát thì chỉ có nhạc Trịnh tự phổ thơ mình thôi. Nhớ có lần nhạc sỹ Thanh Tùng đùa trêu ai đó:

“Ông phổ thơ thế này, phải gọi là “Ngâm thơ tân kỳ” chứ không phải là nhạc, nếu bỏ lời đi, thì chẳng hiểu nó là cái gì.” Thanh Tùng cũng chưa phổ thơ ai bao giờ.

Trên đời anh chỉ phục anh Hoàng Hiệp, Lê Yên và vài người nữa. Phổ thơ hay cực. Thế mới biết phổ thơ là một nghề. Sự kết hôn tài tình giữa nhà thơ và nhạc sỹ.

Ở Tây không có chuyện đó. Lời của họ không có dấu sắc, huyền, hỏi… Muốn hát kiểu gì, vẫn nghe được lời. Một bài hát tuyệt vời của người Việt: “Buổi sáng em lên rẫy..” Các bạn thử hát đúng nốt xem. Con gái Bắc kỳ sẽ hét lên, bậy quá, bậy quá…

Anh cũng lại sợ, phổ thơ xong, người ta mang thơ bạn mình vào quán Karaoke, bia ôm để hát như “Thuyền và biển”, kể cả vừa ôm gái vừa hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” thì thôi rồi. Anh cũng được may mắn và đau lòng góp vào thế giới “bia ôm ca” hai bài: “Sao em nỡ vội lấy chồng” và “ Tuỳ hứng Lý qua cầu” đấy. Nhớ ngày nào, cụ nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát khuyên anh: Một bài hát hay khi ra đời chưa nhiều người biết nó hay. Thời gian sẽ thử thách, nếu nó hay, tự nó sẽ sống, không cần quảng cáo. Những bài hát đang nổi tiếng phát ra rả trên đài truyền thanh (ngày đó có cái đài này) chưa chắc sẽ sống lâu đâu, con à .

Anh chỉ mong bài phổ thơ “Cao nguyên đá” này không bị “vào tai này ra tai kia”, không bị đưa vào bia ôm (anh tính rồi), viết theo kiểu nhạc rock, đố ai hát được ở nơi các em nạ dòng chỉ thích tỷ tê… nhạc sến.

Hơn nữa, bản nhạc của anh đã được những người rất trẻ chắp cánh. Ban nhạc Ngũ cung. Anh thấy mình thật hạnh phúc.

 

 

 

 

 Cao nguyên đá 

 

Thơ Trần Tuấn Anh -Phổ nhạc: Trần Tiến

 

Kìa bát ấu tẩu, nằm trên triền núi,

Dằn lòng một chiều cuối đông

Kìa bát ấu tẩu sưởi ấm con người

Một đời rừng già, núi cao 

 

Mênh mông đá, cao nguyên ơi

Cao nguyên đói, mênh mông đá.

Hạt ngô nảy mầm vượt lên sỏi đá

Bật dậy, bật dậy nghiến răng

Hạt ngô nảy mầm, thương bé H’mông

Đợi một mùa vàng ngóng trông

Mênh mông đá, cao nguyên ơi

Cao nguyên đói, mênh mông đá.

Biết làm gì, và sẽ làm gì

Ngẩng lên, ngẩng lên chỉ thấy đá

Cúi đầu cắm mặt, đá quê hương

Vẫn vẹn toàn cuộc sống trường tồn…

Theo facebook Nguyễn Quang Lập

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh