THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:32

Ngành ngân hàng Thanh Hóa: Góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xã hội địa phương

Ngành ngân hàng thực hiện điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, nâng cao giá trị VND; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ Đề án cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu và nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thực hiện chủ trương, định hướng hoạt động của ngành, Ngân hàng Thanh Hoá đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách tiền tệ, các giải pháp nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn hoạt động; điều chỉnh giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND, bằng USD và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành nghề như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh. Nếu năm 2011, lãi suất từ 20 - 25%, thì nay lãi suất cho vay giảm xuống, ngắn hạn vào khoảng 6 - 9%, trung và dài hạn 9 - 11%.

Tổ chức kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, giải đáp nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, ký kết và cho vay 612 doanh nghiệp với 4.519 tỷ đồng; Cho vay doanh nghiệp đạt 24.905 tỷ đồng. Phối hợp với các ngành có liên quan trên địa bàn triển khai kịp thời chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh-xã hội; triển khai đồng bộ chính sách cho vay hỗ trợ, giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 23.902 tỷ đồng, chiếm 49,2% so với tổng dư nợ của ngành ngân hàng trên địa bàn, tăng 179% so với năm 2011; chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngành ngân hàng trên địa bàn đã ký hợp đồng tín dụng với 20 chủ tàu với tổng mức cam kết cho vay đạt 263,1 tỷ đồng, đã giải ngân 74,9 tỷ đồng và đã hạ thuỷ được 01 tàu; thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và cho vay học sinh sinh viên 7,2%/năm; nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ mức 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng; rà soát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chủ động xử lý, trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn cho phép đối với các dự án trọng điểm, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các Chi nhánh TCTD thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, các Chi nhánh NHTM đã cơ cấu xong, hệ thống QTDND đã hoàn thành việc xây dựng phương án tái cơ cấu. Tập trung giải quyết nợ xấu theo Đề án xử lý nợ xấu của NHNN Việt Nam, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã xử lý 253 tỷ đồng nợ xấu. Đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, thông qua biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng được giữ nguyên nhóm; các doanh nghiệp đã được hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính do không phải trả lãi phạt và đảm bảo điều kiện tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng. Biện pháp cơ cấu lại nợ đã mang lại những kết quả tích cực và thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Hoạt động dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh, đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt; đặc biệt là dịch vụ thanh toán thẻ phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm thẻ đa tiện ích được giới thiệu tới khách hàng.NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh TCTD, đã kiên quyết xử lý các TCTD có vi phạm pháp luật trong hoạt động, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả. Thị trường, vàng và ngoại hối ổn định, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền cơ chế, chính sách của Chính phủ, của ngành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng..., góp phần triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. 

Với sự quyết tâm đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp, kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn đến nay nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 48.561 tỷ đồng, tăng 132,5%; tổng dư nợ đạt 61.443 tỷ đồng, tăng 81,7%; dư nợ cho vay các lĩnh vực nông nghiệp đều tăng cao so với năm 2011; nợ quá hạn chiếm 1,35%/tổng dư nợ. Kết quả đó, đã góp phần mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh hóa, bình quân đạt 1,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới.

Nguyễn Thanh An- Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh