Ngành LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch
- Dược liệu
- 14:35 - 02/01/2022
Quan tâm người yếu thế
Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm, đời sống của các hộ gia đình. Trong năm, TP. Cần Thơ đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, chăm lo tốt an sinh xã hội. Thành phố đã huy động sự góp sức của các tổ chức, cá nhân chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và trẻ em.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ chia sẻ, với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch, địa phương đang tiếp tục triển khai các chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động mất thu nhập do tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ người lao động ngừng việc.
Đặc biệt, từ Quỹ Vì người nghèo TP. Cần Thơ đã hỗ trợ cho đối tượng là hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức 500.000 đồng/hộ với tổng kinh phí 900 triệu đồng (1.800 hộ). Hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức 900.000 đồng/hộ với tổng kinh phí 02 tỷ 850 triệu đồng (3.167 hộ, gồm: 1.032 hộ nghèo, 2.135 hộ cận nghèo).
Đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, TP. Cần Thơ tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà và chi hỗ trợ đợt 1 cho 11 trẻ với kinh phí 55 triệu đồng (mức 5 triệu đồng/trẻ) từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; đã đề nghị và được phê duyệt hỗ trợ đợt 2 (4 trẻ) và đợt 3 (7 trẻ).
Đối với những lao động xa quê, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc đón người từ TP. HCM về quê đảm bảo an toàn theo Kế hoạch đề ra; mỗi người dân được hỗ trợ 2.120.000 đồng gồm: Chi phí cách ly y tế tập trung (80.000 đồng/ngày trong 14 ngày) và tiền ăn trong thời gian tạm hoãn đón người dân (1.000.000 đồng/người).
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng thành phố đã và đang nỗ lực tập trung thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em luôn là nhóm đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, nhất là đối tượng phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em được cách ly, điều trị, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do COVID-19... Điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Dịch bệnh đã làm cho những trường hợp vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn. Xác định người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch để khôi phục và phát triển kinh tế, các địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội. Những hoạt động đầy ý nghĩa tiếp sức người nghèo đã góp phần thắp lên niềm tin, sức mạnh của cộng đồng để cùng chung sức vượt qua khó khăn trong đại dịch..
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19, TP. Cần Thơ đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ, tính đến ngày 5/12/2021, toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.699 người sử dụng lao động, 480.420 lượt người, kinh phí trên 897 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ cho 3.699 người sử dụng lao động, 419.703 lượt người với tổng kinh phí trên 767 tỷ đồng, đạt 87,36% so với số lượng được phê duyệt.
“Những người lao động tự do là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Thấu hiểu điều đó nên lãnh đạo TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con đăng ký và nhận hỗ trợ trong thời gian sớm nhất", bà Xuân Mai chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tại buổi làm việc với TP. Cần Thơ ngày 1/11/2021, đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá rất cao TP về việc này với tỉ lệ người được hỗ trợ cao và mức hỗ trợ cao hơn mức tối thiểu. TP. Cần Thơ là một trong số địa phương thực hiện tốt chính sách này.
Thời gian qua, bên cạch các gỏi hỗ trợ của nhà nước, TP. Cần Thơ còn triển khai các chương trình hỗ trợ như suất cơm miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm phong tỏa, các khu cách ly; tặng quà là lương thực, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ trong khu vực bị phong tỏa… duy trì mô hình Chợ 0 đồng, Bếp yêu thương, Chuyến xe yêu thương, Chuyến xe Dân vận, Công trình 650 Túi thuốc yêu thương, ATM gạo... để san sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua đại dịch.
Các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã có 3.650 đơn vị được giảm mức đóng (đạt tỉ lệ 100% so với dự kiến) với 82.423 lao động với tổng số tiền được giảm (tạm tính) gần 28 tỉ đồng. Đối với chính sách tạm dừng đóng vào quĩ hưu trí, tử tuất hiện đã có 10 đơn vị với 2.180 lao động được tạm dừng đóng với số tiền tạm dừng đóng trên 13 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cũng được chính quyền thành phố quan tâm đúng mức để đảm bảo nguồn nhân lực hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã ban hành Công văn số 2758/SLĐTBXHLĐ để tổ chức thực hiện; đồng thời liên hệ mời làm việc, kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động trên địa bàn để tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, duy trì việc làm cho trên 1.200 lao động.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội khác thể hiện tính nhân văn sâu sắc như: Hỗ trợ gạo cho người dân đang gặp khó khăn từ nguồn gạo dự trữ nhà nước, hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai và trẻ em, hỗ trợ tiền ăn đối với người F0 đang điều trị và người F1 phải thực hiện cách ly y tế, hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất…đều được chính quyền thành phố triển khai nhanh chóng và đạt kết quả tích cực.
Trao đổi với phóng viên báo Lao động và Xã hội, bà Trần Thị Xuân Mai cho biết: “Thời gian qua, chính quyền thành phố đã nỗ lực hết mình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 song song với việc triển khai các giải pháp an sinh xã hội để hỗ trợ kịp thời người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Có thể khẳng định rằng, chính quyền thành phố luôn xem lợi ích Nhân dân là chủ thể trong hoạch định và triển khai các chính sách. Ngoài ra, TP Cần Thơ đã ban hành các văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng hỗ trợ về tín dụng; đề nghị Điện lực thành phố và các Công ty cấp nước hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, tiền nước cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”.