Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch
- Dược liệu
- 08:46 - 27/01/2022
Đào tạo nguồn lao động chất lượng cao góp phần giảm nghèo bền vững
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng có nhiều nỗ lực, phấn đấu triển khai thực hiện đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho biết, năm qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 13.000 lao động, góp phần thực hiện đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác chăm lo, chi trả trợ cấp đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định; kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn, hỗ trợ đón người dân gặp khó khăn trở về địa phương, trợ cấp cho người dân thực hiện các biện pháp cách ly y tế...
Việc triển khai thực hiện Đề án số 10 của UBND tỉnh Sóc Trăng đã góp phần đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, tiếp cận máy móc thiết bị tiên tiến, đào tạo lao động theo hướng vừa có kiến thức vừa thực hành, góp phần thực hiện chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh năm 202.
Qua kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo thống kê toàn tỉnh có 22.120 hộ nghèo, tỷ lệ 6,64% (hộ nghèo dân tộc Khmer 9.908 hộ, chiếm 9,78%); 29.403 hộ cận nghèo, tỷ lệ 8,83% (cận nghèo dân tộc Khmer 11.304 hộ, chiếm 11,15%). Thành phố Sóc Trăng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, chiếm 1,51%, cao nhất là huyện Kế Sách với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,37%.
Trong năm, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.979 lao động; tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm, với 67 đơn vị và 871 người lao động tham gia; tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 6.397 lao động; cấp mới 342 giấy phép lao động.
An sinh xã hội là “chìa khóa” giúp người dân vượt qua khó khăn do Covid-19
Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề về hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do do dịch Covid-19. Để đảm bảo người dân không ai bị thiếu ăn, bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ, giúp người dân vượt qua "cơn bão" Covid-19.
Đặc biệt, tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ gần 3.000 tấn gạo tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh và khi gạo được cấp thì bằng mọi cách các địa phương trong tỉnh đã chuyển đến tay người dân trong thời gian sớm nhất để bà con yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Hiện tỉnh cũng đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục hỗ trợ cho lao động tự do mất việc (đợt 2, đợt 3) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí lương thực để tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (chủ yếu là người lao động làm việc ngoài tỉnh), không để ai thiếu đói do dịch bệnh.
Trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh chuẩn bị ưu tiên đón học sinh và công dân quê Sóc Trăng đang sinh sống, học tập, lao động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về quê hương. Đồng thời, tỉnh cũng có quyết định miễn học phí 5 tháng cho học sinh toàn tỉnh tại các trường công lập nhằm chia sẻ, giảm bớt một phần khó khăn cho phụ huynh vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình tiếp bước các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh như trao học bổng, tặng tập sách, xe đạp… để tất cả các em đều được đến trường.
Ngoài ra, để kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, các địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị đã vào cuộc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều hoạt động thấm đậm tình người đã và đang được các ban, ngành triển khai rộng khắp các địa phương trong tỉnh như: Chuyến xe nghĩa tình, trao tặng túi an sinh, “Chuyến xe nghĩa tình - Đồng hành vượt qua đại dịch”, bếp ăn nghĩa tình, gian hàng “0 đồng”… để gửi tặng lương thực, thực phẩm đến người dân với số tiền hàng chục tỷ đồng đã kịp thời động viên, tiếp thêm nguồn lực để người dân “ở yên” góp phần cùng địa phương chiến thắng dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác quan tâm, chăm sóc người có công luôn được chú trọng, cụ thể trong năm đã xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách cho 616 hồ sơ mai táng phí thuộc đối tượng chính sách người có công; ban hành quyết định thờ cúng liệt sĩ 125 trường hợp, quyết định thay đổi người thờ cúng liệt sĩ 64 trường hợp; chuyển hồ sơ đi tỉnh khác 20 trường hợp, tiếp nhận hồ sơ tỉnh khác chuyển đến 26 trường hợp; cấp lại giấy chứng nhận các loại 105 trường hợp; đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ 14 trường hợp; tiếp nhận 4 hồ sơ đề nghị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; đề nghị cấp mới, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công theo đơn đề nghị của thân nhân liệt sĩ 397 trường hợp; trợ cấp hàng tháng cho 2.529 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước và phòng, chống xâm hại trẻ em luôn được chú trọng. Cụ thể, trong năm đã tổ chức họp mặt, trao tặng 2.808 phần quà cho hơn 3.000 trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt và hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì trẻ em; hỗ trợ 12 trẻ em sau phẫu thuật bệnh tim; tổ chức trao quà cho 107 trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Trung thu và Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6); phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình Quỹ sữa cho trẻ em vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3, thị xã Vĩnh Châu.
Bước sang năm 2022, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành lao động, người có công và xã hội do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm phục hồi, phát triển thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phấn đấu giải quyết việc làm mới khoảng 27.500 lao động (đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 220 người); đào tạo nghề cho khoảng 16.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 2 – 3%, trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer từ 3 – 4%; tập trung thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công, chính sách trợ giúp đối tượng thuộc ngành quản lý và thực hiện.