THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:21

Ngành LĐ-TB&XH Tiền Giang:Đảm bảo an sinh xã hội góp phần phát triển kinh tế - Xã hội

 

Kết thúc năm 2018, với những thành tích to lớn, bước sang năm 2019 với nhiều mục tiêu kế hoạch mới để ổn định nâng cao hơn nữa đời sống người dân – nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công. Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Minh Trí GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang xung quanh vấn đề đáng quan tâm sau.

          Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

Phóng Viên: Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang đã đồng bộ thực hiện rất hiệu quả công tác giới thiệu việc làm vào đào tạo nghề, ông có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực này?

GĐ Phạm Minh Trí: Năm 2018, nhìn chung, công tác tư vấn và giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm được thực hiện tốt, giúp cho nhiều doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin để kịp thời đăng ký tuyển dụng và tìm việc.

Cụ thể, đã tổ chức 20 Phiên Giao dịch việc làm, với 59 doanh nghiệp (tăng 16 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017 - đạt 137,2% kế hoạch) tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 8.483 lao động (tăng 4.880 lao động so với cùng kỳ 2017), thu hút trên 1.079 lượt lao động (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017) tham gia trực tiếp và hàng trăm lượt tham gia gián tiếp qua website Trung tâm Dịch vụ việc làm. Qua đó, đã có 951 lượt lao động (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017) được tư vấn. Đồng thời, tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động cho 23.381 lượt lao động (đạt 129,9% kế hoạch năm và đạt 112,2% so với cùng kỳ so với cùng kỳ năm 2017).

Ông Phạm Minh Trí – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang


Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp . Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đào tạo 42 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực: Y tế, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử, Dịch vụ, Văn hóa – Nghệ thuật, Nông nghiệp, quy mô tuyển sinh hàng năm: 3.500 – 4.000 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng; ngoài ra, đào tạo nhiều nghề trình độ Sơ cấp và dưới 03 tháng khi địa phương có nhu cầu, quy mô tuyển sinh hàng năm: 9.000 học viên.

Phóng viên: Thưa ông, sau nhiều nỗ lực và quyết tâm, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảng xuống còn 3,41% vào cuối năm 2018. Thời gian tới Tiền Giang sẽ có những chính sách gì để tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững?

GĐ Phạm Minh Trí: Với phương châm tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo, chú trọng đầu tư cho những vùng khó khăn nhất; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do ngành làm chủ; đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững

Theo đó, số hộ thoát nghèo năm 2018 trên 4000 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,19% xuống còn 3,41% vào cuối năm.

Thời gian tới, kế hoạch đề ra của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) xuống còn dưới 3,11% so với dân số toàn tỉnh.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 0,6-0,9% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 4%/năm. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội.

Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, gíam sát, đánh giá việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo năm 2019, như: mua bảo hiểm y tế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hoạt động truyền thông,.... .

Phóng Viên: Được biết, năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang thực hiện rất tốt việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ông có thể chia sẻ một số cách làm hay trong lĩnh vực này?

GĐ Phạm Minh Trí: Tiền Giang cũng đang tập trung vào công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua việc xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ cho người lao động nhằm góp phần giải bài toán việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.

Mục tiêu đặt ra trong đề án lần này là giai đoạn 2018 - 2020 có 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm 300 lao động, theo hình thức thông qua các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH theo Chương trình phi lợi nhuận của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng là một trong những địa phương hiện có các chính sách ủng hộ chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện Tiền Giang có chính sách hỗ trợ vay vốn lên đến 100% cho những người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài…

Năm 2018, đã đưa 203 lao động xuất cảnh (đạt 135,3% kế hoạch năm và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó xuất cảnh sang Nhật Bản là 173 lao động, Đài Loan là 24 lao động, Hàn Quốc là 05 lao động và thị trường khác là 01 lao động.

Ông Phạm Minh Trí – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang trao quà cho trẻ em 


Phóng viên: Tôn vinh, chăm sóc, nâng cao mọi mặt đời sống gia đình chính sách, người có công là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên mỗi dịp Tết đến Xuân về hoạt động này lại có ý nghĩa hơn. Ở Tiền Giang công việc này tiến hành như thế nào?

GĐ Phạm Minh Trí: Trong những năm qua, bằng nghĩa tình và trách nhiệm, tỉnh đã và đang tiếp tục làm hết sức mình nhằm ổn định, nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiền giang xác định nhiệm vụ chủ yếu trong việc tôn vinh, chăm sóc người có công là phải làm thật tốt và hiệu quả trên cả ba phương thức, Nhà nước chăm lo về cơ bản mức sống của người có công – được quy định bởi các chế độ của pháp luật; khuyến khích và mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh với các hoạt động sôi nổi, rộng khắp.

Năm 2018, tỉnh thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công, các hồ sơ đủ điều kiên về thụ ̉ tuc giấy ̣ tờ theo quy đinh đều được xem xét, giải quyết hoăc hướng dẫn, trả lời theo quy định ; tổ chức và phục vụ tốt công tác thăm tặng quà gia đình chính sách nhân dịp Lễ , Tết cổ truyền... mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công, thân nhân người có công.

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý trên 130.000 đối tượng người có công. Riêng trong năm 2018, đã xác nhận, công nhận mới 209 người có công, trong đó phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 73 mẹ, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng là 5.941 mẹ (còn sống 327 mẹ, từ trần 5.614 mẹ); 29 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, nâng tổng số lên 1.948 người đã được hưởng chế độ chất độc hóa học (trong đó, còn sống 1.162 người hoạt động kháng chiến và 365 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến); 43 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, nâng tổng số quản lý là 2.295 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 13 tỷ đồng đạt 130% kế hoạch năm tăng 04% so với cùng kỳ năm 2017, xây dựng và sửa chữa 285 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 9,4 tỷ đồng đạt 172,7% kế hoạch năm tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2017.

 Đưa 7/7 đợt với 720 người có công đi điều dưỡng tập trung cho các huyện, thành, thị tại 4 địa điểm: Trung tâm điều dưỡng người có công Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang và Đoàn An dưỡng điều dưỡng 198 Đà Lạt.  

Phóng viên: Năm 2019, ngành LĐ– TB&XH Tiền Giang xác định và tập trung thực hiện những lĩnh vực trọng tâm nào? Và giải pháp triển khai thực hiện?

GĐ Phạm Minh Trí: Bước sang năm 2019, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các hiệu quả các lĩnh vực như: Tạo việc làm cho 20.000 lao động, đưa 300 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị <3%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%.

Thực hiện tuyển sinh đào tạo 3.090 HS, SV trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ: 1.180, TC: 1.910) và 9.000 học viên trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng (nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp). Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) xuống còn dưới 3,4% so với dân số toàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra cũng như khắc phục những khó khăn hạn chế trong thời gian qua. Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH triển khai thực hiện các giải pháp như: Nghiên cứu đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng chủ động, với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng người lao động, doanh nghiệp.

Bàn giao nhà tình nghĩa 


 Tổ chức giao dịch việc làm tại các cơ sở đào tạo, ký kết các hợp đồng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, phát triển các  mô hình “Đào tạo gắn với giải quyết việc làm trong nước” và “Đào tạo nghề gắn với công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Tổ chức triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ người lao động trên dịa bàn tỉnh Tiền Giang đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về mức vay, hình thức vay sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết bổ sung đối tượng chính sách được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đảm bảo người lao động được vay tín chấp mức 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội. Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, gíam sát, đánh giá việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo năm 2019, như: mua bảo hiểm y tế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hoạt động truyền thông,....

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh