THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Ngành in bế tắc nguồn nhân lực

Theo các số liệu thống kê về ngành in thương mại thế giới của IBIS World, nhu cầu của ngành in bao bì vẫn phát triển ổn định đã bù vào những mất mát đến từ truyền thông điện tử. Tổng doanh thu của toàn ngành trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 961 tỷ USD. Công nghệ in offset vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 48%, các phương pháp in khác là 36%.

Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đối với các sản phẩm in bao bì và in thương mại cũng tăng, tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm in ấn Việt Nam cũng rất lớn. Hiện Việt Nam có trên 2.000 đơn vị có máy in công nghiệp với doanh thu mỗi năm đạt trên 40.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Từ đầu năm 2014, ngành in Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Nếu phát triển tốt ngành công nghiệp in gia công xuất khẩu, dự kiến ngành in Việt Nam có thể tăng doanh thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, để đạt được con số tăng trưởng này, DN ngành in cần có kế hoạch giải quyết dứt điểm khó khăn về nhân lực - thách thức lớn nhất của ngành.

Trong khi đó, PGS-TS. Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TP.Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, cho biết: "Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in ngày càng tệ. Số lượng đào tạo các cấp trình độ của ngành là 300 - 400 người/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực gần 4.000 người mỗi năm. Vòng lẩn quẩn về nguồn lực và sự phát triển liên tục lặp lại. DN trả lương không cao do sản xuất khó khăn. DN muốn có nguồn nhân lực nhưng không sẵn lòng bỏ tiền đào tạo. Nhà trường tuyển sinh khó khăn. Kinh phí thu từ hoạt động đào tạo không đủ bù chi. Đời sống giáo viên còn khó khăn. Cơ sở vật chất cho đào tạo không đạt dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa cao".

Lao động của ngành in được cung cấp từ bốn nguồn: các cơ sở đào tạo, các DN lấy lao động của nhau (dịch chuyển lao động), DN tự đào tạo, DN cử người đi học khi nhà cung cấp chuyển giao thiết bị.

Về cơ sở đào tạo - nguồn cung cấp nhân lực chính của ngành, hiện cả nước có 2 đơn vị đào tạo bậc đại học, 1 đơn vị đào tạo bậc cao đẳng và 4 trường trung - sơ cấp nghề in.

Mỗi năm Đại học Bách Khoa Hà Nội đào tạo được khoảng 25 kỹ sư ngành in, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 50 kỹ sư, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được các công ty nước ngoài tuyển dụng. Trường Cao đẳng In Hà Nội thì từng bị xem xét có nên duy trì hay không.

Trường Trung cấp bao bì An Đức của Liksin đã ngưng tuyển sinh từ năm 2015, Trường Trung cấp Sài Gòn 3 và Trung tâm đào tạo ITAXA (sơ cấp nghề 9 tháng) cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Về tự đào tạo, hiện nay, hầu như những DN ngành in phát triển tốt trên thị trường đều đã tự bỏ chi phí ra đào tạo. Công ty In Huynh đệ Anh Khoa (Anh Khoas Brother), chuyên in xuất khẩu tại TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Năm 2016, Công ty đã thuê chuyên gia Mỹ, Nhật, Hà Lan và Việt Nam đến đào tạo để đạt được chứng chỉ PSO của Fogra (chứng chỉ cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng in và ISO 12647-2 chuyên ngành in).

Tuy nhiên, do đa số DN ngành in là DN nhỏ và vừa, không thể ngay lập tức đầu tư thay đổi công nghệ, cải tiến kỹ thuật, đào tạo lao động tay nghề cao, nên cần tìm kiếm sự hợp tác từ phía các công ty và tổ chức nước ngoài để có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ, cùng với đó là đặt hàng các trường đại học và cơ sở dạy nghề để có nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dòng nhấn mạnh: "Doanh thu ngành in năm 2016 dự kiến đạt hơn 60.000 tỷ đồng. Để có thể nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh tế hội nhập, DN ngành in không còn cách nào khác là phải chủ động tìm kiếm các giải pháp để giải bài toán nguồn nhân lực, rào cản lớn nhất nhiều năm qua, thì mới mong giành được thị phần trong thị trường đầy tiềm lực này".

VĂN LÝ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh