THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Ngành giáo dục có trách nhiệm thu phí BHYT học sinh, sinh viên.

 

*Sửa đổi quy định thời gian đóng BHYT học sinh theo hướng linh hoạt

Báo cáo tại cuộc họp báo thông tin về việc thu BHYT học sinh sinh viên năm học 2015-2016, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, năm học 2015-2016 là năm bản lề trong việc thực hiện chính sách BHYT, thay vì thu BHYT theo năm học, thời gian được thực hiện theo năm tài chính, mức thu sẽ tăng từ 3% lên 4,5% lương cơ sở. Cụ thể, mức đóng BHXH đối với học sinh và sinh viên là 612.000 đồng/năm (51.000 đồng x 12 tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên phải đóng 70%, tương đương hơn 430.000 đồng, 30% còn lại Nhà nước sẽ hỗ trợ.

Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2014 - 2015 sẽ kết thúc vào tháng 9.2014, trong khi năm học 2015 - 2016 còn 3 tháng năm 2015. Chính vì vậy, một số tỉnh, thành đã thực hiện việc thu gộp 3 tháng còn lại của năm 2015 (từ tháng 10 - 12) vào năm 2016.

Ông Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với sở GD&ĐT các tỉnh, thành và các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện thu BHYT theo quy định mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, do không thông tin kịp thời nên có 8 địa phương thực hiện thu... một lèo 15 tháng. Đó là TP HCM, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng  Ngãi.  Riêng TP.Hồ Chí Minh đã dừng ngay việc thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng. Một số địa phương khác lại hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc 1 năm. Ngoài ra, có 5 tỉnh vẫn thu theo năm học và số địa phương “xé” mức thu theo quý hoặc 6 tháng/lần. Do không nhất quán, mỗi nơi thu một kiểu, gây nên sự lộn xộn và làm nóng dư luận trong thời gian qua.

Khám bệnh cho học sinh tại các trường phổ thông

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi có dư luận người dân cho rằng việc thu phí BHYT học sinh, sinh viên theo năm tài chính (phải đóng phí 15 tháng) thay vì theo năm học đã gây áp lực không nhỏ cho các hộ gia đình vào dịp đầu năm học, cơ quan bảo hiểm đã phối hợp với các địa phương điều chỉnh thời gian đóng phí, tùy vào tình hình của từng địa phương có thể chia thành nhiều lần thu như nói trên.

Tại buổi họp báo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị liên bộ Y tế - Tài chính sửa đổi quy định thời gian đóng BHYT học sinh theo hướng linh hoạt, có thể thực hiện theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học để thuận lợi cho học sinh, sinh viên. Đồng thời tăng mức hỗ trợ của Nhà nước, cho phép gia đình có hai học sinh, sinh viên trở lên tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình.

*Đóng cao hơn để hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn

Về thông tin một số giáo viên cho rằng, thu BHYT học sinh sinh viên là ngành giáo dục đang làm hộ ngành BHXH, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, chúng ta thực hiện Luật BHYT sửa đổi với việc mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân với những lộ trình hết sức cụ thể, đòi hỏi sự tham gia của  toàn bộ hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp phải tham gia, vào cuộc và coi đây là nhiệm vụ chính của mình, vì vậy, trong luật BHYT sửa đổi đã có điều khoản hết sức cụ thể cho các bộ ngành. Theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thu BHYT đối với HS-SV. Có điều, chỉ tiêu tham gia BHYT của các địa phương cũng là chỉ tiêu phát triển kinh tế các địa phương và chỉ tiêu thi đua của ngành giáo dục nên các trường tích cực triển khai. “Cho đến thời điểm này, hầu hết trường học trên cả nước đã ký hợp đồng để phát triển BHYT HS-SV. Theo quy định, BHXH Việt Nam dành 7% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng số HS-SV đang theo học để nhà trường giữ lại phục vụ cho khám chữa bệnh ban đầu” - bà Minh nhấn mạnh.

Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng việc để xảy ra tình trạng nhiều hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh không biết rõ về mức đóng BHYT theo quy định mới là do 2 ngành bảo hiểm và giáo dục chưa có sự phối hợp trong hướng dẫn và tuyên truyền. “Năm nào cũng có hướng dẫn liên ngành về cách thức thu BHYT đối với HS-SV nên nếu ngành giáo dục và hiệu trưởng các trường nói không biết việc thay đổi này là không đúng” - bà Minh cho biết

Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, chúng ta nên coi BHYT học sinh sinh viên nói riêng và BHYT nói chung là nhu cầu an sinh thiết yếu. Mặc dù theo Luật BHYT sửa đổi, mức đóng có tăng nhưng cũng chỉ hơn những năm trước hơn 100.000 đồng/ năm, điều quan trọng hơn là Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ cho những nhóm khó khăn, yếu thế như: con em người nghèo (100%), quân nhân, công an (100%), người cận nghèo tối thiểu là 70% là chính sách của nhà nước còn lại là hầu hết các địa phương. Như vậy, số nào phải đóng BHYT, đó là con em những gia đình bình thường, không phải là gia đình nghèo và chỉ đóng với mức 70%, còn lại 30% được nhà nước hỗ trợ. “Chúng ta phải chấp nhận đóng cao một chút để hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết”- bà Minh nhấn mạnh.

Thái An/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh