CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

BHYT học sinh, sinh viên: Tăng tiền có tăng chất lượng dịch vụ?

 

Sau hàng loạt những phản ứng của phụ huynh học sinh về việc thu BHYT học sinh, sinh viên 15 tháng trong một lần đầu năm học này, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn lại cách thu. Theo đó, thay vì thu cùng lúc 15 tháng như ban đầu thì nay sẽ thu 6 tháng/lần; tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học. Các cơ sở giáo dục và đào tạo không thu các khoản bảo hiểm tự nguyện.

 

Tăng mức đóng BHYT nhưng chưa có cam kết nào về chất lượng thì chẳng ai muốn bỏ tiền ra.


Thế nhưng, bản chất của câu chuyện thu BHYT học sinh sinh viên năm nay không chỉ dừng lại ở cách thu mà chính là mức thu chưa thỏa đáng. Tại sao phụ huynh học sinh lại phản ứng gay gắt với mức thu và cách thu năm nay?

Thứ nhất, về mức thu, theo dẫn giải của các văn bản mà các cơ quan ban hành thì năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); mức đóng Bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên có thay đổi, bằng 4,5% mức lương cơ sở/tháng. Mọi áp dụng thu đều theo Luật nhưng phía các Bộ này không đưa ra được những cơ sở thực tế để thuyết phục các phụ huynh hãy đóng BHYT cho con em mình đi, có lợi lắm đó! Phụ huynh học sinh phản ứng vì họ không nhìn thấy quyền lợi y tế của con mình mỗi khi ốm đau sẽ được cải thiện. Mỗi năm, các gia đình cầm một tấm thẻ BHYT học sinh sinh viên rồi đút vào ngăn bàn, chẳng bao giờ sử dụng đến. Năm này qua năm khác, theo yêu cầu của nhà trường họ đóng tiền cho xong chuyện. Nhưng năm nay, “giọt nước làm tràn ly”, nếu không có chuyện bỗng chốc mức tăng BHYT học sinh, sinh viên tăng vọt, gấp đôi học phí thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ câu chuyện này được xới lên.

Thứ hai, việc tăng mức đóng, tăng thời gian đóng khiến khoản tiền BHYT đã tăng lên gấp đôi so với mọi năm, thực sự là một gánh nặng với nhiều gia đình ở nông thôn, những gia đình có thu nhập ít ỏi. Cách thu này đã được các cơ quan quản lý sửa, nhưng bản chất của câu chuyện lại không thay đổi khi thay đổi cách thu.

Chuyện thu tiền BHYT của 15 tháng được thu 1 lần có thể là gánh nặng với nhiều gia đình ở nông thôn, nhưng với nhiều gia đình ở thành phố thì không phải là chuyện quá lớn. Cái họ cần minh bạch chính là chất lượng dịch vụ cho con cái họ mỗi khi cầm tấm thẻ bảo hiểm y tế trên tay đi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Tiền nào của ấy, nếu tăng tiền thì phải tăng chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng đằng này, họ phải trả tăng tiền nhưng chất lượng vẫn như cũ thì sao tránh được sự bất bình, phản ứng từ phía dư luận.

Việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường thu 6 tháng/lần thay vì thu 15 tháng 1 lần về bản chất không thay đổi vấn đề mấu chốt của câu chuyện này. Có thu thành 10 lần thì khoản tiền đóng góp vẫn là như vậy. Điều mà dư luận quan tâm và yêu cầu các ngành đứng ra thực hiện thu – chi quỹ BHYT là phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi có quyết định tăng tiền.

Ngoài ra, trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các trường còn ghi rõ: “Các cơ sở giáo dục và đào tạo không thu các khoản bảo hiểm tự nguyện”. Thế nhưng, qui định này cũng đã bị lờ đi khi nhiều trường đưa khoản thu này vào cam kết tự nguyện của cha mẹ học sinh. Thế nhưng, khoản thu bảo hiểm thân thể học sinh vẫn được nhiều trường thu bình thường.

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể hay bất cứ loại bảo hiểm gì, nếu chất lượng tốt không cần bắt buộc người dân sẽ tự mua cho con mình. Những ngày qua dư luận nóng lên cũng là dịp để các ngành liên quan tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút người dân, chứ không thể mãi dùng mệnh lệnh hành chính như hiện nay.

theo vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh