CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:09

Ngành Du lịch TP.HCM phục hồi sau “bão lớn”

Ngành Du lịch đón đầu xu hướng mới 

Trái ngược với sự ảm đạm, vắng vẻ khi hàng loạt cửa hàng, ngôi nhà phải đóng cửa do giãn cách xã hội vì dịch bệnh, giờ đây, các tuyến đường, con phố ở TP.HCM (TP) hiện nay đã nhộn nhịp trở lại, đông đúc người và xe qua lại; các cửa hàng kinh doanh mở cửa, buôn bán tấp nập; các hoạt động văn hóa giải trí ngoài trời nay cũng chật kín người xem, nhiều điểm vui chơi, du lịch trên địa bàn TP đang đón một lượng khách khá lớn nhờ biết cách tự làm mới mình, giữ chất lượng dịch vụ.  

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh (bìa phải) và Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP (áo trắng) cùng đoàn tham quan địa đạo Củ Chi.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh (bìa phải) và Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP (áo trắng) cùng đoàn tham quan địa đạo Củ Chi.

Đơn cử như Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trên trung tâm quận 1 rất đông du khách, người dân tham quan, tản bộ. Điều mà cách đây hơn 1 năm, thật khó để có thể chứng kiến. Hay những ngày cuối tuần, bên trong chợ Bến Thành luôn nhộn nhịp người mua bán cũng như khách tham quan, đặc biệt có nhiều du khách nước ngoài ghé các sạp hàng truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Bích, một tiểu thương lâu năm tại chợ vui vẻ chia sẻ: “Từ khi TP mở cửa trong điều kiện bình thường mới, những cửa hàng ở đây không chỉ có khách trong nước mà có cả khách nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh của gia đình tôi đã khởi sắc hơn, lượng người đến mua bán đã đông hơn, thu nhập cũng ổn định. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, cửa hàng luôn chật kín chỗ”. 

Du khách tham quan và khám phá những nét văn hóa Nhật Bản ngay tại Công viên Hồ Cá Koi Rin Rin Park (TP.HCM).

Du khách tham quan và khám phá những nét văn hóa Nhật Bản ngay tại Công viên Hồ Cá Koi Rin Rin Park (TP.HCM).

Thông tin về sự phục hồi của ngành Du lịch, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, ngành du lịch TP đã và đang có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ về cả doanh thu lẫn lượt khách so với thời điểm dịch Covid-19. 

Du lịch TP đã đẩy mạnh một số loại hình du lịch thế mạnh như du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch nội ô có độ dài nửa ngày hoặc trong ngày. Khi đến TP, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như: “Ngắm TP từ trên cao” bằng máy bay trực thăng, "Trải nghiệm du thuyền ngắm hoàng hôn" khám phá vẻ đẹp Sài Gòn khi phố đã lên đèn... Ngoài những sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái tại huyện Cần Giờ, Củ Chi..., du khách có thêm lựa chọn đến Suối Tiên Farm (Nông trại Suối Tiên) nằm trong khuôn viên Du lịch văn hóa Suối Tiên tại TP Thủ Đức với các loại cây ăn trái phong phú có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Người dân TP.HCM và khách du lịch giờ đây sẽ được trải nghiệm những chuyến bay trực thăng, ngắm nhìn toàn thành phố từ trên cao độc đáo.

Người dân TP.HCM và khách du lịch giờ đây sẽ được trải nghiệm những chuyến bay trực thăng, ngắm nhìn toàn thành phố từ trên cao độc đáo.

Du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương sẽ được trải nghiệm chương trình “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa” với chuỗi điểm đến nổi bật của Quận 12 như: Phù Châu Miếu (là ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật); "Về Chợ Lớn xem múa Lân" biểu diễn định kỳ vào thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng; "Tân Phú - Đi là nhớ" có di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia...

Bên cạnh đó, du lịch TP cũng đồng hành với các doanh nghiệp khai thác đặc trưng của sản phẩm, dịch vụ tour chuyên tuyến điểm TP. Những chùm tour nội ô này sẽ mang lại sự hài lòng cho du khách và có tiềm năng khai thác lâu dài. 

Theo bà Hoa, một năm qua, TP đã xây dựng và phát triển hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô. Hầu hết chương trình này đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa vào khai thác kích cầu du lịch.

Hành khách tham gia tour trực thăng sẻ được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh khi bay trên những tầng mây, ngắm nhìn sông Sài Gòn quanh co, uốn lượn.

Hành khách tham gia tour trực thăng sẻ được trải nghiệm cảm giác bồng bềnh khi "bay trên những tầng mây", ngắm nhìn sông Sài Gòn quanh co, uốn lượn.

Ngoài ra, ngành du lịch TP đang khảo sát gần 20 chương trình du lịch mới….Chưa bao giờ hoạt động du lịch lại trở nên sống động và tạo được dấu ấn đẹp trong cộng đồng và trong lòng người dân TP cùng du khách như hiện nay.

Với việc đầu tư triển khai xây dựng các chương trình, dịch vụ du lịch theo xu hướng mới, phù hợp mới nhịp sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch TPHCM đang tiến những bước tiến mới với tốc độ tăng trưởng ổn định. 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 

Những tín hiệu tích cực của du lịch TP đang mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho ngành “công nghiệp không khói". Để quá trình phục hồi và từng bước phát triển trở lại sau nhiều thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid -19, một trong những yếu tố then chốt là chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch, dịch vụ trước những yêu cầu mới. 

Tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP năm 2022, nhằm trao đổi và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển ngành du lịch TP trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định, việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội chứ không phải riêng của ngành du lịch hay của một cơ quan nào.  

Du khách trải nghiệm tour Du thuyền trên sông Sài Gòn. Đây là sản phẩm du lịch mới, cao cấp, không giống các tour du thuyền từng hoạt động trước đây.

Du khách trải nghiệm tour "Du thuyền trên sông Sài Gòn". Đây là sản phẩm du lịch mới, cao cấp, không giống các tour du thuyền từng hoạt động trước đây.

Bà Lệ cũng cho biết, TP xác định đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị; đồng thời sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống.

Để đạt được mục tiêu đề ra, bà Lệ yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng số lượng và chất lượng cho sự phát triển ngành du lịch TP trong thời gian tới.  

Trao đổi với PV về dự báo nguồn nhân lực ngành du lịch, ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia Dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP cho biết, hiện nay, hoạt động du lịch trong nước đã được khởi động trở lại, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Đoàn du khách nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM.

Đoàn du khách nước ngoài tham quan Bưu điện TP.HCM.

Theo ông Tuấn, dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. 

“Hiện nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có chất lượng cao và trình độ chuyên môn cao. Các doanh nghiệp du lịch và khách sạn vẫn trong tình trạng ‘khát’ nhân lực làm được việc”, ông Tuấn nhận định. 

Trước thực trạng trên, ông Tuấn cho rằng: “TP.HCM cần đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, từ lao động không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính quy, lao động nhàn rỗi,… sang các ngành công nghiệp,du lịch và dịch vụ đồng thời nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao. Đồng thời ưu tiên phát triển nhân lực du lich, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động”. 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trên trung tâm quận 1 rất đông du khách, người dân tham quan, tản bộ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trên trung tâm quận 1 rất đông du khách, người dân tham quan, tản bộ.

Tương tự, PGS. TS Phạm Hồng Long - Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định: Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yếu tố then chốt đem đến sự thành công trong phát triển du lịch, là chìa khóa giúp du lịch của một quốc gia, khu vực có thể canh tranh so với đối thủ…chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Đào tạo và phát triển nguồn nhân du lịch chất lượng cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt trong định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong quá trình đào tạo cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người đào tạo và người học, sự phối hợp chặt chẽ với các bên như chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng,…trong mọi giai đoạn của hoạt động đào tạo”, PGS. TS Phạm Hồng Long nêu quan điểm.

XUÂN TRƯỜNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh